1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Cần hơn 11.500 tỷ đồng mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Quốc Anh

(Dân trí) - Tổng kinh phí đầu tư mở rộng 24 km cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc HLD) ước tính hơn 11.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với tính toán trước đây.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận vừa trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo đầu kỳ kết quả nghiên cứu tiền khả thi mở rộng tuyến cao tốc HLD, với tổng kinh phí ước tính hơn 11.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với tính toán trước đây.

Trong đó, Ban Quản lý dự án dự tính chi phí xây lắp hơn 8.300 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 400 tỷ đồng, còn lại là chi phí tư vấn, quản lý dự án, dự phòng…

Cần hơn 11.500 tỷ đồng mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - 1

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được đề xuất mở rộng đoạn đường dài 24 km, từ An Phú đến Long Thành.

Về quy mô đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất mở rộng đoạn đường dài 24 km, bảo đảm đạt quy mô 8 làn xe. Vận tốc thiết kế 100-120 km/h. Trong đó, đoạn An Phú - Vành đai 2 là đường đô thị, tốc độ thiết kế 100 km/h; đoạn từ Vành đai 2 - Long Thành - Dầu Giây là đường cao tốc loại A, tốc độ thiết kế 120 km/h.

Riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế 100 km/h. Cụ thể, điểm đầu từ cầu Bà Dạt (TP Thủ Đức, TPHCM) và điểm cuối dự kiến là nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (huyện Long Thành, Đồng Nai). 

Đoạn An Phú - Vành Đai với quy mô 4 làn xe được mở rộng để đạt quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 36 m; đoạn Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ rộng 42,5 m.

Cần hơn 11.500 tỷ đồng mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - 2

Tổng kinh phí đầu tư mở rộng cao tốc HLD ước tính hơn 11.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với tính toán trước đây.

Trong khi đó, khu vực cầu Long Thành xây dựng thêm một cầu hoàn chỉnh như giai đoạn 1, khoảng cách giữa 2 cầu gần 13 m.

Trong giai đoạn 1 của cao tốc HLD, các nhánh rẽ của nút giao với Quốc lộ 51 đã được đầu tư với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh.

Cần hơn 11.500 tỷ đồng mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - 3

Hiện chỉ có 2 tuyến cao tốc kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận là HLD và TPHCM - Trung Lương.

Theo nghiên cứu sơ bộ của đơn vị tư vấn, với quy mô hiện tại, các nhánh rẽ trong nút giao về cơ bản vẫn có thể đáp ứng lưu lượng xe lưu thông. Nguyên nhân ách tắc tại các nhánh này chủ yếu là do xe dừng chờ thu phí. Do đó, dự kiến chỉ cần đầu tư mở rộng phần cầu trong nút giao để đủ quy mô 8 làn xe cao tốc.

Trong khi đó, quy mô nút giao với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đã được thống nhất trong hồ sơ nghiên cứu khả thi cho hạng mục giao thông kết nối sân bay quốc tế Long Thành với giao thông khu vực - tuyến đường, nối sân bay với đường cao tốc quy mô 4 làn xe.

Cần hơn 11.500 tỷ đồng mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - 4

Mở rộng cao tốc HLD nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng miền Đông Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Theo kết quả dự báo lưu lượng giao thông của tư vấn, đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Long Thành quy mô 4 làn xe hiện nay đã mãn (hết công suất khai thác và trở nên quá tải) tải và đến năm 2025 sẽ vượt quá 25% năng lực thông hành.

Đường cao tốc HLD dài 55 km được khai thác toàn tuyến năm 2015

Dự án đường cao tốc HLD được chia làm 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20.630 tỷ đồng, từ vốn vay thương mại (OCR) của ADB (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Từ TPHCM đi Ngã ba Dầu Giây (Quốc lộ 1A) theo lộ trình cũ dài 70 km, mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc giao thông. Trong khi đó, với đường cao tốc, lộ trình rút ngắn được 20 km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ.

Đi huyện Long Thành (Đồng Nai) dài 45 km, mất khoảng 1 giờ đồng hồ; khi có cao tốc chỉ còn khoảng 22 km, với thời gian lưu thông chỉ khoảng 20 phút.

Đi Vũng Tàu dài khoảng 120 km, thời gian lưu thông mất khoảng 2,5 giờ; trong khi đó đi đường cao tốc chỉ còn khoảng 95 km với thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ 20 phút do rút ngắn được quãng đường và chất lượng lưu thông được đảm bảo không ùn tắc, đồng thời giảm chi phí vận tải.