Bánh a quát - chiếc bánh tình yêu của người Tà Ôi

(Dân trí) - Tôi ví a quát là chiếc bánh tình yêu của người Tà Ôi là bởi món bánh này không thể thiếu đối với những cô gái trên dãy Trường Sơn hùng vĩ khi về nhà chồng. Mỗi cô gái đều tự tay làm những cặp bánh a quát với tất cả sự cần mẫn, chăm chút cho ngày vui của mình.

May mắn được tham dự Tết Aza của người Tà Ôi (Thừa Thiên - Huế) tái hiện tại Ngôi nhà chung, tôi được thưởng thức những ẩm thực đặc trưng của huyện vùng cao A Lưới. Chị Viên Thị Kết vừa nhiệt tình mời tôi dùng thử những chiếc bánh a quát còn nóng hôi hổi, vừa thoăn thoắt gói mẻ bánh mới.

''Lễ vật cúng trong Tết Aza không thể thiếu bánh a quát đâu, đây cũng là chiếc bánh xuất hiện trong hầu hết các lễ hội và ngày cưới của người Tà Ôi. Những cặp bánh a quát được coi là món quà hồi môn mà cô gái Tà Ôi nào cũng phải làm để mang về nhà chồng. Người mẹ khi tới thăm gia đình con gái đã đi lấy chồng cũng không thể thiếu những tấm bánh thơm thảo này'', chị Viên Thị Kết giải thích trong lúc hướng dẫn tôi thử làm một cặp bánh a quát cho riêng mình.

Chị Viên Thị Kết (phải) tự tay làm những cặp bánh a quát.
Chị Viên Thị Kết (phải) tự tay làm những cặp bánh a quát.

Với người Tà Ôi, nếp Cu-char (nếp than) là loại nếp quý nhất và cũng là nguyên liệu duy nhất làm nên món bánh đặc trưng này. Hạt nếp than bắt đầu ngậm sữa thì đen bóng. Hạt nếp khi xay ra cũng có màu đen, đun lên vẫn giữ được màu sắc mà độ dẻo dính, hương thơm thì dịu dàng. Chẳng thế mà người Tà Ôi gọi nếp Cu-char là hạt ngọc của trời, hạt ngọc của giàng....

Trong quá trình giã nếp, những người phụ nữ cố gắng giã thật đều tay để hạt nếp không gãy vụn. Nếu có hạt gãy vụn thì họ sẽ sàng sảy để chọn lại. Theo một số người Tà Ôi giải thích, điều này thể hiện sự vẹn toàn trong tình yêu của đồng bào trong những tích truyện từ xưa.

Chiếc bánh a quát tượng trưng cho tình yêu thủy chung, sắt son của người Tà Ôi.
Chiếc bánh a quát tượng trưng cho tình yêu thủy chung, sắt son của người Tà Ôi.

A quát không phải là món ăn ngon duy nhất từ nếp của bà con Tà Ôi. Cũng từ loại nếp ''giàng ban'', bà con Tà Ôi còn chế biến rất nhiều món ăn dân dã, mang đậm hương vị núi rừng như cơm nếp lam, xôi hông, xôi thui ống...

Để gói bánh a quát, bà con lên rừng chọn những tấm lá đót tươi, không được già vì lá quá già thì dễ rách mà lá non quá thì không tạo khuôn được. Khi gói, lá được quấn tạo hình chóp nón. Sau đó, lật ngược hình chóp nón đó và bốc nếp bỏ vào cho đầy.

Chị Viên Thị Kết kể, chiếc bánh a quát tượng trưng cho tình yêu thủy chung, sắt son của người Tà Ôi. Truyện kể rằng, xưa có một chàng trai nghèo sống đơn chiếc, nhưng may mắn gặp được cô gái đem lòng yêu thương.

Bánh a quát chín, bóc tách từng lớp lá sẽ hiện ra chiếc bánh có màu đen phớt hồng.
Bánh a quát chín, bóc tách từng lớp lá sẽ hiện ra chiếc bánh có màu đen phớt hồng.

Bánh a quát được bó thành một cặp, chiếc lớn hơn tượng trưng cho người con trai và chiếc bánh nhỏ hơn là hiện thân của người con gái. Cũng bởi vậy mà từ nhỏ, các bé gái người Tà Ôi đã được bà, được mẹ hướng dẫn làm bánh a quát

Sau khi được buộc thành từng cặp, bà con ngâm bánh trong chậu nước từ 1-2 tiếng rồi mới đem đi luộc để đảm bảo bánh mềm, dẻo. Bánh a quát chín, bóc tách từng lớp lá sẽ hiện ra chiếc bánh có màu đen phớt hồng rất đẹp mắt. Khi đưa lên thưởng thức, bánh có vị bùi bùi, thơm thơm.

Chị Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa Văn hóa thông tin huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) cho biết, giờ đây, bánh a quát không chỉ xuất hiện trong những ngày lễ, tết, ngày vui cưới hỏi của người Tà Ôi mà đã trở thành một sản phẩm thết đãi khách du lịch khi đến với Làng du lịch cộng đồng huyện miền núi A Lưới.

Phương Nhung