DMagazine

Nga đã cạn tên lửa vì chiến sự kéo dài tại Ukraine?

(Dân trí) - Nga liên tục sử dụng kho tên lửa uy lực nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine để gây thiệt hại nặng nề cho đối thủ, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể duy trì chiến lược này trong bao lâu.

NGA ĐÃ CẠN TÊN LỬA VÌ CHIẾN SỰ KÉO DÀI TẠI UKRAINE?

Nga liên tục sử dụng kho tên lửa uy lực nhằm vào các mục tiêu quan trọng của Ukraine để gây thiệt hại nặng nề cho đối thủ, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể duy trì chiến lược này trong bao lâu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây cho biết, trong hơn 8 tháng xung đột nổ ra, Nga đã tiến hành hơn 8.000 cuộc không kích, khai hỏa hơn 4.500 tên lửa vào Ukraine.

Nga chưa bình luận về con số mà Kiev công bố, tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều đó cho thấy tiềm lực quân sự của Moscow trước đối thủ, dù phương Tây và Ukraine trong những tháng trước đó nhiều lần nói Nga đã cạn kiệt kho tên lửa chiến lược, chính xác cao.

Mặc dù vậy, trong bối cảnh các lệnh trừng phạt đang tác động tới Nga trên nhiều lĩnh vực, giới chuyên gia cũng cho rằng, hoạt động sản xuất vũ khí, trong đó có tên lửa của Moscow cũng bị ảnh hưởng.

Câu hỏi hiện giờ được giới quan sát đặt ra là, với cường độ không kích như vậy, Nga liệu có thể duy trì được chiến thuật "mưa hỏa lực" với tên lửa trong bao lâu? 

Kho tên lửa uy lực

Nga đã cạn tên lửa vì chiến sự kéo dài tại Ukraine? - 1

Nga sở hữu kho tên lửa uy lực hàng đầu thế giới (Ảnh: AP).

Theo Moscow Times, ngay từ đầu chiến dịch quân sự, Nga tuyên bố mục tiêu là nhằm phi quân sự hóa Ukraine, vì vậy, họ thường sử dụng các tên lửa dẫn đường chính xác cao để đảm bảo đánh trúng mục tiêu theo kế hoạch.

Dòng tên lửa này còn được gọi là đạn thông minh, được thiết kế để tấn công mục tiêu một cách chính xác. Chúng được trang bị thiết bị dò tìm mục tiêu, giúp thay đổi đường bay sau khi được phóng ra để đảm bảo đánh trúng ở khoảng cách xa. Ví dụ, tên lửa Iskander-M có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 500km

Trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, dòng tên lửa Nga thường sử dụng là tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-55 phóng từ máy bay ném bom như Tu-95 Bear và Tu-160 Blackjack. Dòng Kh là một trong những tên lửa uy lực hàng đầu của Nga. Kh-101 có tầm bắn lên tới 5.500 km và có thể di chuyển với tốc độ tối đa là 270m/s. Nó sử dụng hệ thống vệ tinh định vị GLONASS của Nga để điều chỉnh đường bay của tên lửa và được báo cáo là có độ chính xác cao với biên độ sai số từ 5-6m.

Video Nga khai hỏa tên lửa Iskander phá hủy kho đạn và xe tăng Ukraine

Ngoài ra, với tên lửa phóng từ mặt đất, Nga sử dụng dòng tên lửa Tochka-U và phiên bản hiện đại hơn là Iskander-M. Iskander-M dài 7,2m, trọng lượng bay 3,8 tấn, đầu đạn 380kg, có thể bay trên độ cao 50km, tầm bắn từ 50 - 500km. Do Iskander sử dụng động cơ đẩy rocket nhiên liệu rắn, quỹ đạo bay thay đổi linh hoạt nên rất khó phán đoán. Nó có thể mang đầu đạn nhiệt áp, đầu đạn phân mảnh, đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn xuyên đất.

Từ trên biển, Nga đặc biệt tin dùng 3M-14 Kalibr được phóng từ tàu nổi hoặc tàu ngầm. Dòng Kalibr có nhiều phiên bản khác nhau với chức năng khác nhau từ chống tàu nổi, chống tàu ngầm cho tới tấn công mặt đất. Kalibr có thể tấn công chính xác mục tiêu nhờ hệ thống định vị vệ tinh, với tầm bắn 1.600-2.400km. Nó có thể mang đầu đạn nổ tiêu chuẩn 450kg hoặc đầu đạn hạt nhân.

Video Nga phóng tên lửa phá hủy kho vũ khí phương Tây ở Ukraine

Việc sử dụng tên lửa dẫn đường chính xác được Nga lựa chọn vì đây là xu thế của tác chiến hiện đại, do nó hiệu quả đánh trúng mục tiêu và có khả năng giảm thiểu thiệt hại cho khu vực xung quanh mục tiêu, cũng như thường dân.

"Bằng việc sử dụng tên lửa chính xác, bạn có thể điều 2 máy bay để tấn công mục tiêu, trong khi ở Thế chiến II, muốn đánh trúng số mục tiêu tương đương, bạn phải điều số lượng phi cơ lớn gấp nhiều lần", James Lewis, một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Mỹ, nói với Moscow Times.

Chuyên gia Robert Bell, một cựu quan chức NATO cho hay, để đảm bảo an toàn cho các khí tài quân sự chiến lược phóng tên lửa, Nga thường dùng hỏa lực tầm xa. Khi đó, các chiến hạm, bệ phóng, máy bay Nga thường nằm ngoài tầm bao quát của hệ thống phòng không Ukraine. Ví dụ, Nga thường bắn tên lửa Kalibr từ Biển Đen, hoặc Iskander từ trong lãnh thổ Nga.

Nga đang cạn tên lửa?

Hồi giữa tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, Nga có thể đã sử dụng tới 2/3 kho tên lửa tầm xa, chính xác cao trong chiến sự ở Ukraine.

Trong khi đó, AP dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu tên lửa. Ví dụ, hồi tháng 7, giới chức Ukraine tuyên bố, quân đội Nga đã liên tục sử dụng tên lửa phòng không S-300 để tấn công các mục tiêu nằm bên trong lãnh thổ Ukraine. 

Theo một số chuyên gia quân sự phương Tây, việc Nga phải sử dụng cả những tên lửa phòng không S-300 để tấn công các mục tiêu mặt đất có thể cho thấy kho tên lửa hành trình dẫn đường chính xác của quân đội Moscow đang dần cạn kiệt.

Nga đã cạn tên lửa vì chiến sự kéo dài tại Ukraine? - 2

Hệ thống phòng không S-300 của Nga (Ảnh: AP).

Ian Williams, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington (Mỹ), cho rằng việc Nga phải dùng tới tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm để tấn công mục tiêu mặt đất cho thấy nước này có thể đang lâm vào tình trạng thiếu vũ khí. 

Một thực tế cho thấy, trước thời điểm đó, các chuyên gia phương Tây từng dự đoán Nga cạn kiệt tên lửa hành trình vào tháng 5. Tuy nhiên, tới vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Nga đã liên tục thực hiện những vụ tập kích tên lửa hành trình có độ chính xác cao nhằm vào Ukraine.

Lần này, kịch bản tương tự cũng xảy ra khi phương Tây nhiều lần nói Nga sắp hết tên lửa, thậm chí dẫn nguồn tin tình báo nói rằng, Moscow phải mua tên lửa từ Iran. Tuy nhiên, trong suốt vài tuần qua, Nga liên tục nã tên lửa ồ ạt vào các mục tiêu của Ukraine, gần đây nhất là đầu tuần này, với khoảng hơn 50 tên lửa trong một buổi sáng. Điều đó cho thấy, Nga có thể vẫn còn tiềm lực về tên lửa chiến thuật để có thể triển khai tấn công với số lượng lớn. 

Vì vậy, một thực tế rằng các nhận định rằng Nga thiếu tên lửa vẫn chưa có bằng chứng cụ thể mà dường như mang tính chất phỏng đoán nhiều hơn.

Jeff Hawn, chuyên gia về quân sự Viện New Lines ở Mỹ, nhận định việc Nga liên tục tập kích Ukraine bằng tên lửa tầm xa được xem là màn phô diễn sức mạnh, nhằm phát đi thông điệp trong lúc Moscow đang đối mặt với thách thức từ chiến dịch phản công của Ukraine trên toàn tuyến. 

Ông Hawn cho rằng, Nga muốn thể hiện họ vẫn đủ sức phát đi các cuộc tấn công quy mô lớn vào đối thủ. 

Nga đã cạn tên lửa vì chiến sự kéo dài tại Ukraine? - 3

Tiêm kích MiG-31K của Nga mang theo tên lửa dòng Kh (Ảnh: Reuters).

Quân đội Nga hiện chưa công bố họ có bao nhiều tên lửa, đã phóng đi bao nhiêu quả và còn lại bao nhiêu. Vì vậy, hiện không có dữ liệu nào cho thấy tình hình thực tế của kho tên lửa Nga một cách chính xác, theo AP.

Mặt khác, theo ông Williams, việc Nga sử dụng tên lửa S-300 để tấn công có thể có cách giải thích khác. Ví dụ, Nga sở hữu một kho dồi dào tên lửa phòng không loại cũ và họ hiện đang sở hữu nhiều tên lửa đánh chặn tiên tiến hơn. Vì vậy, việc sử dụng tên lửa S-300 có thể là giải pháp để giảm bớt tên lửa cũ tồn kho nhằm tiết kiệm tên lửa tấn công mặt đất uy lực hơn cho các mục tiêu có tính ưu tiên cao.

Hơn nữa, Nga tuyên bố có đủ kho dự trữ tên lửa tầm xa và các nhà máy quốc phòng nước này đang tăng tốc hoạt động để tăng nguồn cung cho tiền tuyến.

Mặc dù vậy, AP nhận định, sau khi mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2, hoạt động sản xuất vũ khí của Nga không bị đình trệ hoàn toàn nhưng có dấu hiệu bị chậm lại do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tám tháng liên tục chiến đấu có thể đã khiến kho vũ khí của cường quốc quân sự hàng đầu thế giới bị ảnh hưởng.

Nga đã cạn tên lửa vì chiến sự kéo dài tại Ukraine? - 4

Xe ô tô bị thiêu rụi sau trận tập kích tên lửa của Nga ở Kiev, Ukraine hôm 10/10 (Ảnh: Reuters).

Một dấu hiệu AP chỉ ra là việc Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/10 đã kêu gọi các quan chức dưới quyền đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo đủ vũ khí và nguồn cung khí tài cho cuộc chiến ở Ukraine, nơi Kiev đang dồn lực phản công trên nhiều mặt trận.

AP nhận định, dấu hiệu cho thấy Nga dường như có thể đang thiếu vũ khí là động thái của ông Putin khi quyết định lập ra một đơn vị chuyên để xử lý vấn đề này mang tên "Hội đồng điều phối đáp ứng nhu cầu của Chiến dịch quân sự đặc biệt". Ông Putin chỉ đạo các thành viên trong ủy ban "dồn hết tâm trí vào công việc" và "giải quyết mọi vấn đề nhanh và hiệu quả hơn", Tass đưa tin.

Trong khi đó, chính quyền Mỹ cũng cho rằng, Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu vũ khí. Nhận định của Mỹ có cơ sở khi các chuyên gia trước đó cho hay, khi mổ xẻ các vũ khí Ukraine tịch thu được của Nga trong chiến sự, họ phát hiện ra 450 linh kiện nước ngoài.

Theo Viện nghiên cứu Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tại London, xuất xứ các linh kiện chủ yếu là Mỹ, ngoài ra còn có các nước khác như Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chuyên gia của RUSI, ông Jack Watling, nhận định nếu phương Tây siết các biện pháp hạn chế xuất khẩu linh kiện quân sự, Nga có thể khó tìm được nguồn cung thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất các khí tài như tên lửa hành trình. 

Về bản chất, Nga - cường quốc quân sự hàng đầu thế giới - có thừa năng lực sản xuất quốc phòng để tăng tốc sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, nếu như nhận định của Mỹ là đúng, rằng một điểm yếu của nền công nghiệp quốc phòng Nga là phụ thuộc vào linh kiện quan trọng từ phương Tây, thì đây thực sự là bài toán khó cho Moscow nếu họ muốn duy trì một cuộc chiến dài hơi tại Ukraine.

Ông Christian Quesnot, cựu cố vấn quân sự của Pháp, tiết lộ, nền công nghiệp quốc phòng Nga có thể sản xuất 100-200 tên lửa mới mỗi năm. Vấn đề là Nga có thép, có thuốc nổ nhưng thiếu nguồn cung chip, vi mạch tinh vi từ phương Tây vì lệnh trừng phạt mà họ chưa thể tìm thấy sản phẩm thay thế ngay lúc này, theo ông Quesnot. 

Tuy nhiên, dù giới chức Mỹ cho rằng Nga đang thiếu vũ khí, nhưng họ cũng thừa nhận chưa phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẽ dừng chiến thuật tập kích tên lửa dồn dập vào Ukraine trong thời gian tới.

Một dấu hiệu khác mà phương Tây tin là Nga có thể đang thiếu tên lửa là việc Moscow thời gian qua bắt đầu giảm bớt lượng tên lửa và tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) tự sát giá rẻ để tập kích. Ukraine và phương Tây cáo buộc, Nga đã nhập hàng nghìn chiếc UAV từ Iran, điều mà cả Moscow và Tehran đều bác bỏ. Giới chuyên gia cho rằng, Nga có thể đang thiếu tên lửa, và vũ khí nói chung sau nhiều tháng chiến sự, nên họ phải trông cậy vào nguồn lực bên ngoài.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, Nga đang có xu hướng chuộng sử dụng UAV tự sát để phá hủy các hệ thống phòng không của Ukraine. Điều này có thể cho thấy kho đạn dược của Moscow dường như đang ở mức thấp.

Chiến thuật tác chiến mới

Nga đã cạn tên lửa vì chiến sự kéo dài tại Ukraine? - 5

Một UAV tự sát của Nga bay trên không phận Kiev hôm 17/10 (Ảnh: AFP).

Theo giới chuyên gia quân sự Nga, việc Moscow tăng sử dụng UAV tự sát là chiến thuật mới của Moscow.

Chuyên gia quân sự Hawn nhận định, chiến dịch tập kích bằng số lượng lớn tên lửa có thể phô diễn uy lực của Nga, nhưng nó là một khoản đầu tư lớn mà Moscow phải bỏ ra.

Vì vậy, ngoài việc tấn công ồ ạt để phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine để gây áp lực cho Kiev ngồi vào bàn đàm phán, Nga dường như đang có tính toán cho một cuộc chiến dài hơi, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả tác chiến.

Theo Forbes, mỗi tên lửa Iskander trị giá 3 triệu USD, trong khi giá của mỗi quả Kalibr là 6,5 triệu USD. Tên lửa Kh-101 có giá là 13 triệu USD và Kh-555 là 7,5 triệu USD. Trong khi đó, một chiếc UAV tự sát chỉ có giá 10-30.000 USD.

Newsweek nhận định, để đảm bảo một cuộc chiến có thể kéo dài, dù Nga có năng lực sản xuất tên lửa, họ không thể lãng phí những vũ khí đắt đỏ này cho chiến thuật "mưa hỏa lực".

Chuyên gia quân sự Alexey Leonkov giải thích, Nga hiện đang sử dụng chiến thuật tập kích quy mô lớn hàng loạt bằng UAV giá rẻ rồi mới phóng tên lửa vào các mục tiêu quan trọng. Các UAV giá rẻ có tác dụng làm rối loạn hệ thống phòng không của đối thủ, khiến Ukraine phải bắn ra các tên lửa đánh chặn đắt tiền trị giá hàng triệu USD. Sau đó, các tên lửa đắt đỏ của Nga sẽ được ưu tiên đánh vào các mục tiêu giá trị cao như sở chỉ huy quân sự, khí tài và cơ sở hạ tầng chủ chốt của đối thủ.

Video UAV Nga phá hủy lựu pháo Mỹ viện trợ Ukraine

Việc Nga phóng lượng lớn tên lửa S-300 cũ trên tiền tuyến cũng được xem là có mục tiêu tương tự, nhằm gây rối loạn cho phòng không Ukraine trước khi tung ra đòn đánh quyết định.  

Chiến thuật này được đánh giá là hiệu quả hơn về khía cạnh tác chiến, lẫn khía cạnh kinh tế, so với việc bắn ồ ạt tên lửa chính xác cao giá vài triệu USD trong một lần tấn công.

Theo AP, dù sử dụng UAV tự sát kém uy lực hơn tên lửa, nhưng Nga vẫn gây ra thiệt hại lớn cho Ukraine. Ukraine tuyên bố bắn rơi 70-80% UAV tự sát của Nga, nhưng hậu quả của 20-30% UAV đánh trúng còn lại cũng rất nghiêm trọng.

Các cuộc tấn công bằng UAV tự sát giá rẻ của Nga đã phá hủy 40% cơ sở hạ tầng năng lượng thiết yếu của Ukraine, trong khi các tên lửa chính xác cao đánh trúng các mục tiêu quan trọng hàng đầu của phía Kiev.

Đức Hoàng

Theo Moscow Times, Newsweek, AP

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine