Bình Định:

Huyền bí vũ điệu dân gian Ấn Độ

Doãn Công

(Dân trí) - Lần đầu tiên khán giả Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) được hòa mình trong những điệu múa dân gian đặc sắc đến từ đất nước Ấn Độ.

Tối 4/12, tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) diễn ra chương trình "Giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ".

Đây là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng chào mừng kỷ niệm 50 năm (1972 - 2022) thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Ấn Độ.

Huyền bí vũ điệu dân gian Ấn Độ - 1

Tiết mục múa Chăm "Hồn Tháp" (Ảnh: Doãn Công).

Phát biểu tại chương trình, ông Madan Mohan Sethi - Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TPHCM - chia sẻ: "Tôi tin rằng, thông qua chương trình giao lưu này, mọi người Việt Nam ở đây sẽ thưởng thức được những nét đẹp về điệu múa của Ấn Độ mà trước đây các bạn chưa từng thấy".

Huyền bí vũ điệu dân gian Ấn Độ - 2

Các nghệ sĩ Ấn Độ mang tới những tiết mục múa cổ điển đầy huyền bí (Ảnh: Doãn Công).

Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - nhấn mạnh: "Đây là cơ hội quý báu để cán bộ, công chức, viên chức và người dân sinh sống, học tập và làm việc tại Bình Định được tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của một quốc gia vốn có nền văn minh lâu đời của khu vực châu Á và trên thế giới.

Đồng thời, để các bạn Ấn Độ hiểu thêm văn hóa vùng đất Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn mới".

Huyền bí vũ điệu dân gian Ấn Độ - 3

Điệu múa Chăm huyền diệu (Ảnh: Doãn Công).

Huyền bí vũ điệu dân gian Ấn Độ - 4

Biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định (Bình Định).

Tại chương trình giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Ấn Độ, khán giả được hòa mình vào tiết mục dân gian truyền thống của Bình Định qua các tiết mục: múa Chăm "Hồn Tháp"; biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định "Tây Sơn - bước chân hào kiệt" và múa "Trình tường khánh chúc".

Đặc biệt, tại đêm giao lưu, lần đầu tiên khán giả Bình Định được thưởng thức những điệu múa truyền thống đặc sắc của đất nước Ấn Độ qua các tiết mục: múa Krishna-Kaaliya và múa Vande Mataram.

Huyền bí vũ điệu dân gian Ấn Độ - 5

Đêm biểu diễn giao lưu văn hóa nghệ thuật Ấn Độ - Việt Nam nhận sự quan tâm, theo dõi, đón xem của đông đảo người dân, du khách (Ảnh: Doãn Công).

Huyền bí vũ điệu dân gian Ấn Độ - 6

Tiết mục múa Vande Mataram do Đoàn nghệ sĩ múa cổ điển Ấn Độ biểu diễn (Ảnh: Doãn Công).

Tiết mục múa Krishna-Kaaliya là câu chuyện về Kaaliya, vua rắn hổ mang hiểm độc và chết chóc, kẻ đã đầu độc dòng sông Yamuna nổi tiếng của Ấn Độ, giết chết tất cả các sinh vật sống của dòng sông và đe dọa cả chính sự sống của nhân loại.

Tiết mục thuật lại cảnh thần Krishna đối đầu với vua rắn hổ mang Kaaliya trong một trận chiến khốc liệt. Cuối cùng thần Krishna đã chiến thắng vua rắn hổ mang. Thần Krishna tha thứ cho kẻ bại trận và đầy hối hận Kaaliya, đồng thời ra lệnh cho hắn phải rời khỏi dòng sông.

Huyền bí vũ điệu dân gian Ấn Độ - 7

Tiến sĩ Sonal Mansingh - nhà quản lý hoạt động nghệ thuật, một trong những vũ công độc đáo nhất, thông thạo nhiều hình thức múa cổ điển của các vùng khác nhau ở Ấn Độ (Ảnh: Doãn Công).

Tiết mục múa Vande Mataram hay lời chào Tổ quốc Đất mẹ Ấn Độ ca ngợi tình yêu đất nước Ấn Độ được lấy cảm hứng từ một bài thơ truyền cảm do nhà thơ yêu nước Ấn Độ - (Bharatmata). Bài thơ miêu tả cảnh vật tươi tốt và xanh tươi trong niềm vinh quang. Bharatmata, nghĩa là Đất mẹ Ấn Độ, cũng được dùng để cầu nguyện "Nữ thần Ba Ngôi" là nữ thần Durga, Lakshmi và Saraswati, các nữ thần đại diện cho quyền lực, sự giàu có và tri thức trong Ấn Độ giáo.