1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ở nơi tuyết là của quý

Sau một hồi lâu trèo qua cửa sổ ở tầng hai, bà Kimie Kuwahara 80 tuổi đứng trên bức tường bằng tuyết cao chừng 3 m bao quanh căn nhà và đưa mắt nhìn khắp xung quanh: những trận bão tuyết mới đây đã phủ một tấm chăn trắng toát lên mọi thứ, chỉ trừ những chóp nóc nhà.

Hai tay năm chặt cái xẻng, bà cụ người Nhật bận rộn hất những đám bột trắng tinh xuống thành một đống nhỏ ở gần đó, bên dưới đống tuyết từng là ao cá chép, bà cho biết. Ông chồng Naoji cũng 80 tuổi, đã dùng thang trèo lên mái nhà, dùng xẻng đẩy những cục tuyết to sụ rơi xuống.

"Việc này làm mãi cũng chả hết", Kuwahara nói. Bà đã sống ở đây nửa thế kỷ kể từ khi "từ bên kia sườn núi" về làm dâu. "Cứ xúc hết tuyết đi, rồi hai ngày sau nó lại đầy".

Vừa cười ngoác miệng đến tận mang tai vừa xúc tuyết, Kuwahara quả quyết rằng chính nhờ xúc tuyết quanh năm mà bà "khỏe nhất xóm". "À, chỗ này là xứ tuyết. Làm sao mà tránh tuyết được", bà cụ tuổi cổ lai hy nói.

Đất tuyết là tên tục gọi của miền đất nằm giữa biển Nhật Bản và dãy núi Alps của Nhật - khu vực nhiều tuyết nhất thế giới, mỗi năm có vài tháng chìm trong tuyết. Nhưng năm nay, mùa đông lạnh giá nhất trong nhiều chục năm trở lại, đã khiến vùng này hứng chịu lượng tuyết rơi ở mức kỷ lục.

Tuyết đã chôn vùi nhiều ô tô, nhà cửa và cả những đoàn tàu tốc hành nổi tiếng. Tuyết chất thành đống cao và biến đường phố thành những con hào, biến thị trấn thành một mê cung mà trong đó người ta đi lại như thể những con chuột chạy quanh.

Một trong những khu bị ảnh hưởng nặng nhất là thị trấn Tsunan thuộc quận Niigata. Những ngày gần đây tuyết rơi dày thành một lớp gần 4 mét. Những người già cả cho biết đây là năm nhiều tuyết nhất kể từ 1945, khi tuyết dày đến 7 m.

Đối với Seiji Kuwabara, vị hàng xóm 69 tuổi của bà Kuwahara, sống ở đây đồng nghĩa với chịu đựng. Những cơn bão tuyết dữ dội năm nay bóc trần ra cả điều kiện khắc nghiệt lẫn sự mong manh của khu vực này. Ở nơi mà thanh niên đã kéo nhau đi hết, giống như bất kỳ khu vực nông thôn nào, những ông bà cụ bảy tám mươi tuổi phải vật lộn chống chọi với tuyết, để mái nhà khỏi sập xuống. Thường thì các ông cụ trèo lên mái, còn các bà lăng xăng bên dưới.

Gần 70 người Nhật, chủ yếu là các cụ già, đã qua đời vì lạnh trong mùa đông năm nay. Ở thị trấn này, nơi có một phần ba dân số trên 65 tuổi, một cụ ông 81 tuổi đã thiệt mạng vì rơi xuống một con sông trong khi đang cào tuyết. Một cụ ông hơn 70 tuổi thì bị chôn vùi trong đống tuyết do mái nhà sập.

Với tuyết phủ khắp nơi cùng bóng tối ngự trị nhiều tháng liền, xứ tuyết là một phần của khu vực có tên "mặt sau của Nhật Bản", trái ngược với "mặt trước" là phần quay ra Thái Bình dương.

Cho đến trước những năm 1960, ở nơi này không có đường cho xe ô tô, và đi bộ từ xứ tuyết đến thị trấn Tokamachi cách đó 15 km phải mất 5 giờ đồng hộ. Tuyết chất cao đến mức người ta thường leo trèo chứ không đi. Shigeno Tamura, chủ một hiệu thịt gà, vẫn nhớ rõ bà thường nhìn thấy dấu chân của các khách bộ hành phía trên mái cửa sổ căn phòng ở tầng 1.

Nhưng ký ức không chỉ chứa toàn gian khó. "Khi còn bé, chúng tôi thường chơi nhảy dây trên các đường dây điện", Fumi Kazamaki 65 tuổi kể lại. Bà đang xúc tuyết phía trước ngôi nhà, trong khi ông chồng 66 tuổi cũng lao động cật lực, tất nhiên là ở trên mái.

"Chúng tôi sống được bằng cách nhìn vào những mặt tốt của tuyết", bà nói rằng tuyết khiến cho mọi người gần gũi nhau hơn. Vào mùa đông bây giờ, trẻ con ở trong nhà chơi video games, còn hồi xưa trẻ tụ tập đắp lều tuyết. "Tôi còn nhớ ánh nến hắt ra từ bên trong lều. Như chuyện thần tiên vậy".

"Ngày đó chúng tôi sống trong tuyết", Kazamaki tâm sự. "Còn bây giờ, chúng ta xâm chiếm tuyết".

Xứ tuyết bắt đầu bị chinh phục vào những năm 1960. Năm 1972, chiếc máy phun nước nóng đầu tiên được lắp trên đường phố. Hiện nay thì các đường ống nước nóng ngầm dưới đất giúp làm tan băng. Nhiều đường phố, nhất là những đường gần nhà ga, được sưởi ấm. Xe xúc tuyết đảm bảo giao thông bình thường cho thị trấn 12 nghìn dân và việc này ngốn mất 1 triệu USD mỗi năm.

"Bây giờ chúng tôi đã có thể dùng giày thường để đi lại trên phố", Takaaki Takahashi, người chỉ huy việc dọn tuyết của thị trấn cho hay.

Tsunan đã thay đổi nhiều. Thậm chí giờ đây cả những đoàn tàu cao tốc danh tiếng cũng hiện diện. Nhưng tuyết dữ dội trong mùa đông năm nay nhắc nhở người ta nhớ rằng nó không thể bị đánh lui hoàn toàn.

Ông Harunobu Shiga 74 tuổi bồn chồn đứng bên ngoài cổng nhà, đợi người giao báo. Ông ấy thường qua đây vào 4 giờ chiều thứ sáu hàng tuần, nhưng hôm nay đã 5 giờ mà chưa thấy bóng.

"Có khi ông ấy lạc đường vì tuyết mất thôi", Shiga nói, vẻ lo lắng hiện trên nét mặt. Rồi để giết thời gian, ông cụ bắt đầu kể về nguồn gốc của đống tuyết ở cạnh nhà. Nó tích tụ từ cách đây 80 năm, khi bà mẹ 103 tuổi của ông về làm dâu. Nhưng năm nay, tuyết rơi nhanh đến mức trên cái đống cũ kỹ đó không còn thấy dấu hiệu nào của những lớp tuyết lưu cữu.

"Tôi cho là phải đến tháng 4 hoặc tháng 5 nó mới tan ra được", Shiga nói.

Nhưng ông không lấy thế làm buồn. Shiga bảo nhờ có tuyết, xứ này mới có được nước tinh khiết để làm ra thứ rượu sake và gạo ngon nhất Nhật Bản. Loại gạo nổi tiếng Koshihikari được bán với giá 700 yen (khoảng 6 USD) mỗi kg.

"Có lẽ tôi chẳng nên nói thế này, bởi có rất nhiều người đang phải chịu đựng khổ sở vì tuyết", Shiga ngập ngừng, "nhưng tuyết đúng là gia tài của chúng tôi".

Theo T. Huyền

Vnexpress/IHT