Tâm điểm
Hiệu Minh

Từ chuyện TPHCM đề nghị hạn chế mặc vest để tiết kiệm điện

Tin cho hay, TPHCM vừa gửi công văn cho các sở ngành, quận huyện về đẩy mạnh tiết kiệm điện, đảm bảo cung cấp điện an toàn ổn định trên địa bàn thành phố, trong đó có đề nghị hạn chế mặc áo vest, đồ trang trọng khi làm việc, dự họp. Theo tôi, đây là một ý kiến hay, đáng được lưu ý, thay vì nghi ngờ hay chế giễu.

Vì tiết kiệm điện, bảo vệ môi trường mà một quốc gia "trịnh trọng comple - cravat" ngay cả trong metro đông nghịt như Nhật Bản cũng đã nghĩ ra một chiến dịch gọi là "Cool Biz" do Bộ Môi trường khởi xướng từ mùa hè 2005, như một biện pháp để giúp giảm mức tiêu thụ điện bằng cách hạn chế sử dụng điều hòa không khí.

Chiến dịch được thực hiện bằng cách thay đổi tiêu chuẩn nhiệt độ điều hòa văn phòng thành 28⁰C và quy định về trang phục mùa hè thoải mái, thường bắt đầu vào 1/5 và kết thúc vào 31/10. Chiến dịch sau đó đã lan truyền sang khu vực tư nhân ở Nhật Bản được gọi là Cool Japan và sang nhiều nước. Tôi không chắc là nước ta đã có chiến dịch "Cool Vietnam" chưa? Có lẽ là chưa!

Từ chuyện TPHCM đề nghị hạn chế mặc vest để tiết kiệm điện - 1

Nắng nóng khiến đường Nguyễn Cơ Thạch, TP Thủ Đức, xuất hiện ảo ảnh lúc 14h ngày 26/4 (Ảnh: Cao Bách).

Tháng 7 năm 2008, Tổng thư ký Liên hợp quốc (UN) Ban Ki-moon cũng đưa ra sáng kiến "Cool UN" tương tự. Tòa nhà trung tâm được thử tăng nhiệt độ điều hòa không khí từ 22,2⁰C lên 25⁰C và từ 21,1⁰C đến 23,9⁰C trong phòng Đại hội đồng. Nhân viên được khuyến khích dùng trang phục giản dị nhưng lịch sự (smart-casual) trừ phi tiếp khách và dự họp quan trọng.

Tôi làm cho Ngân hàng Thế giới (World Bank) ở Washington DC (Mỹ) hơn chục năm và rất hiểu chiến dịch "Cool Office" này. Thứ 6 hàng tuần được gọi là ngày "casual day", nhân viên được mang quần bò, áo cộc tay, đi giày thể thao, còn sếp giữ thể diện thì dùng đồ lịch sự hơn (smart-casual), nhưng không phải cravat hay vest, trừ phi đi họp. Cách này áp dụng luôn cho cả mùa từ tháng 6 đến tháng 9, và bọn nhân viên công nghệ (IT) chúng tôi cảm giác như được sổ lồng, đi lại thoải mái, người khỏe khoắn, sáng tạo tốt hơn.

Mỗi khi mùa hè đến thường có một email thông báo, mùa hè casual bắt đầu cùng với những hướng dẫn cách đặt nhiệt độ điều hòa (và sau này họ đặt chế độ tổng thể ở trung tâm, không tự thay đổi được), dress code (ăn mặc thế nào), nhân viên cảm thấy đúng là mùa hè đang đến.

Mỗi môi trường đều có cách ăn mặc riêng. Tại công sở như bên ngân hàng có khách "mang tiền đến nộp" thì nhân viên phải ăn mặc lịch sự. Nhưng một nơi như Silicon Valley toàn dân công nghệ, quần áo đẹp không làm nên những phần mềm nổi tiếng, nên quần bò áo phông là trang phục phổ biến.

Nhà tôi có hai cháu đi học thì từ cấp 1, lũ trẻ đã được thoải mái trong ăn mặc. Đứa quần dài, đứa quần short (sooc), áo dài tay, ngắn tay, áo phông, đủ kiểu.

Vào cấp 2, cấp 3 cũng vậy. Ông con cao hơn bố cả chục cm, đi học lớp 10 "đánh" mỗi cái quần thể thao, áo ba lỗ, hở cả nách. Thầy mặc quần bò rách gối trông chả khác trò.

Ở đại học cùng kiểu thoải mái đó. Về khoản ăn mặc bên trời Mỹ thì "trò không ra trò, thầy không ra thầy", thua xa xứ ta thầy cô lúc nào cũng là trịnh trọng và học trò là những "lãnh đạo gương mẫu từ tấm bé", đồng phục từ văn mẫu tới quần áo.

Ở môi trường giáo dục như thế nên có chuyện vui về một thầy Việt sang Mỹ làm giáo sư uy tín, có nhiều bài báo và sách được trích dẫn. Hồi đầu mới nhận việc, giảng dạy được một thời gian thì đám sinh viên có phiếu thăm dò về giáo sư ta. Về chất lượng giảng dạy thì không có vấn đề gì lắm, tính cách hiền, được trò quý, duy có một điểm trò góp ý 100% là thầy ăn mặc quá… sang.

Hóa ra, giáo sư ta lên lớp toàn chơi comple, cravat, giày bóng lộn. Trong khi đó các giáo sư Tây lại quần bò, áo phông, đôi lúc chơi cả quần sooc lên lớp, thoải mái như đi picnic. Sự đối lập này làm cho khoảng cách trò tây thầy ta bị giữ khá xa. Phải mất một thời gian, giáo sư ta mới quen được phong cách thoải mái như Tây. Ông phát hiện ra, từ khi mặc thoải mái, chất lượng giảng dạy tốt hơn, quan hệ thầy trò gần gũi hơn, sau này ông lên Giáo sư và giữ chức trưởng khoa là khá to.

Mùa hè bớt "trịnh trọng" khi không cần thiết là một cách tiết kiệm điện, tắt thiết bị điện khi không dùng, chỉnh điều hòa hợp lý, mỗi thứ một tý, góp gió thành bão, ăn mặc mát mẻ đi chút, mà mỗi người tiết kiệm 1kW/ngày thì hỏi rằng cả triệu cán bộ, công chức cổ cồn xứ ta tiết kiệm được bao nhiêu.

Trong bối cảnh mùa hè được dự báo nóng bất thường trong năm nay, chúng ta nên có chiến dịch "Cool Vietnam" để tiết kiệm điện và ủng hộ bảo vệ môi trường.

Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!