1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ đau đầu tìm cách áp trần giá dầu Nga

Đức Hoàng

(Dân trí) - Truyền thông Mỹ cho rằng, nước này đang đối mặt với thế khó để có thể áp trần giá dầu Nga. Các chuyên gia nhận định, Washington và các đồng minh G7 chưa đủ khả năng để có thể chi phối giá dầu Nga.

Mỹ đau đầu tìm cách áp trần giá dầu Nga - 1

Nga cảnh báo sẽ không bán dầu cho các bên áp giá trần với năng lượng của họ (Ảnh minh họa: Reuters).

Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho hay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho đang phải hoạch định lại kế hoạch áp trần giá đầu Nga sau khi họ nhận ra rằng phương án họ đề xuất trước đó chưa nhận đủ cam kết từ các bên để có thể thực thi hiệu quả.

Nhóm 7 nền công nghiệp lớn hàng đầu thế giới tháng trước đã đồng thuận sẽ áp trần giá dầu thô Nga từ ngày 5/12, trong bối cảnh các chuyên gia lo ngại động thái này có thể làm tê liệt thương mại toàn cầu.

Mục tiêu của G7 là sẽ chỉ mua dầu Nga ở mức giá cố định, với mong muốn có thể khiến Nga sụt giảm doanh thu từ dầu thô để thiếu ngân sách cho cuộc chiến ở Ukraine, nhưng vẫn đảm bảo Moscow có lãi ở mức thấp để vẫn tiếp tục sản xuất dầu.

Sau đó, Nga tuyên bố sẽ ngừng cấp năng lượng cho các bên áp dụng các biện pháp phi thị trường với hàng hóa của họ.

Bloomberg cho biết, trước thách thức hiện tại, Mỹ và EU dường như đang tính đến việc sẽ nới lỏng các chính sách đề xuất về mức giá trần áp lên dầu Nga để đảm bảo kế hoạch không đổ vỡ.

Theo phương án ban đầu, Mỹ và G7 muốn làm giảm đáng kể doanh thu từ dầu thô của Nga bằng cách áp đặt một mức giá nghiêm ngặt mà một "nhóm người mua" từ các quốc gia sẽ tuân theo.

Tuy nhiên, kế hoạch này tới nay chỉ có G7 và Australia đồng ý thực hiện, khiến nó trở nên bất khả thi. Nga vẫn đang giao dịch với 2 nền kinh tế tỷ dân Trung Quốc và Ấn Độ, nên giới quan sát nhận định rằng, phương án áp giá trần như hiện tại là không đủ để tác động tới Nga.

Ngân hàng Thế giới cho hay, kế hoạch dự kiến của G7 sẽ chỉ có thể hiệu quả nếu Mỹ thuyết phục được các quốc gia đang phát triển và các thị trường mới nổi cùng tham gia. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại về viễn cảnh Nga - nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng dầu thế giới - cắt giảm mạnh nguồn cung ra thị trường, diễn biến có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ.

Chính vì vậy, Mỹ và G7 giờ đây đang phải cân nhắc phương án khác để đối phó với dầu Nga, theo Bloomberg. Phương án mới có thể sẽ nới lỏng các chính sách chặt chẽ theo như đề xuất trước đó, ví dụ nâng mức giá trần lên trên mức 40-60 USD mỗi thùng như dự kiến ban đầu.

Nga tuyên bố rằng, giá dầu thô của nước này sẽ phụ thuộc vào cán cân cung - cầu trên thế giới và các biện pháp áp giá đều đi ngược với quy tắc kinh tế thị trường.

Mặt khác, kể cả G7 có áp giá trần lên dầu Nga theo kế hoạch ban đầu, theo Reuters, khoảng 80-90% dầu của Nga dự kiến vẫn sẽ lưu thông bình thường, ngoài giới hạn áp giá của G7.

Thách thức lớn nhất của phương Tây là thuyết phục 2 khách hàng lớn của Nga là Ấn Độ và Trung Quốc. Hai nước này đã mua dầu của Nga với giá giảm mạnh trong những tháng gần đây và đều chưa ủng hộ biện pháp áp trần giá dầu của Moscow

Theo RT, Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine