Tâm điểm
TS Nguyễn Ngọc Huy

Trận mưa lịch sử vượt mực chịu đựng của cơ sở hạ tầng

Trong hai ngày 14 và 15/10, Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung đã hứng trận mưa cực lớn và ngập lụt gây ảnh hưởng nặng nề.

Số liệu quan trắc cho hay, lượng mưa từ 19h ngày 13/10 tới 7h sáng ngày 15/10 tại Quảng Trị phổ biến 100-300mm, Thừa Thiên Huế phổ biến 250-550mm, Đà Nẵng phổ biến 550-600mm, Quảng Nam phổ biến 100-400mm…

Trận mưa lịch sử vượt mực chịu đựng của cơ sở hạ tầng - 1

Nước ngập tới nóc ở hầm chui Điện Biên Phủ, Đà Nẵng, lúc 7h ngày 15/10 (Ảnh: Hoài Sơn)

Theo quan điểm của tôi, mưa lũ những ngày qua đã vượt năng lực chịu đựng của cơ sở hạ tầng. Chúng ta khoan vội quy trách nhiệm cho ai vì với trận lụt lịch sử này rất cần thảo luận với nhau bằng các con số khoa học ở các hội nghị chuyên đề và sau đó nên được truyền thông rộng rãi. 

Số liệu mưa thực tế mà tôi có được từ các trạm đo mưa tại Đà Nẵng cho thấy khoảng thời gian mưa có ý nghĩa gây ra trận ngập lụt kinh hoàng này là từ 3 giờ chiều đến 9 giờ tối (6 tiếng) ngày 14/10 với lượng mưa cao nhất ghi nhận ở trạm Suối Đá, Sơn Trà là 637mm/6 giờ.

Năng lực thoát nước ở các đô thị loại I ở Việt Nam nói chung đang ở mức đáp ứng được lượng mưa 70mm/2 giờ, nghĩa là với 6 tiếng có thể đáp ứng được lượng mưa tổng là 210mm. Đó là về mặt lý thuyết. Về mặt thực tế, hạ tầng thoát nước đô thị kém hơn mức đó nhiều do các yếu tố về tắc nghẽn cống rãnh, sự vênh nhau về đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước cũ và mới, yếu tố về triều cường.v.v…

Như vậy, trong trường hợp của Đà Nẵng, để đáp ứng thoát nước được lượng nước mưa liên tục trong 6 tiếng cần hạ tầng thoát nước gấp 3 lần hạ tầng hiện tại. Để có được hệ thống hạ tầng gấp 3 lần hiện tại nghĩa là năng lực thoát nước của hệ thống phải giải quyết được lượng mưa 100mm/giờ. Đó là con số phi thực tế mà không một đô thị nào trên thế giới hướng đến bởi vì rất tốn tiền. 

Với các đô thị của Việt Nam lại càng khó làm vì đòi hỏi nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, thay toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, đào hết đường lên để xây lắp cống mới... 

Khi thiết kế hệ thống thoát nước cho đô thị, các chuyên gia thường dựa vào lịch sử mưa lũ tại địa phương và tần suất mưa với các kịch bản mưa lũ lặp lại một lần trong 20 năm, 50 năm và 100 năm, có nơi dựa vào kịch bản 500 năm xuất hiện một lần. Cái thứ mưa 600mm/6 tiếng liên tục thì nó thuộc tần suất 500 năm mới xuất hiện một lần. Như vậy, tần suất mưa cực đoan này chưa hề có trong kịch bản thoát lũ của Đà Nẵng nói chung và hầu hết các đô thị của Việt Nam nói chung. 

Trận mưa lịch sử vượt mực chịu đựng của cơ sở hạ tầng - 2

Một chiếc xe ô tô ngập quá nắp capo trên đường phố Đà Nẵng, ngày 15/10 (Ảnh: Nam Anh)

Vấn đề ở đây là tần suất mưa cực đoan trong giai đoạn gần đây xuất hiện nhiều hơn. Các hệ thống sông ngòi ở Việt Nam luôn ở mức cao hơn báo động III mỗi khi có lũ và vì vậy đòi hỏi các đô thị phải tính toán đến các kịch bản thoát lũ với tần suất lặp lại cao hơn hiện nay. 

Điều này rất khó làm ở các đô thị cũ ở Việt Nam như tôi đã đề cập ở trên về vấn đề kinh phí rất lớn nếu đầu tư, vượt quá khả năng ngân sách. Chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt bằng cách tăng không gian cho nước bằng hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và hãy dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Bằng cách đó sẽ giảm áp lực cho các hạ tầng thoát nước cho đô thị. 

Ở nông thôn, chúng ta hạn chế bê tông hóa mảnh vườn hoặc mảng sân nhà mình. Các trường học, các công sở không nên bít kín bằng bê tông, vừa nóng vừa không thấm nước. 

Một vấn đề nữa là chúng ta đang xem nhẹ mưa, áp thấp nhiệt đới và lụt so với bão. Khi có tin bão thì truyền thông tới tấp, chuẩn bị rốt ráo, bàn tán xôn xao nhưng khi có mưa lớn với nguy cơ gây lụt và lũ thì lại ít được chú trọng. Việc này không chỉ riêng truyền thông mà cả ở sự chuẩn bị ứng phó của tất cả các bên liên quan. Tôi vẫn luôn nhắc rằng chúng ta đang thờ ơ với mưa, lụt trong khi mưa lụt gây thiệt hại lớn hơn bão nhiều.

Cuối cùng, xin hãy nhớ rằng mềm như nước, uyển chuyển như nước, dịu dàng như nước và cũng dữ dội như nước. Ứng xử hài hòa với nước thì nước có lợi với mình.

Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy có 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu về giảm thiểu rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và sinh kế. Ông từng là nghiên cứu viên (Researcher) tại Đại học Kyoto (Nhật Bản), sau đó làm việc với vai trò là chuyên gia và cố vấn cho nhiều tổ chức quốc tế về các vấn đề môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai. 

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!