1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga tuyên bố không xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân

Thành Đạt

(Dân trí) - Điện Kremlin tuyên bố Nga không xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ cảnh báo về hậu quả của vấn đề này.

Nga tuyên bố không xem xét sử dụng vũ khí hạt nhân - 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov (Ảnh: Reuters).

Khi được hỏi liệu có khả năng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân và vấn đề này có được thảo luận hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/11 cho biết ngay cả việc đặt ra những câu hỏi như vậy cũng không thể chấp nhận được.

"Nếu bạn chú ý, không ai từ phía Nga đang thảo luận về chủ đề này", ông Peskov nói.

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đổ lỗi cho các nước châu Âu thảo luận về vấn đề hạt nhân, "từ đó làm leo thang căng thẳng trong một vấn đề hoàn toàn không thể chấp nhận được và có khả năng gây nguy hiểm".

Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Naryshkin ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/11 và đề cập tới vấn đề vũ khí hạt nhân.

"Ông Burns đã truyền tải thông điệp về hậu quả của việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và nguy cơ leo thang đối với sự ổn định chiến lược", Nhà Trắng thông báo.

Cuộc gặp của Giám đốc CIA Burns với Giám đốc Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga Naryshkin là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của hai quan chức cấp cao Mỹ - Nga kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại nước láng giềng hồi cuối tháng 2.

Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trên chiến trường Ukraine, đặc biệt trong bối cảnh các lực lượng Nga tiếp tục đối mặt với tổn thất quân sự sau các cuộc giao tranh với lực lượng Ukraine.

Nga tuyên bố sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của Nga và vùng lãnh thổ sáp nhập bằng mọi biện pháp có thể, kể cả bằng vũ khí hạt nhân. Phương Tây coi cảnh báo này của Nga là "mối đe dọa hạt nhân". 

Phương Tây nhận định mối đe dọa hạt nhân ở Ukraine tăng lên gần đây, đặc biệt sau khi Nga cho sáp nhập 4 vùng ly khai của Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 6/10 cảnh báo, thế giới đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân lớn nhất kể từ năm 1962. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo bất kỳ hành động nào của Nga nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine đều dẫn đến "hậu quả nghiêm trọng" cho Moscow.

Theo một số quan chức Mỹ, các lãnh đạo quân sự cấp cao của Nga gần đây đã có các cuộc trao đổi để thảo luận về việc sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine khi nào và như thế nào. Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định, "chưa có bằng chứng" cho thấy Nga đã di chuyển vũ khí hạt nhân tới các vị trí hoặc tiến hành các động thái để chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, các tranh cãi hiện tại về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân là do phương Tây muốn gây sức ép lên cộng đồng quốc tế để chống lại Nga, nhưng không thành công. Điện Kremlin cũng khẳng định "vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng dựa trên những cơ sở được nêu rõ trong học thuyết hạt nhân".

Học thuyết hạt nhân hiện tại của Nga cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng của Nga, hoặc nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí thông thường.

Theo Reuters