Argentina thua đau Saudi Arabia: Từ vị thế thợ săn trở thành con mồi

Trọng Vũ

(Dân trí) - Messi và các đồng đội quá tự tin vào khả năng kỹ thuật của mình, họ khá nhởn nhơ trước Saudi Arabia đầy tinh quái. Và từ vị thế thợ săn, Argentina bất chợt trở thành con mồi.

Messi ghi bàn, Argentina vẫn nhận thất bại sốc trước Saudi Arabia

Những con số không biết nói dối, trong hiệp một, Argentina có 7 tình huống bị thổi việt vị, 3 lần trong số đó họ sút tung lưới Saudi Arabia, nhưng không được công nhận vì lỗi nói trên.

Argentina không muốn thay đổi lối đá rình rập này, tức không kéo các chân sút của mình thấp xuống một chút để tránh bẫy việt vị mà Saudi Arabia giăng ra. Bản thân đội bóng châu Á cũng không muốn thay đổi, họ chấp nhận mạo hiểm với một hàng thủ dâng cao, gài bẫy Argentina. 

Argentina thua đau Saudi Arabia: Từ vị thế thợ săn trở thành con mồi - 1

Argentina từ chỗ là thợ săn, bất chợt trở thành "con mồi" của Saudi Arabia (Ảnh: Reuters).

Trong trò chơi cút bắt này, Saudi Arabia là người chiến thắng, bởi sau tình huống bị dẫn trước từ pha đá phạt đền của Messi ở đầu trận, đội bóng xứ Ả rập không thua thêm bàn nào nữa, bởi bẫy việt vị của họ trước Argentina luôn sập đúng lúc.

Saudi Arabia có lý do để mạo hiểm với lối chơi này, vì đằng nào họ cũng đã bị dẫn trước. Ngược lại, Argentina không thay đổi, không tranh thủ cơ hội sớm kết thúc đối phương trong hiệp 1, thời điểm mà Saudi Arabia chưa đọc ra hết lối chơi của Argentina. 

Các cầu thủ Argentina quá tự tin vào kỹ thuật của mình, tự tin đến mức tuyến dưới của đội này thay vì phá dứt khoát hơn, cản phá đối thủ quyết liệt hơn, cũng sa vào việc lạm dụng kỹ thuật, rồi bị trừng phạt bằng 2 khoảnh khắc tỏa sáng của Al Shehri ở phút 48 và Al Dawsari ở phút 53 bên phía Saudi Arabia.

Trò chơi cút bắt của các cầu thủ Argentina bộc lộ nhược điểm ở chỗ họ không có phương án dự phòng khi đối thủ bắt bài, hay đơn giản là đối thủ đá theo kiểu không còn gì để mất.

Argentina thua đau Saudi Arabia: Từ vị thế thợ săn trở thành con mồi - 2

Kỳ World Cup cuối cùng của Messi khởi đầu một cách thảm họa (Ảnh: Getty).

Đặc biệt, khi bị dẫn trước, Argentina buộc phải chơi bóng bổng trước hàng phòng ngự dày đặc của Saudi Arabia. Trong lối chơi này, điểm yếu cố hữu của người Argentina ở các kỳ World Cup gần đây bộc lộ: Thiếu những cầu thủ có thể hình tốt, không chiến tốt.

Đến lúc này, HLV Scaloni có lẽ sẽ tiếc cho việc chân sút có thể hình tốt nhất bên phía Argentina Joaquin Correa (1m89) chấn thương, buộc phải rời World Cup 2022 trước ngày giải đấu khai mạc.

Những trung phong có thể hình tốt như Lucas Alario (1m84) hay Giovanni Simeone (1m81) cũng không được gọi bổ sung cho Joaquin Correa, thay vào đó là Angel Correa và Thiago Almada (cùng 1m71), rõ ràng không giúp ích gì cho đội tuyển Argentina trong thế trận bị dẫn trước vừa xảy ra. Họ thậm chí còn không được sử dụng ở hiệp hai trận gặp Saudi Arabia. 

2 tiền đạo có mặt trên sân của đội bóng xứ sở Tango từ thời điểm Argentina bị dẫn bàn gồm Lautaro Martinez (1m74) và Julian Alvarez (1m70) cũng ở vào tình trạng tương tự. Khi Argentina chưa thua, các cầu thủ rất nguy hiểm trong những tình huống tăng tốc và dứt điểm.

Nhưng khi Argentina đã thua trước, đối phương dồn số đông trước và trong khu vực 16m50 của đội nhà, những tiền đạo này của đội bóng Nam Mỹ cũng gần như mất hút. Đấy cũng là lý do mà Argentina dù được hưởng khá nhiều quả phạt góc trong những phút cuối trận, nhưng hầu như không gây hại cho hàng thủ từ các quả phạt góc này.

Dĩ nhiên, Messi và các đồng đội vẫn còn 2 trận trước Mexico và Ba Lan để sửa sai. Nhưng vấn đề là họ đã bộc lộ những nhược điểm trước Saudi Arabia, trong khi Mexico và Ba Lan về lý thuyết còn mạnh hơn Saudi Arabia. Vì vậy, chặng đường phía trước của Argentina có quá nhiều gập ghềnh.