1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga dùng bom gì ở chiến trường Ukraine mà cột khói bốc cao tới 1km?

Minh Phượng

(Dân trí) - Vụ nổ của quả bom hạng nặng do máy bay chiến đấu Nga ném xuống mục tiêu Ukraine đã tạo ra một đám mây hình nấm bốc cao tới 1.000m trên bầu trời.

Nga dùng bom gì ở chiến trường Ukraine mà cột khói bốc cao tới 1km? - 1

Máy bay Su-34 và bom hạng nặng 1.500kg (Ảnh minh họa: Bộ Quốc phòng Nga).

Một chuyên gia quân sự Đức đã bất ngờ khi Nga lần đầu dùng bom nhiệt áp ODAB-1500, được trang bị mô-đun (UMPK) tại khu vực Sumy ở Ukraine.

ODAB-1.500 mạnh ra sao?

Vào ngày 16/3, quân đội Nga đã dùng bom nhiệt áp dẫn đường ODAB-1500 nặng 1,5 tấn để tấn công vị trí của Tiểu đoàn Kraken của Ukraine ở thị trấn Velyka Pysarivka thuộc tỉnh Sumy. Vụ nổ tạo ra một đám mây hình nấm bốc cao tới 1.000m trên bầu trời.

Việc không quân chiến thuật Nga dùng vũ khí cực mạnh này đã khiến các nhà quan sát phương Tây tỏ ra lo lắng và khó chịu.

ODAB-1500 cũng giống các loại bom có điều khiển khác, bao gồm hai bộ phận độc lập đó là bom nhiệt áp và mô-đun dẫn đường cánh lượn đa năng (UMPK).

Bản thân ODAB-1500 là một "thùng" chứa vật liệu nổ tổng hợp, được trang bị một hoặc nhiều ngòi nổ. Về nguyên tắc, chỉ cần ném vào mục tiêu là có thể đạt được mục đích.

Theo cách thả rơi tự do truyền thống, các yếu tố như tốc độ và độ cao của máy bay, vận tốc gió trên không và mặt đất khu vực oanh kích phải được tính toán kỹ.

Nếu tốc độ và độ cao của máy bay càng lớn, thì bom có thể bay được càng xa, tuy nhiên độ chính xác sẽ giảm mạnh.

Để nâng cao tầm bay và độ chính xác, bom mới được trang bị mô-đun UMPK, biến nó thành vũ khí có điều khiển chính xác.

Mô-đun UMPK bao gồm cánh lượn để giúp chúng có thể bay xa (khi chưa rời máy bay, cánh được xếp gọn), hệ thống dẫn đường quán tính (INS), hệ thống thu tín hiệu vệ tinh để hiệu chỉnh sai số cho INS, nguồn điện, bộ xử lý trung tâm, hệ thống điều khiển cánh lái.

UMPK không có động cơ trợ lực đẩy, nhưng nhờ tốc độ và độ cao của máy bay thả theo nguyên lý ném lao và luồng không khí tạo ra với lực nâng cánh lượn, giúp bom có thể bay được xa hơn.

Nói cách khác, tốc độ máy bay là nguồn năng lượng cho quả bom bay theo phương ngang. Đồng thời, nhờ lực nâng do cánh lượn tạo ra, mô-đun UMPK có thể thay đổi quỹ đạo bay trong phạm vi nhất định, cho phép lái đến mục tiêu một cách chính xác.

Trên thực tế, không quân chiến thuật Nga đã sử dụng bom này từ tháng 3/2023. Qua thời gian sửa đổi và nâng cấp theo yêu cầu của chiến trường, đến tháng 7/2023, loại bom lượn được đưa vào oanh kích rộng rãi, quân đội Nga tỏ ra rất hài lòng với độ chính xác.

Khi một quả bom nặng 1.500kg, trang bị mô-đun UMPK, được máy bay tác chiến thả từ độ cao 10.000m, nó có thể lướt đi được quãng đường từ 40 đến 70km và đánh trúng mục tiêu với độ chính xác vài mét.

Nga dùng bom gì ở chiến trường Ukraine mà cột khói bốc cao tới 1km? - 2

Dây chuyền sản xuất bom FAB-3000 tại một nhà máy của Nga (Ảnh: BQP Nga).

Bom nhiệt áp kết hợp với mô-đun UMPK nguy hiểm thế nào?

Đặc điểm chính của ODAB-1500 là sử dụng bom nhiệt áp - khác với loại nổ phá thông thường - nó bao gồm chất nổ mạnh (HE) được bọc trong một thùng chứa có thành mỏng.

Nhiên liệu của bom nhiệt áp chứa đầy chất khí ethylene oxit, sau này khí propylen được sử dụng. Sức công phá của loại vũ khí này được thể hiện qua tên gọi: "nhiệt độ" và "áp suất".

Nhiệt độ rất cao có thể được tạo ra trong khu vực nổ, trong khi áp suất đề cập đến các điều kiện áp suất cao và thấp xen kẽ, có thể ảnh hưởng đến các mục tiêu bị phơi nhiễm.

Khi bom nhiệt áp cách mục tiêu 10m, thiết bị đầu tiên được kích hoạt, phun chất nổ lỏng dưới dạng đám mây khí dung (son khí).

Đám mây sẽ bao phủ hoàn toàn khu vực mục tiêu, xâm nhập vào mọi ngóc ngách được bảo vệ mà vũ khí thông thường không thể tiêu diệt hiệu quả, và đi vào các công sự dưới lòng đất thông qua cửa ra vào, ống thông gió, lỗ châu mai, ống thoát nước...

Sau đó, ngòi chính kích hoạt, đốt cháy đám mây khí dung và tạo ra vụ nổ dữ dội với nhiệt độ cao lên tới 4.000⁰C tại tâm chấn - trong khi đó, nhiệt độ bề mặt của mặt trời chỉ là 5.500⁰C - không có sinh vật sống nào có thể tồn tại trong bán kính vụ nổ.

Nếu nhiệt độ cao không thể giết chết tất cả những người trong khu vực mục tiêu một cách hiệu quả, thì áp suất cực lớn và làn sóng xung kích siêu thanh ngay lập tức sẽ đủ để nghiền nát cơ thể con người, xương của họ sẽ gãy vụn, cơ bắp bị rách và sẽ không có cơ hội sống sót.

Nga dùng bom gì ở chiến trường Ukraine mà cột khói bốc cao tới 1km? - 3

Bom ODAB-1500 treo trên máy bay cường kích Nga (Ảnh: Telegram).

Nga còn dùng vũ khí nhiệt áp nào ở Ukraine?

Không chỉ có bom, pháo nhiệt áp hạng nặng TOS-1A cũng được quân đội Nga sử dụng. Tất nhiên, trọng lượng đạn của nó nhỏ hơn nhiều so với ODAB-1500, nên tầm sát thương bị hạn chế.

Bom nhiệt áp được phát triển từ những năm 1980, nên có thể thấy công nghệ này đã được thử nghiệm và kiểm chứng trong thực chiến. Vậy điều gì đã cho phép một quả bom nhiệt áp cũ thời Liên Xô phát triển thành một loại vũ khí mạnh mẽ và hiệu quả đến mức khiến đối phương phải hoảng sợ?

Đây là sự kết hợp giữa bom kiểu cũ với bộ UMPK mới, có thể đảm bảo độ chính xác khi đánh trúng mục tiêu, đồng thời phát huy được khả năng công phá kinh hoàng của nhiệt áp.

Nói chung, bom nhiệt áp dẫn đường là một trong những loại vũ khí hàng không tốt nhất xét về mặt hiệu quả và chi phí.

Thực tế chiến đấu cho thấy, hiệu quả của một quả bom loại này tương đương với 5 quả bom nhiệt áp rơi tự do. Trong khi bộ UMPK sản xuất hàng loạt với giá thành rất rẻ, chỉ từ 10.000-20.000 USD/bộ.

Đồng thời, mô-đun UMPK giúp tầm bay tăng lên, cho phép máy bay tác chiến tránh bị hệ thống phòng không đối phương bắn hạ.

Lực lượng không quân chiến thuật Nga đã dùng bom nhiệt áp rơi tự do ODAB-500 nhưng không thể giải quyết được tất cả các nhiệm vụ và hiện tại các mục tiêu này đã được ODAB-1500 xử lý triệt để.

Quân đội Nga gần đây cho biết, họ sẽ dùng bom dẫn đường được cải tiến từ FAB-3000. Vì cả hai loại này đều có trọng lượng tương tự nhau, nhưng chưa rõ biến thể ODAB-3000 đã sẵn sàng chưa.

Nếu như ODAB-1500 đã khiến các chuyên gia quân sự Đức lo lắng thì khi Nga dùng ODAB-3000 đáng sợ hơn nữa thì sẽ thế nào.

Ngoài ra, trong kho của quân đội Nga vẫn còn tồn tại những "con quái vật", như ODAB-9000 - "Cha của các loại bom" với sức công phá sẽ còn khủng khiếp đến mức nào.

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine