1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Chìa khóa" phía sau sự chuyển đổi mạnh mẽ của quân đội Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Các binh sĩ trong lực lượng quân đội Ukraine đã được huấn luyện chuyển đổi hành một đội quân hiện đại có tư duy năng động hơn, sau nhiều lần tập trận với NATO.

Chìa khóa phía sau sự chuyển đổi mạnh mẽ của quân đội Ukraine - 1

Một binh sĩ Ukraine kiểm tra một xe tăng của Nga bị phá hủy tại Kiev ngày 27/3 (Ảnh: Reuters).

Khi Trung úy Vệ binh Quốc gia Ukraine Andriy Kulish ra trận, anh đã thầm cảm ơn quân đội Canada.

Vào mùa hè năm ngoái, chính quân đội Canada đã giúp huấn luyện Lữ đoàn phản ứng nhanh của trung úy Kulish về tác chiến đô thị, chiến thuật dã chiến và cứu thương chiến trường.

Cuộc tập trận ở miền tây Ukraine là một trong các cuộc tập trận diễn ra trong những năm gần đây với sự tham gia của quân đội Canada, Anh, Romania và Lực lượng Vệ binh Quốc gia California của Mỹ.

Đây chỉ là một phần trong nỗ lực ít được công khai của các quốc gia NATO nhằm nâng cấp quân đội Ukraine, từ lính bộ binh cho đến các quan chức quốc phòng cấp cao. Đó là một lý do khiến lực lượng chiến đấu của Ukraine làm thế giới ngạc nhiên khi chống đỡ hiệu quả trước lực lượng Nga, vốn áp đảo về hỏa lực và khí tài, trong suốt chiến sự bắt đầu từ ngày 24/2.

Thực tế là, từ các chương trình huấn luyện, tập trận thường niên trong hơn 8 năm qua, NATO đã huấn luyện quân đội Ukraine nâng cao năng lực tác chiến theo tiêu chuẩn phương Tây.

Và khi đối đầu với lực lượng Nga, trung úy Kulish khẳng định các đồng đội của anh đều tác chiến hiệu quả theo những gì đã được huấn luyện cùng NATO.

Từ năm 2014, khi giao tranh bùng nổ ở miền Đông, quân đội Ukraine đã trải qua những năm kinh nghiệm thực chiến, vốn giúp họ tiếp thu hiệu quả và nhanh chóng hơn khi huấn luyện cùng NATO. Điều đó được chứng minh qua thực tế là quân đội Ukraine đã cầm chân được lực lượng Nga ở nhiều mặt trận cho đến nay.

Khái niệm chiến đấu hoàn toàn mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đã viện dẫn nguyên nhân do Kiev vượt "lằn ranh đỏ" trong việc có thể trở thành thành viên NATO.

Các đơn vị giao tranh của Ukraine là mũi nhọn của một cơ sở quân sự được xây dựng lại hoàn toàn của nước này.

Từ bỏ việc tập trung vào số lượng binh sĩ và vũ khí, các cố vấn NATO chủ yếu vào khái niệm xây dựng năng lực, nơi các chỉ huy đặt ra các mục tiêu và đảm bảo họ có đủ quân số và vũ khí cần thiết để đạt được mục tiêu đó.

Để thúc đẩy cách tiếp cận này, NATO đã đưa ra ý tưởng về xây dựng đội ngũ các hạ sĩ quan: những người lính có kinh nghiệm được thăng cấp lên cao hơn, đóng vai trò là liên kết quan trọng giữa cấp sĩ quan chỉ huy quân đội hàng đầu và binh sĩ trên chiến trường.

Trong mô hình cũ, sĩ quan cấp trên thường đưa ra mệnh lệnh mà binh sĩ cấp dưới buộc phải thi hành, gần như không có cơ hội để tranh luận hay tìm cách thích ứng.

Nhưng hiện nay, NATO cũng giúp các lãnh đạo quân sự Ukraine áp dụng mô hình "chỉ huy theo nhiệm vụ", trong đó cấp trên thiết lập mục tiêu chiến đấu và trao quyền ra quyết định xuống càng sâu càng tốt trong hệ thống chỉ huy, thậm chí đến từng binh sĩ.

"Điều đó đã tạo ra một sự khác biệt lớn", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Andriy Zagorodnyuk cho biết.

Quân đội Ukraine đã bắt đầu chiến dịch cải tổ từ năm 2008 nhưng được cho là không mấy hiệu quả. Cho đến khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Gruzia, NATO mới dần chuyển hướng quan tâm hơn đến Ukraine. Liên minh quân sự này đã soạn thảo một kế hoạch hành động dài 70 trang với nội dung "lộ trình chiến lược hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương của Ukraine".

Đây được đánh giá là một kế hoạch nhằm giúp Ukraine đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO, trong đó có yêu cầu về một lực lượng quân đội chuyên nghiệp hơn, do dân sự kiểm soát. Nhưng việc chính quân đội phản đối kế hoạch này khiến mọi việc thất bại.

Chỉ đến khi cuộc xung đột kéo dài ở miền đông, Ukraine thay đổi cách nhìn nhận. Tổng thống Petro Poroshenko khi đó đã ra lệnh cải tổ quân đội, động thái khiến NATO có thêm động lực hành động.

Ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch năm 2014 là giúp quân đội Ukraine chống lại lực lượng ly khai ở miền Đông. Các sĩ quan phương Tây bắt đầu huấn luyện lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine theo các chiến thuật tác chiến hiện đại.

Tại Kiev, các quan chức chính phủ đã làm việc với các cố vấn NATO để chuẩn bị những thay đổi sâu sắc hơn.

Các cố vấn NATO nhận thấy các vấn đề ở tất cả các cấp, chẳng hạn như hệ thống y tế quân sự và dân sự song song yêu cầu quốc hội cho phép hợp tác hai bên, theo ông Reeves, một Đại tá quân đội Canada, người đã lãnh đạo chi nhánh đào tạo của nước này từ năm 2017-2018. "Chúng tôi tập trung vào những nhà lãnh đạo có thể sử dụng năng lượng của chúng tôi và nhân rộng nó", cựu Đại tá này nói thêm

Các cố vấn NATO tìm cách né tránh những sĩ quan giữ tư duy cũ, tập trung vào các chỉ huy quân sự sẵn sàng đón nhận mô hình mới, ông cho biết thêm.

Những hoạt động đào tạo chủ yếu diễn ra tại trung tâm huấn luyện quân sự Yavoriv, phía tây Ukraine, cách biên giới Ba Lan khoảng 25 km.

Các cuộc tập trận hàng năm do quân đội Mỹ tổ chức tại Yavoriv mang tên Rapid Trident cũng giúp quân đội Ukraine nâng cao năng lực hơn rất nhiều. Trung úy Kulish cho biết các kỹ năng như xử lý chất nổ hay chiến thuật tác chiến thu được trong các cuộc tập trận kể từ năm 2016 đã hỗ trợ đáng kể cho lữ đoàn phản ứng nhanh của anh đang chiến đấu ở Donbass gần đây.

Tuy nhiên, trước đà tiến công của Nga, các lực lượng Ukraine vẫn chịu những tổn thất đáng kể. Cố vấn Tổng thống Ukraine, Alexey Arestovich, thừa nhận rằng chiến dịch quân sự của Nga đã phá hủy gần như hoàn toàn ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

Theo WSJ