Ngắm "cánh đồng cúc họa mi" trên sân thượng của mẹ đảm Hà thành

Hà Hiền

(Dân trí) - Ấp ủ dự định mang "cánh đồng hoa" vào nhà, từ giữa tháng 5 âm lịch chị Phương đến làng hoa Nhật Tân mua những gốc cây cúc họa mi về ươm trồng. Chị mua khoảng 600 gốc cây với chi phí 500.000 đồng.

Mỗi mùa hoa tới, Hà Nội lại khoác lên mình chiếc áo mới. Chẳng rực rỡ như hướng dương, không kiêu sa như hoa hồng, cúc họa mi chọn cho riêng mình một màu trắng thanh khiết.

Không xúng xính váy áo đến vườn cúc họa mi chụp ảnh hoặc chi số tiền lớn để mua nhiều hoa về nhà cắm, chị Anh Phương (Tây Hồ, Hà Nội) lại chọn mua những gốc cây họa mi ở làng hoa Nhật Tân về giâm cành, chăm bón và chờ ngày hoa nở để trang trí khắp nhà.

Ngắm cánh đồng cúc họa mi trên sân thượng của mẹ đảm Hà thành - 1
Cúc họa mi khoe sắc trên sân thượng nhà chị Phương.

Chị Phương làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, bên cạnh công việc chính, người phụ nữ Hà thành có niềm yêu thích cỏ cây, hoa lá. Trước khi trồng cúc họa mi, chị đã có 5 năm kinh nghiệm trồng hoa hồng và nghiên cứu nhiều kiến thức về các loài hoa hồng trên thế giới.

"Năm nay vừa tròn 15 năm mình biết đến loài cúc họa mi này ở Hà Nội. Do không gian nhà rộng, ban công nhìn ra hồ Tây thoáng đãng nên mình quyết định mua gốc cây cúc họa mi về trồng để được trải nghiệm quá trình sinh trưởng và phát triển của chúng. Khi hoa bung nở sẽ trang trí ở ban công, cầu thang ngoài trời của ngôi nhà", chị Phương cho biết.

Ấp ủ dự định mang "cánh đồng hoa" vào nhà, nên từ giữa tháng 5 âm lịch chị Phương mua 200 bầu, khoảng 600 gốc cây cúc họa mi với chi phí 500.000 đồng.

Ngắm cánh đồng cúc họa mi trên sân thượng của mẹ đảm Hà thành - 2

Sau nhiều năm tìm hiểu về hoa, chị Phương đánh giá cúc họa mi trồng ở làng hoa Nhật Tân (Hà Nội) là đẹp nhất.

Chị Phượng trồng cây trong bầu đất để tiện di chuyển và trang trí trên sân thượng. Chị lựa chọn những gốc to khỏe để trồng theo phương pháp giâm cành. Đất trồng hoa gồm đất dinh dưỡng, xơ dừa, trấu, phân bón.

Trong quá trình trồng, mẹ đảm bón phân định kỳ, thời gian đầu cứ 15 ngày bón một lần, sau đó giãn ra khoảng 20 ngày bón một lần. Một số bệnh thường gặp ở loài hoa này cần lưu ý là vàng lá và đen thân, chị Phương xử lý bằng cách phun thuốc sinh học.

Ngoài ra, mẹ đảm còn làm cọc dây giúp cây thẳng không bị cong khi phát triển. Cúc họa mi là loài cây ưa thời tiết lạnh nên người trồng có thể kiểm soát được ngày nở hoa bằng nhiều phương pháp. Nếu muốn hoa nở muộn thì tiến hành thắp đèn, tăng ánh sáng và ngược lại.

Ngắm cánh đồng cúc họa mi trên sân thượng của mẹ đảm Hà thành - 3

Trong quá trình trồng, tưới nước đủ hai ngày/lần. Cúc họa mi rất cần nhiều nước và gốc thoáng, không được tưới lên mặt hoa, chỉ tưới dưới gốc và thân. Trồng với số lượng lớn nên mỗi lần tưới cây đứng gần đều cảm nhận rõ mùi hương hoa.

Ngắm cánh đồng cúc họa mi trên sân thượng của mẹ đảm Hà thành - 4
Trồng trong bầu nên vận chuyển dễ, chỉ cần bê những chậu cây đặt vào vị trí mình muốn và đan cành cho hoa đều nhau. Nhà chị Phương có thang máy nên khâu vận chuyển cũng dễ dàng hơn.

Những cánh hoa nhỏ xíu, mỏng manh khiến người ta tưởng rằng chúng sẽ yếu ớt. Nhưng phải đến khi tận mắt nhìn cúc họa mi rung rinh trước cơn gió lạnh của mùa đông, ta mới cảm nhận được hết sự kiên cường của loài hoa này, bất chấp giá rét mà bung nở khoe sắc trước gió đông Hà Nội.

Ngắm cánh đồng cúc họa mi trên sân thượng của mẹ đảm Hà thành - 5
Việc yêu thích trồng hoa cũng giúp chị Phương có thêm kiến thức, trải nghiệm để dạy cô con gái 5 tuổi thêm yêu thiên nhiên.
Ngắm cánh đồng cúc họa mi trên sân thượng của mẹ đảm Hà thành - 6

Mẹ đảm còn cho biết thêm, điểm đặc biệt mà có lẽ chỉ người trồng mới biết đó là cúc họa mi chuyển sang màu tím vào cuối mùa.

Ngắm cánh đồng cúc họa mi trên sân thượng của mẹ đảm Hà thành - 7
Cúc họa mi sớm nở nhưng cũng chóng tàn.

Một mùa hoa chỉ kéo dài từ tháng 11 đến tháng 12, vậy nên những người yêu sắc trắng tinh khôi phải tranh thủ thời gian để lưu lại vẻ đẹp của loài hoa được mệnh danh là "đặc sản" mùa đông Thủ đô.