DMagazine

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc

(Dân trí) - Tối 8/1/2020, Huy được ăn cơm cùng cha - Đại tá Nguyễn Huy Thịnh. Bữa cơm toàn món cha thích nhưng cha không ăn miếng nào mà chỉ ngồi nhìn Huy. Ngày 9/1, Huy nhận tin cha hy sinh ở Đồng Tâm...

Một ngày đầu thu, phóng viên báo Dân trí đến thăm Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, tận mắt chứng kiến bộ cảnh phục, chiếc mũ bảo hiểm, đồng hồ, cuốn sổ tay... là di vật của 2 chiến sĩ cảnh sát cơ động hy sinh trong vụ Đồng Tâm 3 năm về trước: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh (Phó Trung đoàn trưởng) và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân.

Những ngày giữa tháng 10 cũng là thời điểm tròn 20 năm kỷ niệm ngày thành lập Trung đoàn CSCĐ Thủ đô (21/10/2003 - 21/10/2023). Những di vật được đặt trang trọng ở phòng truyền thống như nhắc nhở về sự hy sinh, tận tụy, mất mát của các chiến sĩ giữa thời bình.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 1

Khoảng 5 tháng trước, Nguyễn Gia Huy - con trai của Đại tá Thịnh - tiếp bước cha nhập ngũ tại chính đơn vị mà cha từng công tác. Khoác lên mình bộ quần áo của lực lượng cảnh sát cơ động, Huy cảm thấy vô cùng tự hào.

Từ bé, Huy đã ấn tượng với màu áo lính của cha. Trong mắt cậu, cha là người nghiêm khắc, ít nói nhưng ấm áp, tình cảm. Nhiều lần được cha đưa vào đơn vị, Huy đã nung nấu ước mơ được trở thành một cảnh sát cơ động.

Huy kể với tôi, hồi bé, cậu khá nghịch ngợm. Như nhiều thiếu niên khác, Huy cũng hay nói chuyện riêng trong lớp, đi học muộn... Trong một lần vi phạm, cậu bị cô giáo gọi điện cho phụ huynh để nhắc nhở.

"Khi bố biết, bố mắng em. Sau đó, bố dặn em là phải biết mình là ai? Mình làm gì? Gia đình mình như thế nào? Đó là câu nói em nhớ nhất", Huy kể. Cũng từ thời điểm đó, cậu thiếu niên thay đổi, bớt nghịch ngợm, chịu khó đỡ đần công việc gia đình.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 3

Do đặc thù công việc, Đại tá Thịnh thường xuyên vắng nhà. Huy vì vậy cũng ít có cơ hội ở cạnh cha. Nhưng điều này không khiến 2 cha con xa cách. Cậu tân binh vẫn nhớ từng lời cha dặn "tập trung học hành, chăm sóc em, giúp đỡ mẹ việc nhà".

Vào ngày sinh nhật tròn 4 tuổi của Huy, Đại tá Thịnh nhận nhiệm vụ tại Tây Nguyên, không thể ở nhà.

"Khi đó em nhớ bố lắm. Qua điện thoại bàn, em khóc đòi bố về. Bố bảo em không được khóc, ngoan đợi bố về", Huy nói. Huy kể ngày sinh nhật đó, dù không thể về nhưng Đại tá Thịnh vẫn kịp gửi về nhà một thùng quà; bên trong là bánh kẹo và một bộ quần áo trẻ em Tây Nguyên.

"Bố rất thích em theo ngành cảnh sát. Nhưng bố không áp lực em chuyện đó. Bố bảo nghề của bố rất vất vả, nguy hiểm. Nếu em có thi được vào trường cảnh sát thì theo, còn không thì làm nghề khác cũng được", cậu tân binh tâm sự.

Cuối năm lớp 12, Huy đăng ký thi đại học vào một trường cảnh sát nhưng không đỗ. Cậu chuyển hướng sang học Đại học Giao thông Vận tải. Chính sự hy sinh của cha đã trao cho cậu một cơ hội khác được khoác lên người màu áo lính.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 5

Huy kể, mỗi lần trước khi đi làm nhiệm vụ, cha đều nói sẽ trở về. Những chuyến công tác của Đại tá Thịnh có thể từ vài ngày, vài tuần đến cả tháng trời.

Những ngày cuối tháng 12/2019, đầu tháng 1/2020, Đại tá Thịnh vắng nhà suốt 2 tuần. Mãi sau này Huy mới biết cha đi trinh sát, tập luyện chuẩn bị cho vụ việc tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội).

Tối 8/1/2020, như thường ngày, Huy đi đá bóng cùng các bạn thì nhận điện thoại của cha bảo về ăn cơm. Vừa về nhà Huy đã thấy cha đang ngồi ở bàn ăn đợi cậu. Khi đó nhà chỉ có 2 cha con, mẹ Huy đưa em gái Huy đi học.

Huy nhớ rất rõ bữa cơm hôm đó, mâm cơm do mẹ chuẩn bị có cá sốt cà chua, canh rau cải cúc và một đĩa su hào xào miến. 

Trong ký ức của Huy, bữa cơm hôm đó rất khác. "Bố không ăn, chỉ ngồi nhìn em dù toàn là món bố thích. Ăn xong, em bảo em đi tắm thì bố bảo từ từ, tiễn bố đi đã. Những lần trước bố đi công tác em không tiễn, nhưng lần này em nhìn bố từ lúc dắt xe ra khỏi nhà đến khi bố đi khỏi tầm mắt. Khi đó, bố mặc bộ cảnh phục màu xanh và rời đi rất vội", Huy nhớ như in lời cha rằng chỉ đi 2-3 ngày rồi về, dặn Huy ở nhà học hành nghiêm túc.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 7

Trưa ngày 9/1/2020, Huy lên mạng và đọc được dòng tin "Đồng Tâm - 3 người mất". Huy lập tức gọi điện cho cha nhưng điện thoại Đại tá Thịnh thuê bao, dù cậu con trai có gọi bao nhiêu cuộc đầu dây bên kia vẫn không ai nhấc máy.

Linh cảm điều chẳng lành, Huy nóng ruột lại mò mẫm trên Facebook, tìm đọc từng bình luận. 

"Có một bạn viết: "Bác mình mất rồi. E phó, tên Thịnh mất rồi". Em nhận ra ở E22 (ký hiệu của trung đoàn) chỉ có bố tên Thịnh, lại còn là "phó" nữa", Huy kể và nước mắt bắt đầu rơi.

Cậu thanh niên hoảng loạn, lập tức chạy vào đơn vị của cha, hỏi những đồng đội của cha thì nhận được câu trả lời rằng cha chỉ bị thương thôi, không sao cả, nhưng trong lòng Huy đã tự hiểu về tình trạng của cha.

"Suy sụp", Huy khóc, nhớ lại cảm giác thời điểm đó.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 9

Mặc dù vậy, cậu trai trẻ nhận thức được rằng bản thân không được phép yếu đuối, gục ngã khi giờ đây, cậu phải thay cha trở thành trụ cột gia đình, là chỗ dựa cho mẹ, tấm gương cho em gái.

"Em thấy mình trưởng thành hơn, biết nghĩ hơn. Em cũng thương mẹ. Mẹ vất vả khi phải thay bố chăm sóc gia đình mỗi khi bố vắng nhà. Từ sau khi bố hy sinh, em động viên mẹ, giúp mẹ làm những việc mà ngày xưa bố thường làm, như thay thế, sửa chữa đồ đạc trong nhà...", Huy tâm sự.

Giờ đây, khi đã là một người lính, Huy tự nhủ sẽ phải cố gắng học tập, rèn luyện, hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao, không phụ sự hy sinh của cha, sự kỳ vọng của mẹ, các bác các chú trong đơn vị.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 11

"Con giữ gìn sức khỏe nhé", bà Lê Thị Bích (62 tuổi) nhắn tin gửi cho Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân trước ngày cậu con trai của bà thực hiện nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm. Nhưng chẳng có dòng tin nào trả lời bà. Thượng úy Hoàng Quân đã ra đi ở tuổi 28.

Gia đình bà Bích từ xưa sống tại phố Hàng Hòm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trò chuyện với tôi, bà Bích cứ ngước nhìn tấm ảnh treo tường chụp cậu con trai Quân lúc 10 tuổi, rơm rớm kể những câu chuyện, kỷ niệm về con trai.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 13

Trong trí nhớ của mẹ, Quân là cậu bé ngoan, hiền, chăm chỉ và "chẳng bao giờ thiếu bạn gái" vì đẹp trai, cao ráo.

Mất cha từ lúc 4 tuổi nên Thượng úy Quân chưa kịp định hình về người đã sinh ra mình. Bà Bích kể, hồi học cấp 1, con trai bà được giao làm một bài văn miêu tả về người cha.

"Nó không làm, nộp giấy trắng. Cô giáo hỏi tại sao thì nó tức giận trả lời: "Cô biết rồi mà"", bà Bích rơi nước mắt, giọng lạc đi. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi chững lại chừng một phút.

Sau khi bình tĩnh lại, bà Bích mở điện thoại có cài hình nền là ảnh anh Quân trong màu áo lính. Cho tôi xem bức ảnh vào sinh nhật bà năm 2018, bà Bích chỉ về phía cậu thanh niên đang lúi húi rửa bát.

"Sinh nhật, tôi bảo mọi người không phải tổ chức gì cả nhưng nó vẫn làm. Ăn uống xong, nó nhất quyết đòi rửa bát trong khi cả nhà thổi nến, ăn bánh sinh nhật", bà Bích kể.

Những câu chuyện của bà ngắn ngủi, cứ 2-3 câu lại phải dừng lại để ngăn dòng nước mắt.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 15

Năm 2019, anh Quân tốt nghiệp đại học và công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động). Tâm sự với mẹ, anh kể nghề này vất vả, nguy hiểm nhưng anh vui vì đây là ước mơ từ nhỏ.

"Tôi khuyên nó nếu vất quá thì có thể tìm công việc khác. Nhưng nó bảo không, nó yêu ngành cảnh sát", bà Bích nhớ lại.

Tại Trung đoàn, Thượng úy Quân xin làm nhiệm vụ bảo vệ vận chuyển tiền cho ngân hàng. Lý do chọn nhiệm vụ này, theo lời bà Bích, là để có thời gian hằng tối về với mẹ, để "mẹ nấu cơm, con rửa bát".

Đầu tháng 1/2020, trong một cuộc nói chuyện với mẹ, anh Quân báo có lệnh tổng động viên của đơn vị. Anh phải đi công tác vài ngày. Bà Bích khi đó cũng chỉ biết vậy, dặn dò con trai cẩn thận, giữ sức khỏe và sớm trở về.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 17

Sau khi nhắn tin cho con trai nhưng không thấy phản hồi, bà Bích chỉ nghĩ rằng anh Quân đang làm nhiệm vụ, không được sử dụng điện thoại.

Chiều 9/1/2020, đang bán hàng tại phố Hàng Hòm, bà Bích nhận điện thoại của cảnh sát khu vực phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) - nơi bà sống - đề nghị về nhà gấp. Tới đầu ngõ, bà thấy nhiều người mặc cảnh phục, bà chỉ nghĩ rằng con trai ở đơn vị có lẽ đã vi phạm quy định nào đó.

"Tôi như rơi vào hố sâu không đáy", bà Bích nhớ lại khoảnh khắc được thông báo con trai mình đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Kể từ thời điểm đó, bà Bích trống rỗng, mất động lực. Trả lời câu hỏi của tôi rằng suốt 3 năm qua, bà đã làm gì để vượt qua được nỗi đau này? Bà Bích nói bà chẳng thể làm gì, cũng chẳng còn niềm vui nào ở độ tuổi này nữa và giờ chỉ "sống qua ngày mà thôi".

Ba tháng sau khi anh Quân hy sinh, bà Bích mơ thấy con trai. Trong mơ, bà thấy con trai đứng ở đầu con thuyền đang trôi giữa một dòng sông trắng muốt.

- "Con cẩn thận không ngã", bà Bích nói trong mơ.

- "Mẹ yên tâm, con không sao đâu", anh Quân đáp. Đó cũng là lần đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ bà Bích gặp con trai trong giấc mơ.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 19

Người phụ nữ 62 tuổi từng bước chậm rãi dẫn tôi lên tầng 5, nơi treo di ảnh của anh Quân trong bộ cảnh phục, bên cạnh là Bằng Tổ quốc ghi công và chứng nhận Huân chương Chiến công do Chủ tịch nước truy tặng.

Ngay bên duới ảnh là tủ đựng di vật được bà Bích sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Trong tủ có bộ quân phục, chiếc đồng hồ, những quyển sách, vật dụng tư trang... của Thượng úy Quân.

Chỉ vào các di vật, bà Bích kể cho tôi nghe về sở thích sưu tập tiền xu, tiền cổ Việt Nam; về thói quen viết chữ, vẽ tranh bằng tay trái hồi còn nhỏ của con trai; về con gấu bông mặc cảnh phục do chính tay con trai làm tặng bà hồi còn học đại học... Mỗi di vật, kỷ niệm của anh Quân trong trí nhớ bà Bích thật đẹp nhưng cũng thật buồn.

"Tự hào thì cũng có nhưng đau xót lắm!", bà Bích nói về sự hy sinh của con trai và lại rơi nước mắt.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 21

Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, Thượng tá Phạm Phi Hùng - Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô - cho biết, đối với gia đình những liệt sỹ, quan điểm của Đảng ủy Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô luôn động viên, lắng nghe những mong muốn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thân nhân liệt sỹ vơi bớt sự mất mát.

Hàng năm tới ngày giỗ của 2 liệt sỹ, ngày Thương binh liệt sỹ 27/7, đơn vị đều cử cán bộ tới dọn dẹp khu mộ, thắp hương, đặt hoa viếng; ngày tết, đơn vị tới thắp hương, chúc tết gia đình liệt sỹ...

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 23

Đối với gia đình liệt sỹ Hoàng Quân, Trung đoàn phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên thường xuyên động viên, thăm hỏi...

Về trường hợp liệt sỹ Nguyễn Huy Thịnh, Thượng tá Hùng cho biết Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động rất quan tâm, tạo điều kiện cho con trai là chiến sĩ Nguyễn Gia Huy được vào biên chế trong lực lượng cảnh sát cơ động, đặc biệt hơn là Huy được công tác tại chính đơn vị mà cha mình từng phục vụ, chiến đấu.

"Chúng tôi luôn giáo dục cho chiến sĩ Huy về tấm gương học tập, sự dũng cảm, trách nhiệm trong công tác của Đại tá Nguyễn Huy Thịnh", Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động Thủ đô chia sẻ.

Bữa cơm cuối cùng với cha và dòng tin nhắn con trai không kịp đọc - 25

Nội dung: Hải Nam

Ảnh: Hải Nam

Thiết kế: Tuấn Huy