1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga nói gần 30 nước muốn gia nhập BRICS

Thành Đạt

(Dân trí) - Ngoại trưởng Nga cho biết gần 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập nhóm BRICS.

Nga nói gần 30 nước muốn gia nhập BRICS - 1

Quốc kỳ của 5 nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc họp báo về kết quả ngoại giao của Nga năm 2023 hôm 18/1, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết một trong những bước đi quan trọng nhất nhằm củng cố vị thế toàn cầu của BRICS là quyết định mở rộng nhóm các nền kinh tế mới nổi.

BRICS đã chính thức công bố bổ sung các quốc gia thành viên mới tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng 8 năm ngoái, đánh dấu sự mở rộng đầu tiên kể từ khi Nam Phi gia nhập vào năm 2010. Ngoài các thành viên sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, hiệp hội hiện còn có kế hoạch kết nạp thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Một loạt quốc gia khác đã bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của BRICS, bao gồm Venezuela, Thái Lan, Senegal, Cuba, Kazakhstan, Belarus, Bahrain và Pakistan. Tất cả các nước này đều đã chính thức nộp đơn đăng ký gia nhập.

Các quốc gia khác như Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Nicaragua, Indonesia, Zimbabwe cũng bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, nhưng vẫn chưa nộp đơn xin gia nhập chính thức.

Do mối quan tâm ngày càng tăng của các nước trong việc gia nhập BRICS, ông Lavrov nhấn mạnh nhóm có "một tương lai tươi sáng phía trước". Ông cam kết rằng Nga, quốc gia đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên BRICS vào ngày 1/1, sẽ giúp đảm bảo rằng các thành viên mới "phù hợp một cách cơ bản với công việc chung của nhóm và góp phần củng cố các xu hướng tích cực không chỉ trong BRICS mà còn trên trường quốc tế".

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), BRICS hiện chiếm tới 36% GDP toàn cầu xét về sức mua tương đương, vượt qua nhóm G7 của các nước phương Tây.

Đầu tháng này, truyền thông cũng đưa tin Ả rập Xê út - nền kinh tế lớn nhất khối Ả Rập - đã gia nhập nhóm BRICS. Riyadh sau đó đã bác bỏ thông tin này, nói rõ rằng mặc dù đã nhận được lời mời tham dự BRICS nhưng họ vẫn chưa quyết định chính thức gia nhập tổ chức này.

Năm ngoái, Argentina ban đầu đã chấp nhận lời mời trở thành thành viên chính thức của BRICS, nhưng cuối cùng đã từ chối sau khi tổng thống mới đắc cử, Javier Milei, từ chối tham gia nhóm.

Ông Milei từng nhiều lần lên tiếng phản đối việc gia nhập BRICS. Ông cũng thể hiện quan điểm không mặn mà về mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc và Brazil, thay vào đó, ông ủng hộ xích lại gần Mỹ và Israel về mặt kinh tế.

Trước khi Ả rập Xê út gia nhập, 5 nước BRICS có tổng diện tích hơn 39,7 triệu km2 và tổng dân số 3,21 tỷ người, tương đương hơn 26,6% diện tích đất liền toàn cầu và 41,53% dân số thế giới.

Điểm chung của BRICS là các quốc gia thành viên có dân số đông, diện tích rộng, tiềm lực quân sự lớn. Họ cũng là các nền kinh tế mới nổi có tiềm lực mạnh, khi tổng GDP của các thành viên liên tục tăng trưởng ổn định trong hàng chục năm qua và dự kiến sẽ tăng mạnh trong nhiều năm tới.

Theo RT