Tâm điểm
Hữu Bình

Tuyển Việt Nam ở Asian Cup: Từ niềm vui đến nỗi buồn!

Sau trận ra quân tại vòng chung kết giải vô địch châu Á (Asian Cup), dù thua Nhật Bản 2-4, đội tuyển Việt Nam đã nhận được nhiều lời khen ngợi, với cả các tuyển thủ cũng như HLV Troussier bởi ông đã trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ.

Sự thật là, chúng ta đã thấy một Đình Bắc chơi bóng đầy tự tin, kỹ thuật, tốc độ tốt như thế nào khi đối đầu những cầu thủ đẳng cấp thế giới. Chúng ta đã vỡ òa với cú đánh đầu ngược xuất thần của Bắc ra sao. Và chúng ta đã phấn chấn biết bao nhiêu khi chứng kiến bàn thắng từ một pha tấn công chớp nhoáng giúp đội nhà dẫn trước đội bóng số một châu Á (nhiều lần dự World Cup) trong hơn 10 phút cuối hiệp 1…

Tất cả dường như thấp thoáng đã cho thấy những thành quả ban đầu sau những ngày rèn giũa đội tuyển của vị HLV mang biệt danh "phù thủy trắng".

VN Indonesia_Getty.jpg

Đội tuyển Việt Nam trở thành đội bóng đầu tiên bị loại khỏi Asian Cup 2023 (Ảnh: Getty).

Sự thật là, trước Asian Cup kỳ này, ban huấn luyện cũng từng mong muốn có trong tay đội hình với nhiều cầu thủ trụ cột đã thành danh, như thủ thành Đặng Văn Lâm, các trung vệ Quế Ngọc Hải, Nguyễn Thành Chung hay Đỗ Duy Mạnh, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức hay tiền đạo Nguyễn Tiến Linh (toàn những vị trí khó thay thế trong đội hình một dưới trướng HLV Park Hang-seo).

Nhưng hết người này tới người khác gặp chấn thương. Ngay cả những trụ cột còn lại như Nguyễn Quang Hải hay Đỗ Mạnh Dũng, dù có dự giải cũng không đảm bảo thể lực và phong độ cao. Với một đội hình gần như "chắp vá" bất đắc dĩ, đá như thế với Nhật Bản đương nhiên là quá ấn tượng rồi.

Nhưng chiều sâu đội hình không đủ cũng là nguyên nhân khiến đội khó làm nên chuyện ngay tức thời. Một Đình Bắc đầy tươi mới vừa mới nhen lên hy vọng ở trận trước đã không thể góp mặt trong trận đấu quan trọng nhất bảng với đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Indonesia (bởi chấn thương). Một Hùng Dũng vừa làm tốt vai trò "nhạc trưởng" ở trận trước cũng vậy, chỉ có thể ngồi trên băng ghế dự bị.

Ở giữa sân, Quang Hải tuy đã trở lại, nhưng có thể thấy rõ tiền vệ tài hoa này đã không thể phát huy được những tố chất từng giúp anh tỏa sáng cùng đội tuyển suốt mấy năm qua bởi chưa tìm lại phong độ cao. Trong khi ấy, Tuấn Anh tỏ rõ sự đuối sức trong một cuộc đua thể lực với các đối thủ vượt trội về sức vóc.

Indonesia bây giờ đã quá khác so với chính họ. Với nửa đội hình là các cầu thủ da trắng, cao to, thể lực và kỹ thuật đều tốt, đến từ những nền bóng đá rất phát triển như Hà Lan, Bỉ hay Anh, Indonesia khiến người ta nhớ lại hình ảnh một Singapore từng "Âu hóa" như thế nào để sớm vươn lên vị trí dẫn đầu ở khu vực trong cả thập kỷ trước đó.

Với chính sách nhập tịch hoặc mời gọi các cầu thủ có gốc gác Indo từ châu Âu trở về khoác áo đội tuyển, Indonesia cũng đồng thời cho thấy quyết tâm kèm theo tham vọng to lớn không chỉ dừng ở khu vực Đông Nam Á mà thôi.

Chứng kiến cách họ gây khó khăn cho Iraq (đội đã thắng cả Nhật Bản 2-1 ở lượt này), tôi đã thấy lo lo. Nhưng phải tới trận đấu đêm qua (19/1), mới thấy sức mạnh từ nguồn "ngoại lực" của Indonesia đã giúp họ "lột xác" rõ ràng đến thế nào - một lối chơi thật sự chủ động, kết hợp sức mạnh thể lực, tố chất kỹ thuật và phong cách "đá rắn" truyền thống với kỷ luật đấu pháp tiến bộ, cộng thêm sức mạnh cơ bắp của những "anh Tây" cao lớn, chơi bóng cực kỳ đĩnh đạc nhờ được đào tạo ở những nền bóng đá phát triển.

Họ rất tự tin dâng cao, tạo sức ép trên toàn sân, đặc biệt là ngay bên phần sân của đội tuyển Việt Nam. Một số cầu thủ của họ, tuy còn khá trẻ nhưng cũng cho thấy độ "già giơ" nhờ được tin dùng ở đội tuyển suốt mấy năm qua. Nói không quá lời, Indonesia bây giờ đang hái "quả ngọt" từ chủ trương trẻ hóa đội tuyển mạnh mẽ, chấp nhận buông bỏ thành tích nhất thời với một thế hệ mới tràn đầy sức trẻ và khát vọng.

Trước một đối thủ như thế, đội tuyển Việt Nam (với nhiều thiệt thòi về nhân sự như đã nói ở trên) đã không thể chơi tốt như những gì người ta kỳ vọng sau trận gặp Nhật Bản. Hàng thủ vẫn còn những lúng túng và sai sót (nếu thủ thành Filip Nguyễn mà không xuất sắc thì đã thua thêm 1-2 trái cũng nên).

Hàng tiền vệ suy giảm hẳn khả năng cầm bóng, giữ nhịp và phát động tấn công. Nhiều thời điểm gần như đứt gãy hẳn tuyến giữa, khiến đội phải chọn giải pháp chuyền bóng dài từ hậu vệ lên cho các tiền đạo (rất khó tạo nên hiệu quả trước hàng thủ "toàn Tây" to cao của Indonesia).

Còn trên hàng tiền đạo, Tuấn Hải bị kèm quá chặt; Văn Tùng thì rõ ràng không bì được với Đình Bắc (càng chưa thể so sánh với Tiến Linh) cả về tốc độ lẫn khả năng xử lý nhanh để gây đột biến… Không chỉ có thế, trong một trận đấu chưa như ý, đội tuyển Việt Nam còn có một số sai lầm cá nhân rất đáng tiếc.

Tiếc chứ, vì giá như Thanh Bình - một hậu vệ tuy còn trẻ, nhưng cũng có vài năm "ăn cơm tuyển" đừng kéo áo cầu thủ đối phương một cách thô thiển đến thế thì sẽ không dẫn tới quả penalty (giúp Indonesia có bàn thắng duy nhất). Thói quen chơi bóng với những động tác thừa, đặc biệt nơi các hậu vệ vốn từng bị chỉ trích rất nhiều từ thời "thầy Park" nay vẫn duy trì sang đến "thời thầy Troussier".

Rồi giá như Thành Long đừng nhận chiếc thẻ đỏ thứ 2, để rồi đội rơi vào thế mất người trong 10 phút cuối cùng; Giá như Văn Thanh được HLV Troussier tung vào sân sớm hơn (thay cho một Xuân Mạnh đã sa sút thể lực). Hay giá như Văn Khang tận dụng được 1 trong 3 cơ hội mà hàng tấn công đã cố gắng tạo nên trong hiệp 2… Vâng, giá như thế thì kết quả trận đấu có thể đã khác rồi.

Thua trận thứ 2 liên tiếp ở vòng bảng, cơ hội đi tiếp của đội tuyển sớm khép lại. Trên một chừng mực nào đó, sau những trận đấu toàn diện, tại một giải đấu lớn như thế này, chắc chắn các tuyển thủ trẻ U.23 có cơ hội được thi đấu như Minh Trọng, Tuấn Tài, Thái Sơn, Văn Tùng, Văn Trường (và cả Đình Bắc ở trận gặp Nhật Bản nữa)… đều sẽ học hỏi rất nhiều và trưởng thành hơn nhanh chóng.

Nhưng cũng rất rõ ràng, để bóng đá Việt Nam có một đội tuyển thực sự đủ mạnh trong cuộc đua đường trường tới World Cup 2026 thì HLV Troussier cùng các cộng sự còn rất nhiều việc phải làm: Từ "bề dày" đội hình với không ít ngôi sao chưa thể góp mặt tới hoàn thiện lối chơi, khả năng phối hợp giữa các tuyến và các vị trí.

Thậm chí ngay cả những yếu tố tưởng chừng rất cơ bản, như những lỗi của Thanh Bình hay Thành Long mắc phải ở trận gặp Indonesia, đều cần được khắc phục triệt để.

Người ta trưởng thành lên sau những thất bại. Chúc đội tuyển thi đấu tốt ở trận cuối cùng (gặp Iraq), và bắt tay vào dọn dẹp những ngổn ngang đã nhìn thấy sau Asian Cup.

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!