Tâm điểm
Bích Diệp

Từ "heo ăn chuối" nghĩ về đại gia làm nông nghiệp

"Heo ăn chuối" là một từ khóa "hot" trên truyền thông và mạng xã hội thời gian gần đây khi Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) ra mắt nhãn hiệu mới về thịt heo sạch.

Là phóng viên theo dõi mảng tài chính doanh nghiệp, thú thật lúc vừa mới nghe đến cách gọi sản phẩm như vậy tôi có phần cảm thấy buồn cười, không rõ rồi doanh nghiệp của bầu Đức sẽ phát triển sản phẩm này ra sao. Xuất thân từ nông thôn, từ bé tôi đã chứng kiến người dân quê dùng thân chuối (chứ chưa nói là quả chuối) làm thức ăn cho lợn, gà. Bởi vậy, có gì mới ở sản phẩm thịt heo bầu Đức mang ra thị trường mà ông coi như một phát kiến sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai đổi vận, thoát khỏi thua lỗ kéo dài?!

Từ heo ăn chuối nghĩ về đại gia làm nông nghiệp - 1

Sản phẩm thịt "heo ăn chuối" của bầu Đức đang gây chú ý (Ảnh minh họa: HAGL).

Câu chuyện ở đây có lẽ không phải là heo ăn chuối, hay tiếp đó là dự án gà đi bộ của bầu Đức, mà là về mô hình sản xuất nông nghiệp khép kín ở quy mô công nghiệp. Từ bao đời nay người dân đã nuôi lợn bằng thân cây chuối trồng sau vườn, nhưng đó là chăn nuôi nhỏ lẻ, không có thương hiệu và dĩ nhiên không thể mơ đến chuyện xuất khẩu. Nhưng nếu làm thành công ở quy mô lớn thì đây thực sự là phát kiến và nỗ lực đáng trân trọng của một doanh nhân, nhất là ở một đất nước nông nghiệp như chúng ta.

Trong báo cáo mới đây, Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect cho biết thịt heo là loại thịt thiết yếu ở Việt Nam, chiếm 66% tổng lượng thịt tiêu thụ. Dù thịt heo là loại protein chính của người Việt nhưng thị trường thịt heo trong nước vẫn duy trì ở mức thấp vì 95% thịt heo tiêu thụ là thịt ấm và không an toàn (heo được nuôi bằng thuốc kháng sinh hoặc tăng trọng; giết mổ quy mô nhỏ, tiêu chuẩn vệ sinh thấp, thịt được vận chuyển mà không có kiểm soát thú y, được bán ở các chợ có nguy cơ truyền nhiễm cao).

Các chuyên gia phân tích nhận định, kiến thức dinh dưỡng và nhận thức về sức khỏe của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao sẽ thúc đẩy nhu cầu về thịt sạch tăng lên. Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp tận dụng và phát triển mạnh mô hình cung ứng thịt 3F (viết tắt của feed - farm - food tức là qui trình sản xuất thực phẩm an toàn phải bắt đầu từ thức ăn chăn nuôi, tới quá trình nuôi ở các trang trại và đến khâu chế biến thực phẩm), giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với thịt sạch có thương hiệu và rõ nguồn gốc.

Sự thành công hay thất bại của "heo ăn chuối" hay "gà đi bộ" của bầu Đức ra sao, tương lai sẽ trả lời, nhưng ở góc độ nào đó đây không phải chuyện của một doanh nghiệp. Nhìn rộng ra, làm sao chúng ta xây dựng được nền nông nghiệp hàng đầu thế giới như kỳ vọng nếu cứ duy trì cung cách làm ăn nhỏ lẻ?

Trong những năm gần đây đã xuất hiện các doanh nhân hàng đầu ở các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, thép, ô tô hay dịch vụ và thương mại bước chân vào nông nghiệp như bà Thái Hương (TH), ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan Group), ông Trần Bá Dương (Thaco), ông Trần Đình Long (Hòa Phát) hay ông Đỗ Quang Hiển (T&T)... Với nguồn lực của mình, các đại gia tham gia làm nông nghiệp có một điểm chung là triển khai thực hiện trên quy mô lớn, áp dụng công nghệ và quản trị hiện đại. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã tạo được thương hiệu, phục vụ nhu cầu thực phẩm sạch của người dân và đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập.

Thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp rất lớn bởi đây là nhu cầu thiết yếu của con người, và khi thu nhập của dân cư được cải thiện thì nhu cầu thực phẩm sạch sẽ tăng tương ứng. Tuy nhiên, làm nông không phải con đường dễ dàng, bằng phẳng, dễ "ăn xổi ở thì" và có thể giàu lên nhanh chóng.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm rời bỏ bất động sản để làm nông của bầu Đức thì thấy rõ, từ vị trí một đại gia với khối tài sản giàu nhất nhì cả nước thì nay, ông phải trầy trật trả nợ và thậm chí có những thời điểm rất khó khăn.

Bầu Đức không bỏ cuộc - bởi sau mỗi doanh nghiệp là biết bao gia đình người lao động - nhưng điều đáng trân trọng là doanh nhân này vẫn rất đam mê làm nông, vẫn say mê với lợn gà, cây trái. Bước chuyển mình trong kinh doanh của bầu Đức, từ nhà đất, bất động sản sang nuôi trồng, sản xuất nông nghiệp có thể là ví dụ đáng chú ý cho bước chuyển hướng của một bộ phận doanh nhân Việt Nam: Đi vào các lĩnh vực sản xuất dựa trên thế mạnh của đất nước và tạo giá trị gia tăng cho xã hội, dù khó khăn, chông gai nhưng xứng đáng.

Việt Nam xuất phát điểm là một quốc gia về nông nghiệp định hướng công nghiệp hóa. Chúng ta có nhiều mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, tuy nhiên đó là xuất thô. Muốn ngành nông nghiệp phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng lớn hơn, cần sự tham gia của những doanh nghiệp có đủ nguồn lực về tài chính, công nghệ, quản trị và thực sự tâm huyết, làm ăn bài bản.

Nông nghiệp là lĩnh vực rủi ro lớn do phải đối mặt với nhiều yếu tố khách quan, phụ thuộc không chỉ thời tiết mà cả sự biến động thất thường của thị trường. Chính vì vậy, sự đầu tư bài bản là chìa khóa để chúng ta dần thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá, được giá mất mùa" của lối kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún truyền thống. Đây là xu hướng rất nên khuyến khích, cần nhận được sự ủng hộ của nhà nước và xã hội, để qua đó không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng được lợi mà còn tăng cao thu nhập cho bà con nông dân, những người trực tiếp gắn bó với đất đai, ruộng đồng, chuồng trại.

Tất nhiên, chúng ta hoan nghênh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nghiêm túc, còn đối với những ai dùng dự án nông nghiệp để làm bình phong cho các hoạt động khác hoặc kinh doanh gian dối thì trước sau sẽ bị thị trường tẩy chay.

Mong rằng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có thêm những sản phẩm nông nghiệp với thương hiệu được biết đến không chỉ ở thị trường trong nước mà trên toàn cầu.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!