Bí thư Vĩnh Phúc: Tên gọi sau sáp nhập phải "thống nhất cao trong nhân dân"

Thế Kha

(Dân trí) - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An yêu cầu nghiên cứu tên gọi sau sáp nhập xã, phường, thị trấn, bảo đảm phù hợp với lịch sử, phong tục, tập quán, sự hài hòa và thống nhất cao trong nhân dân.

Chiều 12/4, ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hội nghị đã cho ý kiến vào các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và một số nội dung quan trọng khác.

Bí thư Vĩnh Phúc: Tên gọi sau sáp nhập phải thống nhất cao trong nhân dân - 1

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An trao quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định Đại tá Thân Văn Hải, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2020-2025 (Ảnh: Phùng Hải).

Theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các đại biểu cơ bản nhất trí với các nội dung trong Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025.

Song cũng có ý kiến nêu băn khoăn của người dân về tên gọi cấp xã sau sáp nhập và một số khó khăn, bất cập sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Từ đó, đại biểu kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách đặc thù cho trường hợp cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập; hướng dẫn sắp xếp tổ chức Đảng ở những địa phương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Cho ý kiến về việc này, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An đề nghị UBND tỉnh xây dựng phương án sắp xếp lại bộ máy cán bộ, nhân sự dôi dư sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cho phù hợp, đúng quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ.

Ông An yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục nghiên cứu tên gọi sau sáp nhập xã/phường/thị trấn, bảo đảm phù hợp với điều kiện, lịch sử, phong tục, tập quán, sự hài hòa, thống nhất cao trong nhân dân.

Như Dân trí thông tin trước đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu UBND các huyện, thành phố (Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên) lấy ý kiến cử tri trên địa bàn về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.

Bí thư Vĩnh Phúc: Tên gọi sau sáp nhập phải thống nhất cao trong nhân dân - 2

Bản đồ địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: UBND tỉnh Vĩnh Phúc).

Vĩnh Phúc đề xuất sắp xếp 28 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 13 đơn vị hành chính cấp xã mới.

Ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc dự kiến sáp nhập xã Tân Tiến và xã Đại Đồng thành xã mới mang tên Đồng Tiến; sáp nhập xã Lý Nhân và xã An Tường thành xã Lý An; sáp nhập xã Vân Xuân và xã Bình Dương thành xã Lương Điền; xã Vĩnh Ninh sáp nhập với xã Phú Đa thành xã mới Vĩnh Phú; sáp nhập 3 xã Việt Xuân, Bồ Sao, Cao Đại thành xã mới Mộ Chu.

Sáp nhập xã Vĩnh Sơn vào thị trấn Thổ Tang, mang tên thị trấn Thổ Tang; xã Tam Phúc sáp nhập vào Thị trấn Vĩnh Tường, mang tên thị trấn Vĩnh Tường.

Huyện Yên Lạc sáp nhập xã Hồng Châu và xã Hồng Phương thành xã mới mang tên Hồng Châu.

Huyện Sông Lô sáp nhập xã Bạch Lưu và Hải Lựu thành xã Hải Lựu; sáp nhập xã Nhạo Sơn, xã Như Thụy vào thị trấn Tam Sơn thành đơn vị hành chính mới là thị trấn Tam Sơn.

Huyện Lập Thạch sáp nhập xã Đình Chu và xã Triệu Đề thành xã Tây Sơn.

Huyện Tam Dương sáp nhập xã Vân Hội và Hợp Thịnh thành xã Hội Thịnh.

Thành phố Phúc Yên sáp nhập phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị thành phường mới tên là Hai Bà Trưng.

Tỉnh Vĩnh Phúc sẽ còn 121 đơn vị hành chính cấp xã nếu sắp xếp theo phương án trên (88 xã, 15 phường và 18 thị trấn) - giảm 15 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Nhiều kết quả khả quan

Báo cáo tại hội nghị chiều 12/4 cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc đạt nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước tăng 4,06%; tổng dư nợ cho vay tăng 7%; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,67%.

Đáng chú ý, hoạt động thu hút đầu tư khởi sắc ngay từ những tháng đầu năm, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay.

Tính đến giữa tháng 3, Vĩnh Phúc đã thu hút được 12 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đạt 2.099 tỷ đồng; 25 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 347,13 triệu USD. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Bá Huy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định Đại tá Thân Văn Hải, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2020-2025.