Nguồn gốc và ý nghĩa cây Nêu ngày Tết trong văn hóa Việt

Ngọc Linh

(Dân trí) - Dù đã ít nhiều mai một và không còn xuất hiện ở thành phố, nhưng ở nhiều làng quê Việt cứ sau ngày 23 tháng Chạp hàng năm, cây Nêu được dựng nên để "giữ nhà" trong dịp Tết.

Tết Nguyên đán là một Tết lớn nhất trong năm của người Việt. "Nguyên" có nghĩa là mới, là bắt đầu. "Đán" có nghĩa là sớm. Tết Nguyên đán nghĩa là Tết đón buổi sáng đầu tiên, ngày đầu tiên trong năm. 

Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Tết cổ truyền có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần người Việt. Đó là Tết bắt đầu của năm, mở đầu cho một năm mới với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang. Năm mới đến, những sự may mắn cũng đến, và những điều không may của năm cũ đều theo năm cũ mà hết. 

Với tinh thần đó, trong truyền thống cứ đến khoảng 23 tháng Chạp hàng năm, khi đã tiễn ông Công, ông Táo về chầu trời, nhà nhà bắt đầu dựng cây Nêu". 

Nguồn gốc và ý nghĩa cây Nêu ngày Tết trong văn hóa Việt - 1

Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội (Ảnh: USSH).

Với nhiều người Việt sự tích cây Nêu ngày Tết đã quá quen thuộc. Đó là câu chuyện trong kho tàng cổ tích Việt Nam:

Tục xưa truyền rằng, từ thuở sơ khai, quỷ dữ ỷ đông áp bức và chiếm hết đất đai của con người. Người phải thuê đất của quỷ trồng lúa và chịu điều khoản "ăn ngọn cho gốc". Quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.

Thấy người dân gặp nhiều khó khăn, Phật đã hạ trần trong hình hài ông lão xuất hiện và bảo với nông dân rằng, hãy trồng khoai vì củ khoai ở gốc rễ và có thể ăn được. 

Thế rồi, khi bọn quỷ biết, quỷ chuyển qua phương thức "ăn gốc cho ngọn". Phật bảo người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả, người thu hoạch được thóc, quỷ hưởng toàn rơm rạ. 

Quỷ bực tức vì không thu được gì liền tuyên bố sẽ "ăn cả gốc lẫn ngọn". Phật lại mách người trồng ngô. Bắp ngô ra ở giữa thân cây, đến cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ, quỷ chẳng thu được gì.

Tức tối vì nhiều lần không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến xin quỷ một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy hời, quỷ đồng ý.

Khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sao mở rộng che khắp mặt đất. Mất đất sống, quỷ phải lùi ra tận biển. 

Uất hận con người, chúng mang quân đánh chiếm lại ruộng đất. Phật mách người dân dùng vôi bột, lá dứa, máu chó, để đánh bại lũ quỷ.

Bại trận, quỷ khóc than và lạy xin Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên và được Phật đồng ý. 

Từ đó trở đi, cứ mỗi dịp Tết đến, quỷ lại được về đất liền. Người dân dựng cây Nêu trước nhà để ma quỷ không lại gần phần đất của mình.

Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo, đây là câu truyện cổ tích quen thuộc với người Việt. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều quan điểm khác về nguồn gốc và ý nghĩa cây Nêu trong dịp Tết. 

Nguồn gốc và ý nghĩa cây Nêu ngày Tết trong văn hóa Việt - 2

Dựng cây Nêu trong ngày Tết là truyền thống đẹp ở nước ta (Ảnh minh họa).

Theo quan điểm của Giáo sư Trần Quốc Vượng, cây Nêu ngày Tết của người Việt cùng với một số tộc người của nhóm cư dân Đông Nam Á như người Khơ me, Tày, Thái cổ,... cây Nêu mang ý nghĩa phổ quát của "cây vũ trụ", còn gọi là "cây Mặt Trời". 

Tiến sĩ Đỗ Thị Hương Thảo chia sẻ thêm: "Tết Nguyên đán có nghĩa là đón ánh sáng mặt trời của ngày đầu tiên trong năm. Vậy nên, mặt trời sẽ được tượng trưng lại trên "cây vũ trụ". 

Vì vậy nên trên cây Nêu người ta sẽ thường treo lông gà màu đỏ, miếng vải đỏ, hoặc quả cầu đỏ… Cây Nêu trở thành một biểu tượng kết nối âm, dương. 

Trong cuộc sống đô thị hiện đại, hình ảnh cây Nêu ngày Tết đã mai một và gần như không còn nhìn thấy. Nhưng ở những vùng làng quê Việt, cứ sau mỗi 23 tháng Chạp người dân vẫn trồng cây Nêu, giữ gìn một nét văn hóa rất đẹp trong ngày Tết.

Ngoài cây nêu, trong văn hóa tinh thần người Việt cũng có rất nhiều vật cầu may xuất hiện trong nhà mỗi dịp Tết Nguyên đán. Trong dịp năm mới nhiều người cũng đến đền chùa để xin những vật tín đầu năm để cất vào ví hoặc treo trong nhà. 

Có người thì dùng miếng vải lộc xin được từ những buổi "hô thần nhập tượng" như lá bùa may mắn để đặt dưới gối ngủ hay tủ quần áo. Người ta tin rằng, những vật tín xin từ đền, chùa linh thiêng sẽ mang một sức mạnh siêu nhiên có thể bảo vệ con người được an toàn, may mắn trong suốt một năm. 

Ngày nay, những phong tục này vẫn còn trong cuộc sống hiện đại người Việt, được trân trọng giữ gìn trong dịp Tết. 

Tuy chỉ là những vật cầu may đơn thuần, không còn quá nhiều người tin vào "sức mạnh siêu nhiên" của chúng mang lại, nhưng người ta vẫn muốn có trong dịp đầu năm như một thứ bảo hộ về mặt tinh thần để cảm thấy yên tâm trong một năm đó.