1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Quân nhân Ukraine chật vật với "sát thủ diệt tăng" Javelin của Mỹ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ đưa tin, một số vũ khí phương Tây cấp cho Ukraine đối phó Nga, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, đang gây khó khăn cho lực lượng Kiev trong việc vận hành trên chiến trường.

Quân nhân Ukraine chật vật với sát thủ diệt tăng Javelin của Mỹ - 1

Một quân nhân Ukraine vác tên lửa Javelin ở phía bắc vùng Kiev ngày 13/3 (Ảnh: Reuters).

Washington Post ngày 14/6 đưa tin, Mỹ và đồng minh trong thời gian qua ồ ạt viện trợ vũ khí cho Ukraine, nhưng phương Tây lại cung cấp thiếu các tài liệu đào tạo, phụ tùng và linh kiện thay thế, cũng như hỗ trợ khác về mặt hậu cần.

Điều này kéo theo việc các quân nhân Ukraine trở nên chật vật khi sử dụng các vũ khí do phương Tây cung cấp trên chiến trường, trong đó có tên lửa Javelin.

Washington Post gọi đây là "sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc khách hàng thời chiến" từ Mỹ sau khi phỏng vấn hàng loạt chỉ huy và quân nhân Ukraine, cũng như các thành viên lực lượng lính tình nguyện nước ngoài.

Một ví dụ điển hình Washington Post nêu ra là, nhiều bệ phóng Javelin không thể sử dụng vì các linh kiện bị lỗi, cũng như các tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch thuật sơ sài.

"Chúng ta đang gửi khí tài quân sự. Nhưng chúng ta không hỗ trợ về mặt kỹ thuật hay sao?", cựu binh Mỹ, chuyên gia quân sự Mark Hayward đặt câu hỏi.

Kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra từ 24/2, Lầu Năm Góc đã chuyển hơn 5.000 tên lửa Javelin tới Kiev, trong khuôn khổ gói viện trợ 54 tỷ USD của Washington. Mỗi quả Javelin có giá 78.000 USD và mỗi bệ phóng vác vai có giá 178.000 USD.

Tên lửa do các nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin và Raytheon chế tạo không chỉ đắt tiền mà còn phức tạp. Nó đi kèm với một quyển hướng dẫn sử dụng dài 258 trang. 

Ông Hayward nói rằng, Javelin được gửi tới Ukraine bị thiếu thẻ hướng dẫn để người dùng có thể gọi điện cho tổng đài yêu cầu trợ giúp khi tên lửa gặp trục trặc và cần sửa chữa. Quân nhân Mỹ sử dụng Javelin được cung cấp một dịch vụ như vậy, nhưng phía Ukraine thì không.

Ngoài ra, Javelin do Mỹ gửi tới Ukraine còn thiếu tài liệu đào tạo sử dụng trên máy tính mà Lục quân Mỹ coi là "nền tảng trong chương trình huấn luyện". Bradley Crawford, cựu quân nhân Mỹ làm nhiệm vụ đào tạo quân nhân Ukraine, cho biết họ đã đề nghị Washington cấp loại tài liệu trên, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được.

Một sĩ quan quân đội Ukraine nói rằng, đơn vị của anh đã yêu cầu tài liệu này vào cuối tháng 4 nhưng vẫn chưa được gửi. Quân đội Ukraine đang được huấn luyện sử dụng Javelin trong chưa đầy 2 ngày. Một khóa đào tạo sử dụng Javelin của lục quân Mỹ thường kéo dài trong 2 tuần.

"Việc đào tạo là rất quan trọng. Chúng tôi cần có khả năng bắn trúng 100% mục tiêu. Chúng tôi không có đủ Javelin để bắn hỏng rồi lại bắn tiếp một quả khác", quân nhân Ukraine nói.

Ngoài ra, ông Hayward nói rằng, Ukraine cũng chỉ được cấp khá hạn chế số lượng pin để sử dụng trên bệ phóng Javelin. Mỗi hệ thống pin chỉ dùng được trong 4 giờ sau mỗi lần sạc và thời gian này có thể ngắn hơn nếu các bệ phóng bắn ra tên lửa. 

Vì vậy, lực lượng Ukraine phải tạm để riêng các viên pin này ra trong kịch bản cần sử dụng gấp trong tác chiến. Điều đó dẫn đến việc họ không có pin để huấn luyện cho quân nhân và phải dùng pin xe máy để làm việc này. 

"Phải có cách khác tốt hơn. Chúng ta không thể gửi cho họ một hệ thống vũ khí tinh vi mà không bàn giao cho họ những nguồn lực cần thiết cho việc huấn luyện", ông Murkowski nói.

Video tên lửa Javelin của Ukraine phá hủy pháo phản lực Nga

Theo RT
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine