Tâm điểm
Bùi Sỹ Lợi

Về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này được cơ quan chủ trì soạn thảo đề ra mục tiêu sửa đổi căn bản, toàn diện nhằm thể chế hóa các nội dung cải cách chính sách tại Nghị quyết số 28 của Trung ương và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Với mục tiêu đó, dự thảo Luật có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung so với Luật hiện hành, bao gồm quy định về bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Cụ thể, dự thảo Luật được nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.

Các chính sách đề xuất bổ sung bao gồm: Giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, không áp dụng với người hưởng BHXH một lần; người lao động khi hết tuổi mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ có thêm sự lựa chọn: Nếu không nhận BHXH một lần thì được nhận trợ cấp hàng tháng; được ngân sách Nhà nước mua bảo hiểm y tế; người lao động được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp.

Về phương án rút bảo hiểm xã hội một lần - 1

Rút BHXH một lần theo quy định hiện hành, người lao động đối mặt với nguy cơ không có lương hưu, BHYT (Ảnh minh họa: D.T)

Về quy định hưởng BHXH một lần, ban soạn thảo đang có hai phương án xin ý kiến. Phương án một, giữ nguyên quy định hiện hành của Luật và Nghị quyết 93 (mức hưởng tính theo số năm đã đóng). Phương án hai, đề xuất người lao động muốn rút BHXH một lần được hưởng tối đa 50% số năm đóng; số còn lại sẽ bảo lưu để người dân hưởng chế độ khi về hưu.

Theo tôi, việc có thêm phương án cho phép rút 50% BHXH một lần là giúp người lao động vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn đảm bảo an sinh khi về hưu. Tôi đồng tình với phương án này, tuy nhiên cần giải thích làm rõ ưu, nhược để người dân đồng thuận.

Có thể nói phương án hai vẫn còn mặt hạn chế như: Rút 50% không đủ để trang trải khó khăn, đồng nghĩa với mong muốn của người lao động chưa đạt được. Tuy nhiên, về mặt bản chất, BHXH nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động khi hết tuổi lao động và có đóng góp vào quỹ hưu trí, để khi về hưu họ có lương hưu đảm bảo cuộc sống.

Trong thời gian qua, tỷ lệ rút BHXH một lần tăng cao do quy định hiện hành cho phép người lao động được quyền rút bất cứ lúc nào và không cần lý do gì. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, hơn 4,25 triệu lao động tham gia BHXH và 4,06 triệu người rút một lần. Trong 4,06 triệu người rút một lần có khoảng 1,2 triệu quay trở lại hệ thống, tiếp tục đóng BHXH; 30.000 người đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH được rút một lần; 20.000 người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đã tự nguyện đóng một lần cho thời gian còn thiếu để hưởng lương hưu.

Như vậy, bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút BHXH một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình 11%.

Thông thường, người lao động thực sự khó khăn mới cần rút BHXH một lần nhưng việc này không có lợi cho người dân về lâu dài, đồng thời gây nguy hại đến hệ thống an sinh xã hội.

Do đó, việc sửa lại quy định này trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là cần thiết nhằm hướng đến sự cân bằng giữa lợi ích Nhà nước và lợi ích người dân.

Quan trọng nhất, việc sửa đổi cần đảm bảo theo Nghị quyết của Trung ương là chăm lo an sinh xã hội cho người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tác giả: TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!