1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

"Các VĐV Việt Nam hoang mang, lo lắng về nguy cơ dính doping"

Kim Anh

(Dân trí) - Cựu Trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là ngành thể thao cần công khai những vận động viên (VĐV) bị nghi dùng chất cấm.

Chia sẻ với Dân trí, Cựu Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao) Dương Đức Thủy cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là ngành thể thao cần công khai những VĐV bị nghi dùng chất cấm, bởi họ cần biết thông tin chính xác thay vì hoang mang chờ đợi như hiện nay.

"Tổng cục thể dục thể thao hoặc Trưởng đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 31 cần phải thông tin rõ về các trường hợp dính doping. Việt Nam có bao nhiêu mẫu xét nghiệm, những mẫu nào dính chất cấm, thuộc các môn điền kinh, cử tạ, bơi lội thì cần phải công khai, thay vì để báo chí thông tin như này sẽ không hay.

Tôi có tâm sự với một số VĐV thì thấy họ đang rất căng thẳng, hoang mang, không biết mình có dính doping hay không. Bản thân các VĐV cũng không biết dính từ khi nào và tại sao lại dính.

Vì thế, chúng ta phải có sự tìm hiểu, điều tra để chuẩn bị cho mọi tình huống. Còn khi mà các VĐV nhận án phạt thì chuyện đã xảy ra rồi", ông Dương Đức Thủy cho hay.

Các VĐV Việt Nam hoang mang, lo lắng về nguy cơ dính doping - 1

Thể thao Việt Nam mới có thêm ba vận động viên nghi sử dụng doping ở SEA Games 31 (Ảnh: Mạnh Quân).

Cũng theo ông Thủy, các VĐV Việt Nam có kiến thức y học kém, thiếu hiểu biết về chất cấm. Họ có thể dùng đồ ăn, thuốc từ bên ngoài mà không biết có chất trong danh mục cấm.

Trong lịch sử, thể thao Việt Nam từng có một số trường hợp điển hình dương tính chất cấm như HCB Olympic Bắc Kinh 2008 Hoàng Anh Tuấn, nữ VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương hay Trịnh Văn Vinh (cử tạ). Các VĐV này đều vô tình sử dụng chất cấm, sau đó bị cấm thi đấu có thời hạn.

Một vấn đề nữa được ông Dương Đức Thủy nêu ra, là tại sao chúng ta lại chọn Thái Lan là nơi làm xét nghiệm, thay vì các quốc gia khác cũng có chi phí không quá chênh lệch. Cần nên biết rằng Thái Lan là đối thủ của Việt Nam ở các kỳ SEA Games, vì thế việc kết quả nhầm lẫn vì một lý do nào đó vẫn có thể xảy ra.

Trung tâm phòng chống doping Việt Nam đã thông báo cho lãnh đạo ngành thể thao về ba trường hợp mới có kết quả mẫu A dương tính với doping vào chiều ngày 12/10. Được biết, ba VĐV mới được phát hiện đều thuộc đội điền kinh (một nam, hai nữ). Trong đó, có một VĐV nổi tiếng tầm châu lục.

Theo quy định, các VĐV bị nghi dính doping được quyền yêu cầu làm xét nghiệm mẫu B. Dự kiến, phòng xét nghiệm ở Thái Lan sẽ thực hiện điều này trong tháng 11. Đây cũng là căn cứ cuối cùng để xác định VĐV có dính doping hay không.

Việc công bố danh tính VĐV có thể sẽ được thực hiện sau khi có quyết định chính thức từ Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA).

Trước mắt, các VĐV này chưa bị tước quyền thi đấu ở Đại hội thể thao toàn quốc vào giữa tháng 12, nhưng không có tên trong danh sách được nhận đầu tư để hướng tới Asiad 2023 và Olympic 2024.

Trước đó, 6 mẫu thử lần một (mẫu A) của 6 VĐV đoàn thể thao Việt Nam dương tính với chất cấm trong quá trình thi đấu ở SEA Games 31. Như vậy, Việt Nam hiện có 9 VĐV bị nghi sử dụng doping.

Việc Việt Nam tiếp tục có VĐV có kết quả xét nghiệm dương tính với chất cấm đang khiến ngành thể thao đau đầu. Tuy nhiên, khi vụ việc đã xảy ra, chúng ta cần có hướng xử lý phù hợp nhất.

Tại SEA Games 31, ban tổ chức đã lấy mẫu ngẫu nhiên của khoảng 1000 VĐV. Theo quy trình, mỗi VĐV khi lấy mẫu xét nghiệm sẽ chia làm 2 lọ gồm lọ A (mẫu A) và lọ B (mẫu B). Được biết, ngoài các VĐV Việt Nam, khá nhiều VĐV của khu vực cũng có kết quả dương tính với chất cấm.