Tết này ai đến xông nhà ?

Hoàng Anh Tú

(Dân trí) - Thật khó để khép lại 2020 bằng 2 chữ "Thành Công" như lời chúc mà chúng ta dành tặng nhau tầm giờ này năm ngoái. Nhưng 2020 nhất định không phải là năm bỏ đi hay nó đáng bị gọi là năm "Thất Bại" được.

Tôi vẫn nhớ, đêm Giao Thừa của năm 2020, là lần đầu tiên sau liên tục gần 20 năm tôi đi đón giao thừa ngoài phố: Tôi và gia đình mình đã ở nhà, xem pháo hoa từ ban công tầng 29 nhà mình thay vì cùng bạn bè ở Hồ Gươm như 20 năm đã qua. Nó như báo hiệu cho một năm "phải" bó chân ở nhà bởi Covid 19. Đó là giao thừa đầu tiên mà tôi thấy buồn đến thế, lũ trẻ nhà tôi thấy buồn đến thế.

Nhưng bù lại, chúng tôi có nhiều thời gian để chia sẻ với nhau hơn. Vì mọi năm, đi chơi giao thừa về, 3 đứa nhỏ nhà tôi đều đã mệt lử và buồn ngủ rũ rượi. Chúng tôi thường chúc nhau rồi mừng tuổi và đi ngủ. Nhưng năm nay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện dài hơn, nói được với nhau nhiều hơn, chia sẻ tâm nguyện và ước vọng với nhau nhiều hơn.

Dường như, gần 20 năm qua của tôi và 15 năm qua của 3 cô cậu nhà tôi, chúng tôi đã quên mất khái niệm giao thừa quây quần đúng nghĩa. Cho đến giao thừa này, chúng tôi mới giống như tôi đã từng trải qua hồi bé với gia đình lớn của mình: Giao thừa cả nhà quây quần bên nhau. Ngoài Hồ Gươm, sau màn bắn pháo hoa rực rỡ, chúng tôi nói như hét lên với nhau, chúng tôi hân hoan chúc nhau và chúc cả những người lạ quanh mình nhưng vui thế đâu có được sâu?

Năm 2020, Covid bắt đầu với khái niệm: Ngồi yên khi Tổ Quốc cần. Chúng ta đã ngồi yên suốt tháng 4 lịch sử. Lũ trẻ học online và người lớn cũng phải làm việc online. Những nụ cười bị phong tỏa bằng khẩu trang và sự tê liệt của hàng quán, du lịch.

Năm 2020, bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung khiến những hân hoan vì khống chế được Covid cũng bị giảm nhiệt. Những tang thương nơi rốn lũ hay những ngôi làng bị chôn vùi sau sạt lở khiến chẳng còn niềm vui nào còn nữa.

Năm 2020, từ Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… những đợt phong tỏa và giãn cách khiến hàng loạt kế hoạch du lịch bị đổ bể. Du lịch nước ngoài thì đương nhiên là không rồi. Lũ trẻ đã phải trải qua cái Tết dài nhất trong lịch sử.

Nhưng. Nhưng đó không phải là tất cả.

Năm 2020 vẫn còn vô số những niềm vui lấp lánh mà Covid không thể che khuất được nó, bão lụt, sạt lở đất không thể vùi lấp được nó. Như hình ảnh các y bác sỹ, những nhân viên y tế chưa khi nào sáng bừng hơn thế. Những hình ảnh đó không chỉ là điểm sáng cho ngành y tế nước ta mà là cho tất cả chúng ta. Nó truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ có khi còn hơn cả U23 Việt Nam chiến thắng trở về hay chiếc Huy Chương Vàng bóng đá nam Seagames chúng ta từng có.

Dù không phải là hình ảnh hàng trăm ngàn người đổ xuống đường ăn mừng nhưng sức lan tỏa của nó còn mạnh hơn rất nhiều lần. Nó làm cho 2 chữ Yêu Nước được tỏa sáng đến chói ngời trong mỗi trái tim của con dân nước Việt. Là lần đầu tiên mà không phải bóng đá, người Việt chúng ta gắn kết nhau chặt đến thế trong hai chữ Việt Nam. Nếu không có Covid, hẳn chúng ta chỉ thấy 4 chữ Tự Hào Việt Nam sau những trận cầu chiến thắng.

Năm 2020, số tiền kêu gọi từ ca sỹ Thủy Tiên đã lập nên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu. Nó không chỉ là con số. Nó là tấm lòng. Chưa khi nào người Việt hướng về miền Trung một cách rầm rộ như thế. Một lần nữa, 2 chữ "Đồng Lòng" đã được viết hoa và tỏa sáng.

Năm 2020, dù Covid có hoành hành ra sao, dù chúng ta đã oằn mình vượt qua những hậu quả do biến đổi khí hậu thế nào thì sau đó, sau những đổ vỡ, tang thương ấy, chúng ta lại trở nên kiên cường hơn, rực rỡ hơn, sắt đá hơn và ấm lòng hơn.

Tết này ai đến xông nhà ? - 1

Tết này, xin An Yên được đến xông nhà mỗi chúng ta. Ảnh minh họa

Lũ trẻ học được nhiều hơn cho dẫu chúng phải trải qua những ngày tháng không được đến trường. Chúng học cách sử dụng máy tính, smartphone không chỉ để chơi game hay xem youtube nhảm. Chúng học được ngoài sách vở những thứ giá trị sống lớn hơn. Như Andy, cậu bé dành tiền mừng tuổi mua khẩu trang và phát tặng khẩu trang miễn phí. Như những ATM gạo- đầu tiên trên thế giới. Như những buổi hòa nhạc online… Lũ trẻ học được những điều mà bộ sách giáo khoa mới cho chúng cũng chưa dạy được. Nó giá trị gấp triệu lần những bài học khô khan. Lũ trẻ nhà tôi vì thế mà trưởng thành hơn nữa, biết nhìn xa hơn nơi chúng đang đứng và nhìn thấy những điều nằm ngoài màn hình điện thoại, máy tính.

Tôi không biết các bạn đọc của mình đã rút ra được những điều gì sau một năm 2020 đầy biến động như thế. Nhưng nếu chúng ta nhìn ra điều gì đó tích cực từ năm 2020, điều đó sẽ cho thấy rằng bạn đã trưởng thành hơn, sẵn sàng bước vào 2021 với tâm thế tích cực và cảm hứng hơn rất nhiều. Để 2021, chúng ta sẽ nói với nhau về 2020 không phải bằng những tiếng thở dài hay nhìn về 2021 đầy u ám.

Không! Chúng ta đã có 2020 như là những thử thách mà chúng ta đã vượt qua được: Cùng Nhau. Hãy nhớ về 2020 với những phần thưởng mà chúng ta đã được nhận. Như hình ảnh đầy hân hoan của 2 bé Trúc Nhi và Diệu Nhi. Như Việt Nam là một trong số 40 nước đầu tiên thử nghiệm vaccine Covid trên người. Như tăng trưởng GDP của chúng ta là một trong số ít các quốc gia tăng trưởng GDP dẫn đầu thế giới. Như xuất siêu đạt kỷ lục 20 tỷ USD. Như gần 180 ngàn doanh nghiệp đã được đăng ký mới và quay lại thị trường. Tăng đến 0,9% so với năm 2019. Như cam kết trồng 5 tỷ cây xanh từ Thủ Tướng Chính Phủ. Như Việt Nam bắt đầu triển khai mạng 5G "nhà trồng được". Như bắt đầu cho cuộc chuyển đổi số Quốc Gia.

Như rất nhiều những thành tựu khác mà chúng ta có được trong năm 2020 này. Như Vingroup với giải thưởng VinFuture có giá trị lớn gấp 4 lần giá trị giải thưởng Nobel và mang tính toàn cầu….

Chúng ta đã sở hữu một năm 2020 đầy nỗ lực và tràn đầy tinh thần dám sống, cống hiến và nhiệt huyết. Thế nên, xin đừng gọi 2020 là năm Thất Bại. Không thể coi 2020 là năm "bỏ đi". Bởi nó chỉ bị coi là Thất Bại hay Bỏ Đi khi và chỉ khi chúng ta buông xuôi chịu trận với nó. Mà điều đó là điều chưa từng xảy ra trong suốt 365 ngày của năm 2020, từ mỗi người Việt chúng ta.

Tết này, xin An Yên được đến xông nhà mỗi chúng ta!