PhotoStory

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế

Thực hiện: Vi Thảo

(Dân trí) - Là đô thị di dản, "Thành phố xanh quốc gia", cố đô Huế có hệ thống cây xanh dày "mát mắt", hoa nở 4 mùa.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 1

Không tính những phường, xã mới mở rộng, theo số liệu thống kê, tại 356 tuyến đường, công viên nằm trong vùng lõi đô thị Huế có hơn 65.000 cây xanh, đạt 13,17m2/đầu người.

Năm 2016, Huế là thành phố đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức WWF vinh danh là "Thành phố xanh quốc gia"; tiêu chuẩn về không khí ở đây luôn được đảm bảo. Đây là thành phố có mật độ cây xanh cao nhất cả nước. 

Trong ảnh là Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Huế được bao quanh bởi cây điệp vàng, nằm ở ngã ba đường Nguyễn Huệ (bên phải) và Nguyễn Khuyến (bên trái), thuộc phường Phú Nhuận, thành phố Huế.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 2

Theo quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững.

Hiện nay, nhiều tuyến đường ở Huế, như Lê Lợi, Lê Huân, Ngô Quyền, Phan Bội Châu, Lê Duẩn,... hoa điệp vàng nở rộ, tạo không gian xanh mát, hữu tình.

Đặc biệt, đường Nguyễn Huệ là nơi có hoa điệp nở đẹp nhất. Sắc hoa điệp vàng tô điểm vào mỗi buổi sớm mai, tạo cho không gian đường phố càng thêm lãng mạn, sâu lắng, gây thương nhớ cho những ai từng đến Huế, trót yêu mảnh đất Cố đô.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 3

Để xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế theo hướng "đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường", tỉnh này đã ban hành và chỉ đạo thực hiện đề án "Ngày Chủ nhật xanh" nhằm  vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế "sáng - xanh - sạch - không rác thải". 

Huế cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển giao thông xanh, đưa vào vận hành nhiều trạm xe đạp chia sẻ cộng đồng, kêu gọi người dân hạn chế sử dụng phương tiện xả khí thải, bụi mịn, nhờ đó tiêu chuẩn về chất lượng không khí ở Huế luôn bảo đảm.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 4
Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 5

Những sáng đầu hạ, nhất là dịp cuối tuần, người dân Cố đô Huế có thể thong thả tập thể dục, nhâm nhi ly cà phê bên những tán lá cây dọc các tuyến đường, bờ sông để ngắm hoa điệp vàng, hoa điệp anh đào, đại trắng, ngô đồng, cỏ cây ven sông, khoe sắc khắp thành phố.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 6

Hàng năm, khoảng từ tháng 4 đến tháng 6, cả thành phố Huế lại chuyển mình với sắc hoa điệp vàng nở rộ.

Trong ảnh, hoa điệp vàng và hệ thống cây xanh bao quanh toàn bộ khu dân cư Đông Nam Thủy Trường, phường Trường An, thành phố Huế, mang lại cho người dân không khí trong lành, mát mẻ.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 7

Không chỉ sở hữu mật độ cây xanh cao nhất cả nước, tại Cố đô Huế còn có nhiều loại cây cổ thụ tuổi đời vài chục năm đến cả trăm năm tuổi, đặc biệt là những cây bao báp cổ thụ, có nguồn gốc châu Phi được đem về trồng từ những năm 1950 của thế kỷ trước.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 8

Theo một số nhà nghiên cứu, trước đây thành phố Huế có khoảng 4-5 cây bao báp cổ thụ, được trồng phân tán tại nhiều địa điểm khác nhau, như đường Xuân 68, Mai Thúc Loan (phường Đông Ba), Trần Phú (phường Phước Vĩnh), Lương Văn Can (phường An Cựu).

Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 cây còn sống là cây trong khuôn viên khách sạn Điện Biên 2 và cây ở đường Xuân 68.

Cây bao báp trong ảnh là cây ở khuôn viên khách sạn Điện Biên 2 (đường Mai Thúc Loan, phường Đông Ba, thành phố Huế), có chiều cao khoảng 20m, tán rất rộng với những cành vươn dài cả chục mét, chu vi gốc khoảng 3m.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 9

Cũng theo các nhà nghiên cứu, ở Việt Nam, tên bao báp bắt nguồn từ tên tiếng Anh "Baobab tree", là tên chung cho các loài trong chi bao báp (Adansonia), thuộc họ bông gạo (Bombacaceae). Một số ý kiến cho rằng, cây bao báp ở Huế thuộc loài Adansonia grandidieri, người khác lại cho là thuộc loài Adansonia digitata.

Thông tin được ghi ở bảng đặt dưới gốc cây trong khuôn viên khách sạn Điện Biên 2 cho thấy, cây được kỹ sư lâm nghiệp Nguyễn Hữu Đính mang về trồng từ đầu những năm 1950 của thế kỷ trước.

"Đây là cây Baobap duy nhất ở Đông Dương, đã thu hút rất nhiều du khách và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước", bảng thông tin ghi. Sau này, ở nước ta phát hiện ra cây bao báp ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang có tuổi đời còn cao hơn cây ở Huế.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 10

Theo nhà báo Phan Xi Păng, ngày trước, đa số người Huế không biết đó là cây bao báp. Dân địa phương gọi bằng nhiều tên khác nhau, như "cây chuột", "cây trái chuột", "cây gòn nậy" hay "cây gòn đại mệ".

Sau này, nhờ báo chí phản ánh, nhiều người mới biết tại Việt Nam cũng trồng được loài cây tưởng chừng chỉ sống ở vùng có khí hậu khắc nghiệt như châu Phi. 

Còn theo nhà nghiên cứu Đỗ Xuân Cẩm, ngoài tác dụng tạo bóng, trang trí cảnh quan, bao báp còn có nhiều tác dụng đối với đời sống. Các bộ phận của cây như quả, lá, rễ, gỗ cây,... chứa nhiều nước và dưỡng chất nên có thể chế biến thành nhiều món ăn, đồ uống bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, lá bao báp có chức năng chữa trị được bệnh thận và bàng quang, hen, mệt mỏi, tiêu chảy, côn trùng đốt và chống dị ứng.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 11

Ông Lê Như Chinh, Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Huế cho biết, những năm qua, đơn vị đã nghiên cứu, lấy quả chín từ các cây bao báp cổ thụ, nhân giống thành công bao báp con.

Trung tâm công viên cây xanh Huế đã trồng thử nghiệm cây bao báp tại khu vực cửa Nhà Đồ, dọc Hộ thành hào, Kinh thành Huế, hiện nay, cây phát triển tốt.

Trong ảnh là cây bao báp cổ thụ trên đường Xuân 68, phường Đông Ba, thành phố Huế.

Cây châu Phi và điệp vàng gây thương nhớ ở đô thị di sản Huế - 12

Có thể thấy, với việc bảo tồn cây xanh cổ thụ, nhất là các loài đặc hữu và phát triển hệ thống cây xanh mới, đô thị di sản Huế đang đi đúng định hướng như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận: "Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững" để hoàn thành quy hoạch chung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.