1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ "vuốt mặt nể mũi" Iran dù ồ ạt không kích Trung Đông

Quốc Đạt

(Dân trí) - Gần một tuần sau khi 3 lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc tập kích UAV tại Jordan, Nhà Trắng mới tung đòn trả đũa nhằm vào các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn.

Mỹ vuốt mặt nể mũi Iran dù ồ ạt không kích Trung Đông - 1

Phần lớn các cuộc tấn công của Mỹ vào các địa điểm ở Syria và Iraq được thực hiện bằng máy bay ném bom B-1B (Ảnh: AFP/Getty).

Giới chuyên gia chính sách đối ngoại tin rằng cách làm của Mỹ trên thực tế cho phép Iran rút nhân sự khỏi các địa điểm có nguy cơ bị tập kích, từ đó làm giảm rủi ro leo thang xung đột hơn nữa giữa Mỹ và Iran.

"Điều này cho phép họ làm suy yếu năng lực tấn công lực lượng Mỹ của các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn, nhưng không làm leo thang căng thẳng", Mick Mulroy, cựu Phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách Trung Đông của Mỹ, nói với BBC. "Dù vậy, nó có thể sẽ không ngăn được các cuộc tấn công trong tương lai".

Lợi ích trên hết là để "tránh cuộc chiến trực tiếp" giữa Mỹ và Iran, ông Mulroy nói.

Tránh đối đầu trực diện với Iran

Mỹ đã tấn công Lực lượng Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) và các nhóm dân quân trực thuộc ở Iraq và Syria tại 7 địa điểm. Theo giới chức quốc phòng Mỹ, máy bay ném bom đã tấn công 85 mục tiêu.

"Với tất cả những ai có thể tìm cách làm hại chúng tôi, hãy biết rõ điều này: Nếu các người làm hại một người Mỹ, chúng tôi sẽ đáp trả", Tổng thống Joe Biden nói.

Washington cáo buộc các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn đứng sau vụ tập kích khiến 3 quân nhân Mỹ thiệt mạng và 41 người bị thương ở Jordan. Trong khi đó, Iran khẳng định không có liên hệ đến cuộc tấn công.

Mỹ vuốt mặt nể mũi Iran dù ồ ạt không kích Trung Đông - 2

Chuyên gia tin rằng Mỹ có thể trì hoãn tấn công trả đũa để tránh xung đột khu vực rộng hơn với Iran (Ảnh: Getty).

Quan chức quốc phòng và an ninh Mỹ cho biết, điều kiện thời tiết đã khiến nước này khó có thể ra đòn trả đũa sớm hơn nên ngày 2/2 là phù hợp nhất.

Dù trong những ngày trước đợt không kích trả đũa, Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đã nhiều lần nói rằng họ không muốn "báo trước" động thái của mình, nhưng các chuyên gia tin rằng trên thực tế họ đã làm vậy để tránh bùng nổ cuộc chiến với Iran.

Hussein Ibish, nghiên cứu viên thuộc Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả-rập, nói rằng việc Mỹ không lập tức tập kích trả đũa dường như là để gửi đi tín hiệu về "điều họ sẽ không làm, đó là tấn công vào bên trong Iran".

Trong khi đó, ông Mulroy nói với BBC rằng có thể Mỹ đã cho phép nhân viên của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran "rời khỏi các cơ sở sắp bị tấn công".

Cái bẫy đối với ông Biden

Các chuyên gia chỉ ra rằng, Mỹ phải cân nhắc giữa việc răn đe một quốc gia như Iran mà không gây ra cuộc xung đột lớn hơn.

Bradley Bowman, Giám đốc cấp cao của Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Washington D.C., cho biết: Việc "báo trước" các cuộc tấn công có thể cho phép Mỹ thực hiện cách phản ứng "không quá cứng rắn nhưng không quá mềm mỏng".

Mỹ vuốt mặt nể mũi Iran dù ồ ạt không kích Trung Đông - 3

Cảnh hoang tàn sau cuộc không kích của Mỹ ở Al-Qa'im, Iraq (Ảnh: Anadolu).

Cách tiếp cận đó "sẽ giáng đòn đau đớn và buộc đối thủ của chúng ta ngừng tấn công, nhưng không đau đến mức họ thấy cần phải leo thang trên diện rộng, từ đó tránh được cuộc chiến tranh khu vực", ông Bowman nói.

Tuy nhiên, đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ đã nhanh chóng lên án cách tiếp cận của ông Biden là quá nhân nhượng.

Sau vụ tập kích của Mỹ, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson của đảng Cộng hòa, nói rằng "việc ra tín hiệu rõ ràng quá mức đã làm suy yếu năng lực của chúng ta trong việc chấm dứt một loạt các cuộc tấn công kéo dài trong vài tháng qua".

Trong khi đó, ông Ibish chỉ ra rằng chính quyền ông Biden có thể đang cố tránh rơi vào những cạm bẫy chính trị có thể xảy ra nếu ông để Mỹ bị kéo vào cuộc xung đột nghiêm trọng hơn.

"Nếu họ tấn công Iran, những gương mặt dẫn đầu đảng Cộng hòa như ông Donald Trump sẽ cáo buộc ông Biden là kẻ hiếu chiến", ông Ibish nói. "Đó là cái bẫy chính trị. Mọi người đều ý thức được việc này nên họ sẽ không rơi vào cái bẫy đó".

Theo BBC