Tâm điểm
Hữu Bình

Xịt sơn lên sân cỏ, chuyện chỉ có ở bóng đá nước ta

Thú thật là tôi đã không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn những hình ảnh người ta đang hì hụi phun sơn lên mặt sân 19/8 (Nha Trang, Khánh Hòa) trước trận Khánh Hòa gặp Sông Lam Nghệ An trong khuôn khổ V.League. Rồi ngờ vực: "Phải chăng là hình… fake"? Nhưng tôi càng bất ngờ khi đọc được trả lời của ông Giám đốc Trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao của Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa, rằng phun sơn để "quay lấy hình ảnh đẹp hơn"…

Không phải chỉ là "chuyện của cái mặt sân"

Mặt sân thi đấu chưa được bằng phẳng (vì điều kiện thời tiết, vì mật độ sử dụng nhiều, hay vì thiếu sự chăm sóc chu đáo), cần bồi đất vào những chỗ lõm rồi lu lại vốn là bình thường.

Nó cũng tựa như hình ảnh không ít sân bóng khác tại nhiều giải đấu tại SEA Games hay AFF Cup (các giải đấu trong khu vực) hoặc ngay ở V.League - giải vô địch quốc gia bóng đá Việt Nam - trong quá khứ. Ngay sân vận động quốc gia Mỹ Đình hồi cuối năm ngoái cũng từng bị báo chí trong khu vực chê tơi tả vì mặt cỏ kém xanh, nhiều chỗ trơ đất, làm tổn hại hình ảnh của bóng đá nói riêng và thể thao nước nhà nói chung.

Nhưng mặt sân có xấu một chút thì cầu thủ vẫn chơi bóng được (dù cũng khó đảm bảo chất lượng xử lý bóng). Chỉ cần các nhà quản lý nhìn nhận rõ nguyên nhân, cố gắng khắc phục, rồi mọi thứ cũng xong. Có điều chắc chắn, không ai lại đi phun sơn lên mặt sân để tạo hình ảnh mặt sân đang… xanh cỏ, để "quay lấy hình ảnh đẹp hơn", nói cách khác chính là để đánh lừa thị giác của khán giả truyền hình!

Xịt sơn lên sân cỏ, chuyện chỉ có ở bóng đá nước ta - 1

Hình ảnh đơn vị quản lý sân 19-8 xịt sơn lên sân cỏ (Ảnh: Phú Khánh).

Tôi không biết có phải thật sự vị giám sát trận đấu đã yêu cầu, như lời ông Giám đốc nọ trần tình hay không (hay chỉ là đổ thừa và trốn tránh trách nhiệm?), nhưng nếu có, thì cả giám sát lẫn nhà quản lý ấy cùng đáng phải nhìn nhận lại về tư duy quản lý, điều hành, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ.

Khoan hãy nói tới nguy cơ sơn có thể gây kích ứng da đối với các cầu thủ, mà chỉ mới nghĩ tới hình ảnh các cầu thủ bị ngã trên sân, rồi da thịt được bôi lên một lớp "đất pha sơn" thôi là đủ nổi da gà. Thử hỏi, những hình ảnh như vậy liệu có đẹp (trong mắt khán giả truyền hình) nổi không?

Trò chuyện với tôi về chuyện này, một chuyên gia bóng đá lâu năm không giấu được sự bực bội: "Đấy là tư duy làm ăn thiếu trung thực, lừa các cầu thủ, khán giả trên sân, và lừa cả hàng triệu người theo dõi trên truyền hình". Rồi ông cũng nhận xét thêm: "Tư duy kiểu… khôn lỏi như vậy không phù hợp với những yêu cầu của thể thao và bóng đá chuyên nghiệp. Mặt sân cần sửa sang, nâng cấp đã đành, nhưng cái cần sửa và nâng cấp hơn chính là tư duy của những người đang làm công tác quản lý thể thao và bóng đá của chúng ta".

Trên thực tế thì bấy lâu vẫn đang tồn tại một sự bất cập: Các CLB bóng đá mang danh nghĩa chuyên nghiệp Việt Nam đã và đang chi rất nhiều cho lương, thưởng, tiền lót tay đối với các cầu thủ, huấn luyện viên.

Nhưng "sân khấu" chính để họ trình diễn thì không (điều rất khác với các CLB chuyên nghiệp thuộc các nền bóng đá phát triển). Hiếm có CLB nào được trực tiếp quản lý và khai thác sân vận động. Bởi gần như tất cả các sân đều thuộc quyền của cơ quan quản lý Nhà nước về TDTT của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cụ thể là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (hay Sở Văn hóa và Thể thao).

Cách thức phối hợp thì mỗi nơi một khác, nhưng nôm na là CLB thuê lại sân, hoặc được giao quyền sử dụng ở các trận đấu, giải đấu kèm theo những điều kiện nào đó. Câu chuyện này từng được giới bóng đá nhắc đến nhiều trong quá khứ, khi ngành TDTT địa phương và CLB bóng đá thiếu "tiếng nói chung", có mâu thuẫn nào đó thì lập tức có thể xảy ra việc đội bóng phải thi đấu trên mặt sân kém chất lượng, thậm chí… phải lấy "sân nhà" ở một địa phương khác.

Mà cũng không chỉ riêng chất lượng mặt sân, nhiều thứ liên quan khác như phòng thay đồ, ghế ngồi của khán giả hay các nhà vệ sinh trong nhiều sân cũng chưa tương xứng (như sân Hàng Đẫy của thủ đô Hà Nội cũng từng bị bêu tên vì nhà vệ sinh bẩn, ghế ngồi vỡ nát, trong khi CLB chủ nhà là Hà Nội FC vô địch V.League). Đây cũng là một thực trạng cho thấy sự thiếu đồng bộ trong cách làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam bấy lâu nay.

Đã đến lúc cần mạnh mẽ thay đổi

Có thể kể ra vô vàn những bằng chứng cho thấy sự thiếu đồng bộ trong cách làm bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Đấy là việc một số CLB quá lệ thuộc vào sự "ngẫu hứng" nhất thời của các ông - bà "bầu", đại diện của các doanh nghiệp tài trợ chính, thiếu những sự ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp và cả kế hoạch hoạt động dài hơi, bền vững. Vậy nên mới từng xảy ra rất nhiều vụ việc đội bóng bỗng dưng bị giải thể, giải đấu bỗng dưng bị… lẻ đội (một điều rất "kỵ" trong các nền bóng đá chuyên nghiệp), người hâm mộ của một số địa phương bỗng dưng không còn CLB bóng đá "nhà" để theo chân hay cổ vũ (sự biến mất của những cái tên tại đấu trường V.League như Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành, Vissai Ninh Bình hay Than Quảng Ninh… là ví dụ).

Xịt sơn lên sân cỏ, chuyện chỉ có ở bóng đá nước ta - 2

Cổ động viên Hải Phòng đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy hồi tháng 8 (Ảnh: Mạnh Quân).

Đấy là câu chuyện Hội cổ động viên của CLB - những người lẽ ra phải làm tất cả những gì có thể để tạo hình ảnh đẹp, cổ vũ cho đội bóng - đốt pháo sáng, bất chấp khuyến cáo của BTC, phản ứng của công luận, để rồi CLB bị phạt.

Mối quan hệ lỏng lẻo, thiếu sự tương hỗ giữa CLB bóng đá với các hội, CLB cổ động viên vốn là "chuyện dài nhiều tập", đã được nhận diện từ lâu, nhiều CLB đã có sự thay đổi ban đầu, nhiều CLB khác thì chưa. Trong bóng đá chuyên nghiệp, cổ động viên trước hết là những "khách hàng" cần được chăm sóc kỹ lưỡng, tư duy ấy chưa thể hiện rõ ở các CLB bóng đá…

Có vô vàn những điều cần được các giới chức bóng đá nước nhà và các cơ quan quản lý thể thao ở các địa phương cần thay đổi, để không bị tụt hậu so với xu thế phát triển chung. Một khi hệ thống bóng đá đỉnh cao đã bước đi trên lộ trình chuyên nghiệp hóa, thì dứt khoát cả nền tảng liên quan cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp và nhất quán.

Nên lắm chứ, sự đề cao tính bền vững trong các mối quan hệ 2 chiều giữa doanh nghiệp với ngành TDTT hay các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Qua đó có những chế tài đủ mạnh, nâng cao trách nhiệm của nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo nên tầm nhìn xa và mối quan hệ lâu dài (thay vì chỉ theo kiểu "đổi tiền lấy đất" hay "đổi tiền lấy cơ chế" nhất thời).

Nên lắm chứ, sự điều chỉnh về cơ chế quản lý sân vận động ở các địa phương có CLB bóng đá chuyên nghiệp đang thi đấu đỉnh cao trên nguyên tắc CLB vận hành, còn ngành TDTT quản lý. Khi CLB được giao sân, kèm theo đó sẽ là trách nhiệm của họ trong việc sử dụng và bảo quản, sửa chữa và nâng cấp.

Việc khai thác công trình linh hoạt hơn cũng sẽ giúp thu hút vốn đầu tư từ xã hội, giúp SVĐ không chỉ "sạch - đẹp - bền" hơn mà còn tránh sự lãng phí công năng (rất nhiều thời gian trong năm sân không sử dụng, dễ xuống cấp và không tạo nên doanh thu). Tất nhiên, để làm được điều này, trước hết cần có sự mạnh dạn đổi mới trong tư duy theo hướng "dám làm, dám chịu trách nhiệm" của các cấp lãnh đạo, quản lý TDTT và bóng đá của các địa phương.

Rất nhiều những thứ cần thay đổi để bóng đá Việt Nam phát triển thực chất hơn, bắt đầu từ chính tư duy lãnh đạo, quản lý của các giới chức hữu trách, chứ không phải là cái danh "chuyên nghiệp" và những câu chuyện tương tự sơn phết bề ngoài, tạo nên hình ảnh giả tạo!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!