1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phương Tây nói Nga đã cạn kiệt UAV "rẻ và hiệu quả"

Thanh Thành

(Dân trí) - Nhiều nguồn tin cho rằng, Nga đã sử dụng hết máy bay không người lái (UAV) "giá rẻ và hiệu quả" của Iran. Liệu Nga có lường trước được việc này và chuẩn bị thế nào cho kịch bản tiếp theo?

Phương Tây nói Nga đã cạn kiệt UAV rẻ và hiệu quả - 1

Bệ phóng gồm 5 chiếc UAV Shahed-136 (Ảnh: AP).

Trong những tuần gần đây, bất chấp tuyên bố phủ nhận của Iran và Nga, những hình ảnh về UAV Shahed-136 được cho là của Tehran đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông toàn cầu.

Đây là loại UAV được cho là đã giúp Nga rất nhiều trong các cuộc tập kích nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine.

Shahed-136 được thiết kế để tự hủy khi va chạm và có tầm bay thấp, đủ khả năng tránh radar. UAV này cũng có giá tương đối rẻ (20.000 USD/chiếc) so với các loại vũ khí tiên tiến hơn cùng loại - cho phép các lực lượng Nga dễ dàng tấn công các thành phố và vị trí quân sự của Ukraine. Với đầu đạn nặng 40kg, Shahed-136 gây ra thiệt hại vô cùng đáng kể.

Moscow tuyên bố những chiếc UAV này là của Nga chứ không phải của Iran. Vào đầu tháng này, hôm 6/11, Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian thừa nhận, Iran đã cung cấp UAV cho Nga, nhưng làm rõ rằng việc mua bán diễn ra vài tháng trước khi xung đột Ukraine bùng nổ. Phía Tehran cũng bác bỏ cáo buộc đã cung cấp tên lửa cho Moscow.

"Một số nước phương Tây cho rằng, Iran đã cung cấp tên lửa và UAV cho Nga để hỗ trợ chiến sự tại Ukraine. Thông tin về tên lửa là hoàn toàn sai sự thật. Thông tin về UAV là chính xác nhưng Iran đã cung cấp cho Nga số lượng nhỏ UAV từ vài tháng trước khi chiến sự nổ ra tại Ukraine", Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cho biết.

Tuy nhiên Ukraine và phương Tây vẫn cho rằng, Nga đã tiếp tục mua UAV của Iran. Trong bản cập nhật mới nhất của Tình báo quân sự Anh, cuộc xung đột với nhịp độ cao ở Ukraine chỉ mới diễn ra vài tháng đã khiến Nga đã sử dụng gần hết kho tên lửa của mình. Việc bổ sung nguồn dự trữ không hề dễ dàng.

Nga có thể phải nhanh chóng mua thêm từ nước ngoài vì ngành công nghiệp "sản xuất tên lửa hành trình mới trong nước" không kịp đáp ứng nhu cầu. Tên lửa của Nga, mặc dù tiên tiến nhưng rất tốn kém và mất nhiều thời gian để chế tạo. Và theo phía Anh, đó là thời điểm Iran tham gia.

Nga đã chuẩn bị cho mọi tình huống

Chưa có số liệu cụ thể nào chứng minh những nhận định của Anh. Tuy nhiên, nếu giả thuyết của Anh về việc Nga cạn kiệt kho tên lửa hành trình và tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Abdollahian là có cơ sở, điều này cho thấy Nga đã lường trước được tình huống này.

Moscow đã lường trước việc cạn kiệt kho dự trữ tên lửa hành trình nếu chiến sự kéo dài đến cuối năm 2022, và sẽ cần thứ gì đó rẻ hơn để nhanh chóng lấp đầy khoảng trống trong khả năng tấn công tầm trung của mình.

Chưa rõ Nga có thực sự sử dụng UAV được cho là mua của Iran hay sử dụng những chiếc do chính họ điều chỉnh và sản xuất hay không. Nhưng việc phát hiện một số chip, thiết bị điện tử, bảng mạch tinh vi của phương Tây và một số linh kiện của Ukraine cho thấy, điều này có nhiều khả năng xảy ra.

Nga có thể đã lên kế hoạch cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trong gần một năm nếu con đường ngoại giao với Ukraine, Mỹ và NATO thất bại.

Tất cả các động thái quân sự và ngoại giao tương ứng đã được lên kế hoạch tuần tự chống lại những hệ quả có thể xảy ra, trong đó có tính đến việc can thiệp quân sự.

Moscow cũng đã chuẩn bị cho điều này kể từ cuộc khủng hoảng Donbass năm 2014 ở Ukraine, thời điểm Donetsk và Luhansk tự tuyên bố ly khai. Mọi việc đang diễn ra theo đúng kế hoạch.

Nga hiện nắm quyền kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine mặc dù đã rút quân khỏi Kharkov và Kherson. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley, đã ủng hộ ngoại giao và không tin rằng Ukraine có thể đánh bại Nga bằng giải pháp quân sự.

Moscow có thể đã không dự đoán chính xác rằng việc có thể gặp khó khăn khi các đường dây tiếp tế dài cung cấp súng và pháo phản lực ống nổi tiếng của họ gặp phải hỏa lực của Ukraine. Nhưng Nga đã hồi sinh ngành công nghiệp quốc phòng thời Liên Xô và thành công khi vẫn kiên cường chịu được áp lực kinh tế của phương Tây.

Moscow đã phi USD hóa nền kinh tế của mình kể từ năm 2021 để đối phó với kịch bản Mỹ và châu Âu sẽ đóng băng dự trữ ngoại hối trị giá 300 tỷ USD của mình như đã xảy ra.

Doanh thu của Nga thông qua bán năng lượng (dầu và khí đốt) ở mức 337 tỷ USD kể từ tháng 2/2022, cao hơn 38% so với năm ngoái và hiện chiếm 40% ngân sách nhà nước. Lạm phát đã ở mức dưới 4%.

Nga hiện được cho là đang thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí quân sự để sản xuất tên lửa hành trình phục vụ chiến sự ở Ukraine. Theo các chuyên gia, Mỹ và các đồng minh có thể phải hứng chịu hậu quả nếu đánh giá thấp ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.

Theo EurAsia Times