DNews

Những yếu tố có thể tác động đến cuộc tái đấu Biden - Trump

An Hoàng

(Dân trí) - Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024 gần như chắc chắn sẽ là màn tái đấu giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Những yếu tố có thể tác động đến cuộc tái đấu Biden - Trump

Với những chiến thắng liên tiếp trong ngày bầu cử "Siêu thứ ba" hồi đầu tháng 3, ông Biden và ông Trump đã nắm chắc tư cách ứng viên đại diện đảng Dân chủ và Cộng hòa ra tranh cử tổng thống vào tháng 11 tới.

Đó sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, một tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống cạnh tranh trên đường đua vào Nhà Trắng. Màn tái đấu này được cho là sẽ khó đoán hơn so với cách đây 4 năm.

Nếu năm 2020, ông Biden giành được nhiều ưu thế hơn so với ông Trump xuyên suốt chiến dịch tranh cử, lần này, cuộc đua sít sao hơn.

Ưu thế của mỗi ứng viên

Không thể phủ nhận việc mỗi ứng viên đều có ưu thế riêng của mình trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Ông Biden có lợi thế lớn về tài chính so với ông Trump. Số liệu công bố cho thấy, vào cuối tháng 2, ông Biden có sẵn 71 triệu USD trong tài khoản tranh cử, cao gấp đôi so với 33,5 triệu USD của ông Trump.

Cuối tháng trước, cựu Tổng thống Barack Obama và Bill Clinton đã tham gia buổi gây quỹ của Tổng thống Biden tại New York. Hai cựu Tổng thống Barack Obama và Bill Clinton, cũng như một số nghệ sĩ nổi tiếng, đã giúp Tổng thống Biden thu về kỷ lục hơn 26 triệu USD cho chiến dịch tái tranh cử của ông.

Sự ủng hộ của 2 cựu tổng thống không những có thể giúp ông Biden gây quỹ mà còn phần nào thu hút thêm các thành phần cử tri.

Những yếu tố có thể tác động đến cuộc tái đấu Biden - Trump - 1

Tổng thống đương nhiệm Joe Biden (giữa) trong một sự kiện vận động tranh cử có sự góp mặt của cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama hồi cuối tháng 3 (Ảnh: New York Times).

Theo khảo sát của Bloomberg News/Morning Consult, cuối tháng 3, Tổng thống Biden bất ngờ vượt lên dẫn trước ông Trump ở 6 trong số 7 bang chiến trường quan trọng, trong đó có Wiconsin. Ông Biden cũng thu hẹp khoảng cách so với ông Trump tại các bang Nevada, Arizona và Bắc Carolina.

Điều này một phần đến từ việc tình hình nền kinh tế được cải thiện. Theo Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia Mỹ, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng 2,2% trong năm nay sau khi điều chỉnh lạm phát. Con số này tăng so với mức 1,3% được dự đoán trong cuộc khảo sát vào tháng 11 năm ngoái.

Những yếu tố có thể tác động đến cuộc tái đấu Biden - Trump - 2

Đánh giá của cử tri Mỹ về tình hình kinh tế theo khảo sát của New York Times (Đồ họa: New York Times).

Với ông Trump, những dấu ấn kinh tế, chính sách đối ngoại nhiệm kỳ trước cũng như cơ cấu cử tri ủng hộ đa dạng là những lợi thế mà ông có được trong lần tái tranh cử này.

Nhiều cuộc thăm dò đang cho thấy cử tri Mỹ có cái nhìn thiện cảm hơn về nền kinh tế dưới thời cựu Tổng thống Trump so với nền kinh tế dưới thời Tổng thống Biden.

Trên thực tế, tỷ lệ lạm phát dưới thời ông Trump chỉ ở mức 1-2%, còn dưới thời ông Biden con số này đã lên tới 8% vào năm 2022 và hiện vẫn vượt quá mức 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đề ra.

Cuộc thăm dò từ CBS News/YouGov cho thấy, gần 50% cử tri cho biết "tình hình tài chính" của họ trong vài năm qua đã trở nên tồi tệ hơn, trong khi đó chỉ 23% cho rằng tình hình kinh tế đã được cải thiện. Chỉ 39% nói rằng nền kinh tế quốc gia hiện nay là tốt và 65% nói rằng kinh tế tốt dưới thời chính quyền ông Trump.

Ngoài việc nhận được những ủng hộ từ cử tri trung thành, ông Trump ngày càng nhận được sự ủng hộ nhiều hơn từ các thành phần cử tri ôn hòa và một phần các cử tri trung thành từ đảng Dân chủ.

Các cuộc thăm dò đầu năm nay cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của cử tri gốc Tây Ban Nha dành cho ông Trump vượt của ông Biden 5 điểm. Năm 2020, ông Biden nhận được 65% phiếu bầu của người gốc Tây Ban Nha trong khi 32% ủng hộ ông Trump. Tuy nhiên, hiện nay, ông Biden chỉ nhận được khoảng 34% trong khi ông Trump là 39%.

Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào một ứng cử viên trước giờ không quá coi trọng người gốc Tây Ban Nha, đề xuất các biện pháp chống người nhập cư, bài ngoại và chống phân biệt chủng tộc như ông Trump lại dần trở nên được yêu thích đến vậy?

Nguyên nhân có thể đến từ các ưu tiên về kinh tế và tôn giáo. Khoảng 65% cử tri gốc Tây Ban Nha có cái nhìn tiêu cực về ông Biden do các vấn đề quản lý kinh tế. Trong khi đó, đa số cho rằng tình hình kinh tế của họ thuận lợi hơn dưới thời ông Trump.

Những yếu tố có thể tác động đến cuộc tái đấu Biden - Trump - 3

Đa số cử tri ủng hộ ông Trump nói rằng, điểm sáng về chính sách kinh tế là yếu tố hàng đầu để họ quyết định ủng hộ ông (Ảnh minh họa: New York Times).

Sự ủng hộ ngày càng tăng dành cho cựu Tổng thống Trump trong nhóm cử tri gốc Latinh đang đe dọa liên minh đã mang lại chiến thắng cho đảng Dân chủ trong hơn một thập niên.

Các cuộc thăm dò cho thấy vị thế của ông Trump với các cử tri gốc Latinh đã tăng lên kể sau cuộc bầu cử năm 2020. Một số cuộc khảo sát cho thấy ông giành được sự ủng hộ của hơn 40% số cử tri đó,  mức độ chưa từng thấy đối với một đảng viên Cộng hòa trong hai thập niên.

Vào tháng 10/2023, cuộc thăm dò của New York Times/Siena College cũng chỉ ra, 22% cử tri da màu ở 6 bang chiến trường ủng hộ ông Trump. Tỷ lệ này tăng vọt so với 8% năm 2020, và 6% năm 2016. Đặc biệt, trước đó, chưa từng có ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa nào giành được hơn 12% số phiếu của cử tri da màu trong gần nửa thế kỷ.

Ngoài khía cạnh kinh tế, ông Trump còn nhận được sự ủng hộ bởi quan điểm về nhập cư. Ông Trump coi nhập cư là vấn đề an ninh quốc gia và cam kết triển khai quân đội đến biên giới để chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp.

Với quan điểm "Nước Mỹ trên hết", ông Trump và đảng Cộng hòa không ủng hộ tiếp tục cung cấp các khoản viện trợ lớn cho Ukraine. Ông cũng tuyên bố, Mỹ sẽ không bảo vệ các quốc gia thành viên NATO nào không đáp ứng các mục tiêu chi tiêu quốc phòng của liên minh.

Hiện nay, người dân Mỹ đang ngày càng mệt mỏi với các khoản viện trợ này. Theo thống kê mới nhất của Gallup, 41% cử tri Mỹ tham gia khảo sát nói rằng nước này đang tiêu tốn quá nhiều cho cuộc chiến tại Ukraine.

Vì vậy, trong cuộc bầu cử 2024, cựu Tổng thống Donald Trump có thể tận dụng những quan điểm về chính sách đối ngoại của mình để kêu gọi sự ủng hộ từ các cử tri.

Bất lợi của 2 ứng viên

Trở ngại lớn nhất hiện nay của ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng có lẽ là những rắc rối pháp lý.

Ông bị cáo buộc lưu trữ trái phép các hồ sơ mật của chính phủ, làm giả tài liệu kinh doanh để che giấu khoản thanh toán, và âm mưu lật ngược kết quả bầu cử năm 2020 ở bang Georgia. Ông cũng đối mặt với một bản cáo trạng liên bang riêng biệt cáo buộc ông can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2020 cùng 91 cáo buộc dân sự khác.

Ông Trump đều không nhận tội trong cả 4 trường hợp này. Tuy nhiên, những buổi hầu tòa sẽ là vấn đề lớn cho ông Trump trong việc sắp xếp lịch trình cho chiến dịch tranh cử.

Bên cạnh đó, việc này cũng sẽ ảnh hưởng tới quyết định của các cử tri về việc có bỏ phiếu cho ông vào tháng 11 tới hay không. Một cuộc thăm dò vào tháng 1 của Morning ConsultBloomberg cho thấy 53% cử tri đã đăng ký ở các bang chiến địa sẽ không bỏ phiếu cho cựu Tổng thống Trump nếu ông bị kết án.

Tuy vậy, Geoff Kabaservice, Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề chính trị tại trung tâm Niskanen, một trung tâm nghiên cứu, phân tích tại Washington D.C, cho rằng ông Trump có thể sử dụng những cáo buộc này để chỉ trích đảng Dân chủ "tìm mọi cách ngăn cản ông làm tổng thống một lần nữa".

Những yếu tố có thể tác động đến cuộc tái đấu Biden - Trump - 4

Cử tri dự đoán ông Trump bị buộc tội hình sự có xu hướng giảm từ cuối năm ngoái (Đồ họa: New York Times).

Trên thực tế, các phiên tòa hình sự sẽ không thể ngăn cản ông Trump trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa hoặc khiến ông bị gạch tên khỏi phiếu bầu. Thậm chí, trong trường hợp bị kết án tù, ông vẫn có thể tiếp tục tranh cử vì điều này không vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Tuy nhiên, các phiên tòa sẽ phơi bày "những mặt tiêu cực nhất của ông Trump" đối với bộ phận cử tri quan trọng".

Theo Aziz Huq, giáo sư Đại học Chicago, cho biết những cá nhân vướng vào rắc rối pháp lý "không phải là những ứng cử viên có khả năng giành chiến thắng hoặc nằm trong tầm chiến thắng".

Hơn nữa, những chi phí pháp lý cũng gây khó khăn cho ông Trump trong việc xây dựng nguồn tiền cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Ngày 25/3, ông Trump phải đối mặt với thời hạn đặt tiền đảm bảo, sau khi tòa án yêu cầu ông nộp 454 triệu USD do cáo buộc thổi phồng tài sản để gian lận các khoản vay và giao dịch kinh doanh.

Trong mùa bầu cử sơ bộ, một bộ phận cử tri Cộng hòa nói rằng họ sẽ không hài lòng nếu ông Trump trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng và họ sẽ không bỏ phiếu cho ông trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Giờ đây, khi chắc chắn nhận được đề cử, ông Trump cần giành được sự ủng hộ từ nhóm cử tri ôn hòa đã ủng hộ ông Biden vào năm 2020 nếu muốn đắc cử vào tháng 11 tới.

Bên cạnh đó, ông Trump có thể sẽ phải cố gắng để giành được ủng hộ từ những cử tri đã ủng hộ ứng viên Cộng hòa Nikki Haley, người đã rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một phân tích của Politico về dữ liệu cử tri sơ bộ cho thấy, ông Trump đã gặp khó khăn ở những nơi mà phần lớn người trưởng thành có trình độ đại học, bao gồm cả những vùng ngoại ô quan trọng. Điều đó đã khiến chiến dịch tranh cử của ông thất bại vào năm 2020.

Với ông Biden, thách thức cũng không ít.

Nước Mỹ có lẽ đang trải qua cuộc khủng hoảng nhập cư tồi tệ nhất trong lịch sử dưới thời Tổng thống Biden.

Fox News dẫn một báo cáo hồi cuối tháng 2 cho biết, Mỹ ghi nhận khoảng 7,2 triệu vụ vượt biên bất hợp pháp kể từ khi ông Biden trở thành tổng thống. Một số thống đốc bang đang rất không hài lòng với chính sách nhập cư của chính quyền Tổng thống Biden khi nguồn ngân sách phải chia ra để phục vụ những người mới đến.

Về khía cạnh kinh tế, mặc dù mức độ lạc quan của người Mỹ có dấu hiệu cải thiện, nhưng đánh giá của cử tri đối với thành tựu kinh tế của ông Biden cải thiện đáng kể.

Một khảo sát mới của Trung tâm nghiên cứu Pew, được thực hiện từ ngày 16/1 đến ngày 21/1 với 5.140 người trưởng thành, cho thấy chỉ 33% người Mỹ tán thành hiệu quả công việc của ông, gần như không thay đổi so với tháng trước.

Các chiến lược gia tin rằng lý do chính khác khiến ông Biden không được hưởng lợi nhiều hơn từ nhiều xu hướng kinh tế tích cực trong nhiệm kỳ là vì rất nhiều người Mỹ vẫn còn lo lắng về lạm phát. Mặc dù chi phí không tăng nhanh, nhưng đối với nhiều mặt hàng thiết yếu, như thực phẩm và tiền thuê nhà, giá vẫn cao hơn nhiều so với thời điểm ông nhậm chức.

Về chính sách đối ngoại, niềm tin vào chính quyền Tổng thống Biden cũng bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Chiến sự tại Ukraine tiêu tốn hàng chục tỷ USD viện trợ của Mỹ và các đồng minh nhưng chưa thể có giải pháp cụ thể. Gần 6 trên 10 người Mỹ không tán thành cách xử lý vấn đề của chính quyền Tổng thống Biden.

Cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza gây chia rẽ sâu sắc nội bộ chính trường Mỹ. Gần đây, ông Biden đối mặt với sức ép ngày càng tăng phải ngừng viện trợ cho Israel khi Dải Gaza trên bờ vực một cuộc khủng hoảng nhân đạo.

Một trong những trở ngại khác đối với chiến dịch tái tranh cử của ông Biden là rắc rối pháp lý liên quan đến con trai Hunter Biden. Đây tuy không phải yếu tố mới nhưng sẽ vẫn bất lợi cho chủ nhân Nhà Trắng. Ông Trump sẽ tiếp tục lợi dụng để chỉ trích ông như trong cuộc bầu cử 2020.

Khảo sát của ReutersIpsos chỉ ra vấn đề này không được coi là yếu tố quyết định lá phiếu của phần lớn cử tri nhưng đảng Dân chủ vẫn nên lo lắng về một số nhóm cử tri có khả năng bị bối rối bởi những cáo buộc vô căn cứ nhằm vào ông Biden. Một cuộc thăm dò cho thấy 35% người trưởng thành ở Mỹ tin rằng bản thân tổng thống đã làm điều gì đó bất hợp pháp.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Biden, tìm cách ràng buộc ông với các giao dịch kinh doanh nước ngoài của con trai ông.

Thách thức từ đảng thứ 3

Những yếu tố có thể tác động đến cuộc tái đấu Biden - Trump - 5

Các ứng viên tổng thống của đảng khác vẫn có thể tạo một phần thách thức (Ảnh: AFP).

Nghiên cứu thăm dò chỉ ra rằng, hầu hết người Mỹ dường như mệt mỏi khi nhìn thấy các ứng cử viên tương tự cuộc bầu cử 2020. Nhiều cử tri không nghĩ rằng Tổng thống Biden hay cựu Tổng thống Trump nên tái tranh cử vào năm nay.

Rõ ràng, nếu người Mỹ không còn muốn nhìn thấy các ứng cử viên cũ trên lá phiếu, họ có thể sẵn sàng bỏ phiếu cho bên khác ngoài các đảng lớn.

Lựa chọn ứng cử viên của bên thứ ba cho phép cử tri giải quyết những vấn đề mà các đảng lớn từ chối tập trung vào. Thay vì đưa ra lập trường trung lập phù hợp với cương lĩnh của đảng Cộng hòa hoặc Dân chủ, các ứng cử viên của bên thứ ba được tự do đề xuất những thay đổi thực tế.

Giới quan sát cho rằng, đến nay, không ứng viên nào của đảng thứ 3 có thể đắc cử, nhưng hoàn toàn có thể tác động đến kết quả cuộc bầu cử thông qua sự ủng hộ của mình đối với các ứng viên thuộc 2 đảng lớn hoặc chiếm mất một phần phiếu bầu.

Trong mùa bầu cử này, đối mặt với các hành động của bên thứ ba, đảng dân chủ và đảng Cộng hòa cho tới nay có những phản ứng khác biệt.

Sự lo ngại ngày càng tăng trong đảng Dân chủ, họ coi những người thuộc đảng thứ ba như một mối nguy. Điều này là có căn cứ khi vào năm 2016, ứng cử viên đảng Xanh Jill Stein có thể đã góp phần vào chiến thắng sít sao của ông Trump bằng cách giành được một phần nhỏ phiếu bầu.

Năm nay, mối lo này đã chuyển sang đảng No Labels khi những người ủng hộ ông Biden lo sợ rằng đảng này sẽ giành được phiếu ở các bang chiến trường, nhất là khi ông đang mất dần nhóm cử tri trung thành.

Có lẽ dấu hiệu rõ nhất cho thấy các ứng cử viên của bên thứ ba thực sự có thể tác động tới bầu cử là những nỗ lực của đảng Dân chủ để giữ họ đứng ngoài cuộc đua.

Vào tháng 2, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ đã đệ đơn khiếu nại lên Ủy ban Bầu cử Liên bang, cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Robert F. Kennedy Jr., cháu trai cố tổng thống John F. Kennedy vi phạm luật. Vào tháng 1, họ đã thuê một cố vấn truyền thông để vận động chống lại các bên thứ ba.

Cho đến nay, đảng Cộng hòa ít lên tiếng hơn về mối đe dọa từ bên thứ ba, có lẽ vì họ coi tình hình hiện tại có lợi cho ông Trump.

Động thái của đảng Cộng hòa phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc No Labels có quyết định đưa ra một ứng cử viên nào cho cuộc đua hay không, và có ứng cử viên nào mạnh hay không cũng như liệu ông Kennedy có giành được đề cử của đảng Tự do vào tháng 5 không.

Anh Ngọc - Hải Đăng

Theo Atlantic, Politico, New York Times