1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ" giúp Nga phá hủy tiêm kích Ukraine

Đức Hoàng

(Dân trí) - Nga tuyên bố tiêm kích đánh chặn MiG-31 của nước này đã bắn rơi cường kích Su-24 của Ukraine.

Chiến thuật nhìn xuống, bắn hạ giúp Nga phá hủy tiêm kích Ukraine - 1

Một máy bay MiG-31 của Nga (Ảnh: Sputnik).

Bộ Quốc phòng Nga ngày 27/10 thông báo, khi tiêm kích MiG-31 của Moscow làm nhiệm vụ tuần tra trên không ở khu vực chưa được tiết lộ, phi công đã phát hiện ra một mục tiêu trên không.

Sau khi các thông tin cho thấy, mục tiêu này là cường kích Su-24 của Ukraine, MiG-31 Nga đã phóng tên lửa không đối không, bắn rơi máy bay đối thủ.

Đoạn video do Nga đăng tải kèm thông báo cho thấy MiG-31 mang theo 2 quả tên lửa RVV-BD RVV-BD tầm bắn 300km dưới thân và 2 tên lửa RVV-SD tầm bắn tối đa 110 km ở giá treo dưới cánh.

Sau khi MiG-31 cất cánh, máy bay đã di chuyển lên cao và thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Đoạn video không ghi lại cảnh MiG-31 phóng tên lửa, tuy nhiên, theo giới quan sát, nếu đây đúng là chiếc máy bay đã bắn rơi Su-24 thì MiG-31 dường như đã phóng tên lửa RVV-SD.

Tiêm kích MiG-31 Nga tác chiến trong chiến sự ở Ukraine

RVV-BD thường được sử dụng để tấn công các mục tiêu có giá trị cao hoạt động ở tầm cực xa như máy bay tiếp dầu hoặc máy bay chỉ huy và cảnh báo trên không.

Trong khi đó, truyền thông Nga đã đăng tải lời kể của phi công Alexander, chỉ huy trên chiếc MiG-31. Phi công này cho hay, Su-24 của Ukraine đã phát hiện mối đe dọa từ MiG-31 và đã cố gắng tránh xa để không bị tấn công.

Tuy nhiên, phi hành đoàn MiG-31 đã kích hoạt radar và phát hiện ra Su-24 nên quyết định phóng tên lửa tầm xa vào cường kích này. Su-24 sau đó biến mất trên màn hình radar và phía bộ phận điều phối xác nhận cường kích Ukraine đã bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Cơ chế hoạt động của RVV-BD và RVV-SD đều yêu cầu máy bay phóng chúng ra phải dùng radar để khóa mục tiêu trong suốt quá trình tấn công, để các thiết bị dẫn đường trên 2 hỏa lực này đảm bảo đánh trúng được mục tiêu ở khoảng cách rất xa.

Chiến thuật "nhìn xuống, bắn hạ"

Chiến thuật mà phi công Nga sử dụng là "nhìn xuống, bắn hạ" nhờ khả năng tác chiến trên cao của MiG-31. Từ trên cao, radar của MiG-31 có thể bao quát các mục tiêu bay thấp ở khoảng cách xa và lên phương án đánh chặn hiệu quả.

Ngoài ra, một yếu tố để MiG-31 có thể thực hiện chiến thuật này là do các tiêm kích Ukraine trong những tháng qua thường bay ở tầm thấp để tránh bị các radar phòng không mặt đất của Nga dò trúng. Tuy nhiên, nhờ được trang bị radar Zalson, MiG-31 có thể dễ dàng có tầm quét bao quát như "mắt thần" khiến cho chiếc Su-24 bị đưa vào tầm ngắm.

MiG-31 đã gia nhập biên chế Nga từ những năm 1980 và cho tới nay, nó đã trải qua một số lần cải tiến với các biến thể hiện đại hơn. MiG-31BM đã được nâng cấp radar và hệ thống kiểm soát hỏa lực, giúp "chim sắt" Nga tăng cường khả năng phát hiện và truy tìm mục tiêu đối thủ.

Với radar Zaslon M, MiG-31BM có thể cùng lúc truy quét 10 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu khác nhau với khoảng cách phát hiện lên tới 320km. Theo các chuyên gia quân sự, sau khi cải tiến, khả năng chiến đấu của MiG-31BM tăng lên gấp đôi so với thế hệ đầu MiG-31, xứng đáng với tên gọi "sát thủ đánh chặn" trong quân đội Nga.

Một đặc điểm ấn tượng ở dòng MiG-31 chính là khả năng tác chiến trên cao. Năm 2019, Nga từng chiếu cảnh máy bay MiG-31 bay tới độ cao 21.500m, vượt qua giới hạn Armstrong (18.900-19.350m). Các chuyến bay ở độ cao vượt qua giới hạn Armstrong thường gây ra rung lắc rất mạnh ở phần thân máy bay. Vì vậy, chỉ các "chim sắt" được thiết kế đặc biệt mới có thể chịu được độ cao như vậy mà không bị rơi.

Theo Eurasian Times, Topwar
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine