Chiến dịch Điện Biên Phủ: Pháo cao xạ và đòn giáng bất ngờ lên quân địch

Hoài Thu
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Dân trí) - Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, riêng lực lượng pháo cao xạ đã bắn hạ 52 trong tổng số 62 máy bay địch bị bắn hạ. Tất cả các loại máy bay địch sử dụng đều bị cao xạ bắn hạ, theo Đại tá Trần Liên.

Năm nay đã 96 tuổi, song Đại tá Trần Liên (nguyên Cán bộ Tham mưu Trung đoàn Cao xạ 367 năm 1954) vẫn nhớ như in những chiến thuật sử dụng pháo cao xạ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông kể từ cuối năm 1952, ta đã quyết định xây dựng một Trung đoàn pháo 105mm và một Trung đoàn pháo cao xạ 37mm chuẩn bị cho kế hoạch Đông Xuân 1953-1954.

Tháng 11/1953, Bộ Quốc phòng quyết định đưa Trung đoàn Cao xạ 367 về tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và lệnh: "Hành quân xe pháo đến đích tuyệt đối an toàn và bí mật coi như 60% thắng lợi."

Giữ bí mật đến cùng, giáng đòn bất ngờ lên đầu địch

Ngày 8/1/1954, cao xạ và pháo binh tập kết ở Tuần Giáo (Điện Biên Phủ). Theo kế hoạch tác chiến ban đầu, ta chủ trương "đánh nhanh, giải quyết nhanh", dự kiến tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 đêm 2 ngày.

Phương án lúc này là 5.000 cán bộ chiến sĩ công binh và tiểu đoàn bộ binh sẽ kéo pháo bằng tay 15km đường rừng núi từ Nà Nhạn (huyện Điện Biên) đường 41 qua núi Pha Phu Xông sang bản Tấu trên đường Lai Châu, Điện Biên, trong một ngày đêm.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Pháo cao xạ và đòn giáng bất ngờ lên quân địch - 1

Đại tá Trần Liên, nguyên Cán bộ Tham mưu Trung đoàn Cao xạ 367 năm 1954 (Ảnh: Hồng Phong).

Nhưng từ ngày 16 đến 26/1/1954, ta mới đưa được 2 đại đội pháo và 2 đại đội cao xạ vào, còn 32 khẩu rải rác trên đường. Trong khi đó, địch đã cơ động tăng cường lực lượng lên đến 17 tiểu đoàn Âu - Phi, 10 đại đội Thái và pháo binh, công binh, xe tăng, máy bay lên cứ điểm Điện Biên Phủ.

Khi từ hậu phương ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thấy tình hình địch đã thay đổi nên quyết định chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc" và lệnh "hoãn tiến công", kéo pháo ra tập kết chuẩn bị đầy đủ để chắc thắng.

Đại tướng khi ấy nhắc nhở: "Phải tiếp tục giữ bí mật binh chủng đến cùng để sẵn sàng giáng đòn bất ngờ lên đầu quân địch, ngay trận đầu xuất hiện, phải làm cho quân thù khiếp sợ trọng pháo và pháo cao xạ Việt Nam".

Từ quyết định đó, quân ta có thời gian để chuẩn bị mọi mặt cho chiến đấu. Trung đoàn Cao xạ 367 được biên chế 6 tiểu đoàn, trong đó 3 tiểu đoàn (381, 383, 394) vào chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ, còn 3 tiểu đoàn (385, 392, 396) bố trí bảo vệ giao thông và hậu phương chiến dịch. Cao xạ của ta là pháo cỡ 37mm, một nòng và không có thiết bị bắn đêm.

Sáng 11/3/1954, toàn bộ trọng pháo và pháo cao xạ đã sẵn sàng trong công sự. 17h30 ngày 13/3/1954, Bộ Chỉ huy Chiến dịch ra lệnh nổ súng mở màn.

24 khẩu pháo 105mm của ta bắn cấp tập trong 30 phút vào trận địa và Sở chỉ huy địch, mở màn đợt 1 tấn công.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Pháo cao xạ và đòn giáng bất ngờ lên quân địch - 2

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng không 383 (Trung đoàn 367) bắt bám mục tiêu trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu).

Sáng 14/3/1954, địch ồ ạt cho máy bay từ Hà Nội lên Điện Biên đánh phá nhưng bất ngờ bị cao xạ ta đồng loạt nổ súng bắn rơi nhiều chiếc tại chỗ, buộc chúng phải rút sớm.

Sau thất bại này, từ ngày 17/3/1954, địch tổ chức những đợt đánh phá pháo cao xạ của ta nhưng đều bị ta trả đòn quyết liệt, bắn rơi nhiều máy bay.

Hai Đại đội cao xạ 815 và 827 của ta bị địch đánh vào trận địa, Ban chỉ huy Đại đội 827 hy sinh, 3 khẩu pháo bị hỏng. Cùng lúc này, sơn pháo 75mm của ta bắn vào Sân bay Mường Thanh, phá hủy 10 máy bay địch (từ ngày 27/3, Sân bay Mường Thanh không còn sử dụng được nữa).

Trong 5 ngày đầu, pháo cao xạ của ta đã bắn rơi 14 máy bay, bắn bị thương 25 chiếc. Pháo binh địch cũng bị pháo binh ta kiềm chế. Ngày 15/3/1954, hai ngày sau ngày mở màn chiến dịch, tay đại tá chỉ huy pháo binh địch tên Pirot đã tự sát.

Sự trưởng thành của pháo binh Việt Nam

Trong đợt 2 chiến dịch từ 30/3/1954 đến 30/4/1954, kế hoạch tác chiến của ta là "bóc vỏ, bao vây".

Đại tá Trần Liên kể lại khi đó, bộ binh ta đào chiến hào vây lấn ở mặt đất, cao xạ bao vây siết chặt vùng trời, cắt cầu hàng không.

Thời gian này, địch phải thả dù tiếp tế 100-120 tấn hàng gồm: lương thực, thuốc men, đạn pháo, cối… mỗi ngày. Máy bay địch bay cao trên 3.000m nhưng vẫn bị cao xạ của ta bắn, nên việc thả hàng của chúng không chính xác như dự tính, phần lớn hàng tiếp tế rơi vào khu vực ta kiểm soát.

Trong đợt 2, bộ binh ta đã đánh chiếm các cao điểm phía Đông và Tây của cứ điểm, cắt đôi phân khu trung tâm Mường Thanh với Hồng Cúm, chỉ còn đồi A1 chưa giải quyết được. Đợt này, pháo cao xạ đã bắn rơi chiếc pháo đài bay B24 và chiếc F8F, bắt sống giặc lái Robert Daniel.

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Pháo cao xạ và đòn giáng bất ngờ lên quân địch - 3

Di tích đường kéo pháo bằng tay tại xã Nà Nhạn, TP. Điện Biên Phủ trong mùa hoa Ban tháng 3 (Ảnh: Báo Điện Biên Phủ).

Từ ngày 1 đến 7/5/1954, ta bắt đầu đợt 3, tiến hành tổng công kích. 20h30 ngày 6/5/1954, ta nổ bộc phá đánh Đồi A1, đến 4h sáng ngày 7/5/1954, ta chiếm được Đồi. Quân địch đầu hàng vào 15h30 cùng ngày.

"Trong chiến dịch, riêng lực lượng pháo cao xạ đã bắn hạ 52 máy bay trong tổng số 62 máy bay địch bị bắn hạ. Tất cả các loại máy bay địch sử dụng (B24, B26, F8F, F6F, F4U, C47, C119) đều bị cao xạ bắn hạ", Đại tá Trần Liên cho biết.

 "Nghệ thuật sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ  -  Bài học kinh nghiệm về tổ chức xây dựng lực lượng và huấn luyện chiến đấu hiện nay", cũng là nội dung bài tham luận của Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong (Tư lệnh Binh chủng Pháo binh).

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong cho biết trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã bí mật sử dụng Trung đoàn 45 lựu pháo 105mm (24 khẩu), là trung đoàn pháo xe kéo đầu tiên của quân đội ta mà quân Pháp không ngờ tới.

Qua 55 ngày đêm chiến đấu, pháo binh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng chiến dịch tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, phá hủy và thu nhiều vũ khí trang bị.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu sự trưởng thành lớn mạnh của pháo binh Việt Nam, trong đó, nghệ thuật sử dụng pháo binh có sự phát triển vượt bậc.

Đội hình pháo binh cũng được bố trí hiểm hóc, vững chắc, hình thành thế vây hãm quân địch trong suốt quá trình chiến dịch, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong.