Tâm điểm
Nguyễn Bích Lâm

Vận hội phát triển trong năm mới

Kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều bất ổn khác thường do biến động địa chính trị và địa kinh tế phức tạp nhất trong vài thập kỷ qua. Các biến cố khó lường diễn ra liên tiếp, biến cố này chưa kết thúc, biến cố khác đã xảy ra.

Những chuyển động đó khiến toàn cầu hóa bị đe dọa, cộng thêm quan ngại địa chính trị đã chia rẽ, ngăn cản tự do luân chuyển dòng vốn và thương mại quốc tế.

Trong những cuộc thảo luận về sử dụng nguồn vốn, các công ty đa quốc gia tập trung trao đổi nhiều hơn vấn đề chuyển dịch dòng vốn về nước mình hoặc gần nước mình, các nước thân hữu. Mô hình này mang lại lợi ích cho các quốc gia nhìn từ góc độ giảm thiểu rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng cường an ninh quốc gia.

Vận hội phát triển trong năm mới - 1

TPHCM về đêm (Ảnh: Hoàng Giám).

Trong thế giới phân mảng, các quốc gia không liên kết đóng vai "quốc gia kết nối" giữa các khối, hưởng lợi trực tiếp từ sự chuyển hướng thương mại và đầu tư trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang rạn nứt; cùng với đó các quốc gia kết nối làm giảm bớt tác động tiêu cực của sự phân mảng trong thương mại, do đó giảm bớt tổn thất.

Theo nhiều nghiên cứu, Ấn Độ, Mexico và Việt Nam… nằm trong số những nước đang hưởng lợi từ sự thay đổi mô hình thương mại, và các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn gia tăng đầu tư vào các thị trường này trong thời gian tới. 

Về phía các cường quốc, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược và kinh tế ngày càng gia tăng, Chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển sản xuất, thị trường trong nước; đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip thế hệ mới, xe điện, năng lượng… Có thể nói đây chính là những ngành cốt lõi quyết định sự thịnh vượng của quốc gia và tương lai của kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh nêu trên, thiết nghĩ Việt Nam cần đổi mới tư duy, tận dụng hiệu quả vai trò của nền kinh tế kết nối trong thế giới phân mảng.

Trong năm 2023, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc đã được nâng tầm và làm sâu sắc hơn thông qua chuyến thăm Việt Nam thành công của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Chúng ta cũng đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản, nhấn mạnh các trọng tâm hợp tác là thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ…, những tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế, đặc biệt đối với đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao và xuất khẩu của nước ta.

Vị thế của Việt Nam được nâng tầm, trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - an ninh khu vực. Đây là lợi thế rất lớn và chúng ta cần tận dụng hiệu quả vai trò của nền kinh tế kết nối trong thế giới phân mảng. Nói cách khác, Việt Nam đang đứng trước thời cơ và vận hội mà không phải quốc gia nào cũng có được để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, cất cánh trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao trong vài thập niên tới.

Để biến vận hội thành hiện thực, tạo dựng động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững, củng cố an ninh quốc gia, chúng ta cần khẩn trương hành động với tư duy đột phá, trong mọi hoàn cảnh luôn nuôi dưỡng và thực thi khát vọng vì một Việt Nam hùng cường, đặt lợi ích của đất nước, dân tộc lên trên hết.

Nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lý để phát huy trí tuệ và trọng dụng nhân tài đang trở nên cấp thiết. Các cấp chính quyền cần làm tốt nhiệm vụ "bà đỡ" nhằm nuôi dưỡng và là người đồng hành tin cậy đối với các ngành, lĩnh vực, các tập đoàn kinh tế trọng điểm trong giai đoạn hiện nay.

Chúng ta vui mừng chứng kiến tại Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra thông điệp: "Không một quốc gia, nền kinh tế nào, nếu vẫn giữ tư duy cũ, chỉ dựa vào các động lực tăng trưởng truyền thống, có thể phát triển nhanh và bền vững"; cũng tại Diễn đàn, Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, chuyển đổi, tìm kiếm và kiến tạo các động lực tăng trưởng mới là xu thế khách quan và tất yếu của thế giới ngày nay. 

Với thông điệp và khẳng định của Thủ tướng, với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững" trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, với lợi thế của đất nước có tình hình chính trị và môi trường vĩ mô ổn định, nền kinh tế năng động và thành viên của nhiều hiệp định thương mại đa phương, song phương quan trọng, Việt Nam đang nổi lên là quốc gia có sức hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của nhiều tập đoàn kinh tế, công nghệ hàng đầu thế giới.

Bước vào năm Giáp Thìn, chúng ta cần khẩn trương hành động với tư duy đột phá, nắm bắt thời cơ kiến tạo các động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững, không bỏ lỡ cơ hội rồi lại tụt hậu.

Tác giả: TS Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!