1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Xung đột Gaza ảnh hưởng thế nào đến các cộng đồng thiểu số ở Israel?

Việt Hương

(Dân trí) - Khoảng 1/4 dân số Israel không phải là người Do Thái. Những trải nghiệm khác nhau của các nhóm thiểu số trong cuộc chiến ở Gaza làm nổi bật sự phức tạp trong vị thế của họ.

Xung đột Gaza ảnh hưởng thế nào đến các cộng đồng thiểu số ở Israel? - 1

Israel tiến vào dải Gaza để đáp trả đòn tấn công của Hamas (Ảnh: The Times).

Economist đưa tin, ngày 19/11, thị trấn nhỏ Peki'in trên sườn đồi ở Galilee chật cứng. Những lá cờ Israel xanh trắng và những biểu ngữ nhiều màu của cộng đồng Druze tung bay trên con phố quanh co dẫn đến quảng trường chính có đặt bức tượng một chiến binh Druze.

Hàng nghìn người đã đến tiễn biệt Jamal Abbas, một lính dù 23 tuổi thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), người thiệt mạng trong khi làm nhiệm vụ ở Gaza.

Tại khu vực trung tâm cộng đồng Druze của Israel, nơi có dân số 150.000 người, có khoảng 6 đám tang binh sĩ đã được tổ chức kể từ ngày 7/10. Sĩ quan cấp cao nhất của IDF thiệt mạng trong chiến dịch trên thực địa ở Gaza là một người Druze. Hơn 80% đàn ông Druze của Israel nhập ngũ, nhiều người tham gia các đơn vị chiến đấu.

Những người Israel không phải Do Thái khác cũng đang ở tuyến đầu. Hamas được cho là đã sát hại 21 người Ả rập Bedouin trong vụ tấn công vào ngày 7/10, nhiều người trong số họ đang làm việc tại các trang trại Do Thái gần biên giới. 6 người Bedouin nằm trong số 240 con tin bị Hamas bắt và giam giữ ở Gaza.

Trong những ngày sau vụ tấn công, các tổ chức phi chính phủ Do Thái và Bedouin đã cùng nhau thành lập một trung tâm ở Rahat, chủ yếu là người Bedouin Israel ở phía đông Gaza, nơi các tình nguyện viên từ các cộng đồng khác nhau đóng gói thực phẩm cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Số phận của các con tin Bedouin bị những người Hồi giáo ở Gaza bắt giữ rất khó lường. Nhiều người Bedouin có người thân ở nơi bị Israel bắn phá. Một số người ở Rahat bị nghi ngờ bao che cho những kẻ tấn công Hamas trên đường chạy trốn.

Ba phần tư trong số 2 triệu người Ả rập ở Israel là người Palestine theo đạo Hồi. Đối với họ, cuộc chiến này đặc biệt đau thương. Nhiều người lên án Hamas nhưng kinh hãi trước bạo lực ở Gaza.

Wurud Jayusi, Viện trưởng Viện Hàn lâm tiếng Ả rập tại Đại học Beit Berl, phía bắc Tel Aviv, cho biết: "Các công dân Ả rập và Hồi giáo đồng loạt phẫn nộ về những gì Hamas đã làm... Chúng tôi cũng xem các kênh truyền hình Ả rập chiếu cảnh tàn phá khủng khiếp ở Gaza, nơi nhiều người trong chúng tôi có gia đình ở đó, điều mà những người bạn Do Thái của chúng tôi ít quan tâm hơn".

Xung đột Gaza ảnh hưởng thế nào đến các cộng đồng thiểu số ở Israel? - 2

Các binh sĩ Israel (Ảnh: AFP).

Một cuộc khảo sát của Viện Dân chủ Israel - một tổ chức tư vấn ở Jerusalem - cho thấy rằng tỷ lệ người Israel gốc Ả rập nói rằng họ đồng tình với nhà nước ở mức cao nhất từ trước đến nay trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến. Tuy nhiên, khi giao tranh vẫn tiếp diễn, mối quan hệ có thể trở nên căng thẳng.

Trong đợt giao tranh bùng phát gần đây nhất ở Gaza, vào năm 2021, bạo loạn đã nổ ra ở nhiều thị trấn bao gồm người Do Thái - Ả rập của Israel.

Những xáo trộn cho đến nay vẫn chưa xảy ra trong thời gian này, nhưng đó có thể là do người Israel gốc Ả rập sợ chính phủ cánh hữu hiện tại.

Tiến sĩ Jayusi nói rằng bà "lạc quan một cách thận trọng" về triển vọng chung sống, nhưng lo ngại xu hướng sô-vanh (chủ nghĩa dân tộc cực đoan) trong người Israel gốc Do Thái sau cuộc tấn công của Hamas và cảnh báo chống lại chính sách nặng tay đối với những người Ả rập - Israel bất đồng chính kiến.

Trung tâm Lập kế hoạch dự phòng Ả rập, một nhóm vận động có trụ sở tại Eilaboun, một ngôi làng chủ yếu là người Ả rập theo đạo Cơ đốc ở Galilee, cho đến nay đã ghi nhận hơn 200 vụ bắt giữ người Ả rập Israel, chủ yếu vì cáo buộc "kích động" trên mạng xã hội.

Chương trình nghị sự trong nước của các chính trị gia cánh hữu ở Israel cũng không giúp ích nhiều. Hai đạo luật, được thông qua bởi các chính phủ trước đây dẫn dắt bởi ông Binyamin Netanyahu, thủ tướng hiện tại, đã thách thức tư cách công dân chính thức của những người không phải là người Do Thái.

Một trong số đó là luật gia tăng hình phạt đối với những người xây nhà không có giấy phép, một vấn đề nhức nhối đối với những người không phải Do Thái ở Israel, những người được cho là thường bị phân biệt đối xử trong các giấy phép quy hoạch và giao đất.

Luật còn lại - Luật Nhà nước Quốc gia - bị các cộng đồng thiểu số coi là xúc phạm, quy định rằng "quyền thực hiện quyền tự quyết dân tộc ở Nhà nước Israel chỉ dành cho người Do Thái".

Cuối tang lễ của Abbas, viên sĩ quan người Druze đã thiệt mạng, ông nội anh, cũng là đại tá nghỉ hưu, đã lên tiếng kêu gọi bãi bỏ 2 điều luật đó.

Theo The Economist
Dòng sự kiện: Chiến sự Israel - Hamas