Báo giới Đức phẫn nộ với bàn thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha

Sông Lam

(Dân trí) - Truyền thông Đức bày tỏ sự phẫn nộ sau bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản vào lưới Tây Ban Nha, khiến đoàn quân của HLV Hansi Flick phải chia tay World Cup 2022 ngay từ vòng bảng.

Đánh bại Tây Ban Nha, Nhật Bản giành ngôi đầu bảng

"Bộ phim truyền hình từng milimét về kết cục của chúng ta", tờ Bild giật tít sau khi bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản trong trận đấu với Tây Ban Nha khiến tuyển Đức bị loại. Dù giành chiến thắng trước Costa Rica với tỷ số 4-2 ở lượt đấu cuối, "Cỗ xe tăng" Đức chỉ xếp thứ ba khi cùng có 4 điểm như Tây Ban Nha nhưng thua hiệu số bàn thắng bại.

Báo giới Đức phẫn nộ với bàn thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha - 1

Báo Đức tung bằng chứng cho rằng bóng đã đi hết đường biên sau nỗ lực chuyền bóng của Mitoma (Ảnh: Bild).

"Đây lại là một kết cục cay đắng cho tuyển Đức. Năm 1966 trong trận chung kết World Cup với Anh tại sân vận động Wembley, đã có một quyết định gây tranh cãi tương tự khiến đội tuyển Đức thua chung cuộc.

Những gì chúng ta thấy trên truyền hình, dường như quả bóng đã lăn hết đường biên. Có thể chỉ vài milimét là quả bóng vẫn còn dính ở vạch biên. Bàn thắng cho Nhật Bản cuối cùng vẫn được công nhận. Nó giống như bàn thắng ở Wembley của đội tuyển Anh trong trận chung kết năm 1966", tờ Bild nhấn mạnh trong phần bình luận tình huống gây tranh cãi của Nhật Bản với Tây Ban Nha.

Báo giới Đức phẫn nộ với bàn thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha - 2

Bàn thắng của Geoffrey Hurst vào lưới tuyển Đức ở World Cup 1966 trở thành tranh cãi không có hồi kết đến bây giờ (Ảnh: Bild).

Tờ báo nước Đức nhắc lại trận thua cay đắng của Tây Đức trước tuyển Anh sau "bàn thắng ma" của tiền đạo Geoff Hurst phía "Tam sư". Đó là trận đấu mà tuyển Anh dẫn trước 2-0, nhưng Tây Đức đã san bằng tỷ số 2-2 ở cuối hiệp hai.

Tuy nhiên, tiền đạo Geoffrey Hurst đã có pha dứt điểm từ cự ly gần đưa bóng đập vào xà ngang, rơi xuống đất rồi lại nẩy lên ngay lập tức trước khi được hậu vệ tuyển Tây Đức Wolfgang Weber đánh đầu ra ngoài. Mọi thứ diễn ra quá nhanh. Trọng tài Gottfried Dienst bối rối, lúng túng chạy về trọng tài biên tham khảo.

Sau cùng, bàn thắng được công nhận cho tuyển Anh. Mọi thứ được định đoạt. Ý chí đội tuyển Đức cũng bị bẻ gãy. Geoffrey Hurst sau đó hoàn tất cú hat-trick trong đêm những quyết định của trọng tài để mang về chiến thắng cho đội nhà. Trận chung kết World Cup 1966 khép lại với cả một trời tranh cãi. 

Báo giới Đức phẫn nộ với bàn thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha - 3

Tờ Kicker cho rằng bàn thắng của Nhật Bản là một quyết định tồi tệ của trọng tài (Ảnh: EPA).

Trong khi đó, tờ Kicker của Đức cho rằng, bàn thắng thứ hai của Nhật Bản được trọng tài công nhận là một quyết định tồi tệ nhất trong lịch sử bóng đá.

"Bàn thắng này là quyết định gây nhiều tranh cãi, khi ban đầu nó đã bị từ chối do trọng tài biên xác định bóng đã đi hết đường biên sau đường chuyền của Kaoru Mitoma. Sau khi VAR can thiệp, bàn thắng lại được công nhận. Một quyết định rất khó hiểu, bóng có chăng chỉ dính trên vạch vôi vài milimet.

Ngay cả cầu thủ ghi bàn cũng không nhìn chính xác liệu bóng có ra ngoài biên hay không. Tiền đạo Ao Tanaka đã thừa nhận một cách thẳng thắn sau trận đấu: "Tôi sẽ không thất vọng nếu bàn thắng không được công nhận", tờ Kicker bình luận.

Tuy nhiên, một tờ báo khác của nước Đức, Sport1, lại cho rằng bàn thắng của Nhật Bản là hoàn toàn hợp lệ và đội tuyển Đức chia tay World Cup 2022 ngay từ vòng bảng là hoàn toàn xứng đáng sau khi quá khinh thường đối thủ và để thua ngược "Samurai xanh" ở trận ra quân.

"Phải chăng bàn thắng ấn định chiến thắng của Nhật Bản không hợp lệ? Một bức ảnh sẽ chứng minh rằng quả bóng có thể vẫn nằm trên vạch trước khi được Mitoma chuyền cho Tanaka ghi bàn", tờ Sport1 của nước Đức lên tiếng về pha bóng gây tranh cãi.

Báo giới Đức phẫn nộ với bàn thắng của Nhật Bản trước Tây Ban Nha - 4

Bức ảnh cho thấy bóng vẫn còn chạm vạch trước khi Mitoma chuyền cho Tanaka ghi bàn (Ảnh: Sport1).

"Một số bức ảnh lan truyền trên Twitter cho thấy bóng lăn qua vạch vôi trước khi Mitoma chuyền cho Tanaka. Tuy nhiên, góc nhìn mới là chìa khóa của vấn đề. Nếu bạn nhìn vào vạch cầu môn từ trên cao, ít nhất bạn cũng xác định được bóng vẫn còn chạm vạch", tờ Sport1 khẳng định.