Tâm điểm
Nguyễn Cảnh Bình

Trăm sự đổ đầu huấn luyện viên

Trong khuôn khổ "Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng 2024" vừa diễn ra tại Paris, Pháp (30 đến 31/3), tôi có dịp gặp huấn luyện viên Mai Đức Chung, người dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ quốc gia gặt hái nhiều thành công mang tính lịch sử trong những năm qua.

Một cách tự nhiên, chủ đề chính trong cuộc trò chuyện của chúng tôi là về bóng đá Việt Nam. Có lẽ không nhiều cổ động viên còn nhớ rằng vào năm 2017, ông Mai Đức Chung chính là HLV trưởng tạm quyền của đội tuyển bóng đá nam quốc gia (đội tuyển) dự vòng loại World Cup, trước khi chiếc "ghế nóng" này được giao phó cho HLV Park Hang-seo.

Trăm sự đổ đầu huấn luyện viên - 1

HLV Trousier có triết lý mới mẻ với bóng đá Việt Nam nhưng không thành công ở các trận đấu vòng loại World Cup 2026 (Ảnh: Mạnh Quân).

Đội tuyển đã có những năm tháng vận hành khá ổn định và thành công dưới thời thầy Park, và được cho là thất bại khi chuyển sang giai đoạn mới với HLV Troussier. Nhưng có phải thành bại đều do "thuyền trưởng"?

Tôi không nghĩ như vậy.

Tôi đã trao đổi quan điểm của tôi với HLV Mai Đức Chung về bóng đá Việt Nam, và có lẽ cũng nhận được phần nào đó ủng hộ từ "thầy Chung".

Trước hết những người am hiểu bóng đá đều dễ dàng đồng ý với nhau rằng cả ở cấp độ câu lạc bộ cũng như đội tuyển quốc gia, HLV dù quan trọng đến đâu cũng chỉ là một phần của vấn đề. Sự thành bại của José Mourinho - người đã dẫn dắt những câu lạc bộ hàng đầu ở châu Âu, và rất nhiều ví dụ khác chứng minh điều đó.

Ngay cả khi cả thầy và trò đều là những gương mặt xuất sắc trong thế giới bóng đá, như trường hợp của Jürgen Klinsmann với đội tuyển Hàn Quốc tại Asian Cup 2024 vừa qua, cũng không đảm bảo thành công khi Hàn Quốc bị coi là thảm họa ở giải đấu và Jürgen Klinsmann bị sa thải.

Vì vậy, nếu chỉ nhìn vào chiếc ghế HLV thì chúng ta mới chỉ nhìn vào "ngọn", cái "gốc" quan trọng là chất lượng tuyển thủ và chất lượng của nền bóng đá. Chẳng hạn với chất lượng của các tuyển thủ Hàn Quốc (nhiều cầu thủ đang thi đấu ở các giải hàng đầu châu Âu) và chất lượng nền bóng đá nước này hiện nay, người hâm mộ có cơ sở tin tưởng rằng khủng hoảng HLV sẽ sớm được giải quyết và đội tuyển Hàn Quốc vẫn là thế lực đáng nể trọng.

Nói cách khác, sự thành công của đội tuyển bóng đá quốc gia với bất cứ quốc gia nào không phải là kết quả của một yếu tố duy nhất, mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Bên cạnh HLV còn là cầu thủ, tinh thần đội nhóm và đoàn kết, hệ thống đào tạo và phát triển, sự hỗ trợ từ liên đoàn bóng đá và chính phủ, kinh nghiệm quốc tế, sự ủng hộ từ người hâm mộ…

Kết hợp của những yếu tố trên, cùng với sự quản lý chiến lược và tầm nhìn lâu dài, sẽ quyết định sự thành công của một đội tuyển bóng đá quốc gia.

Trong ngắn hạn, chúng ta có thể chọn cách làm tương đối dễ, đó là tìm HLV và nếu may mắn chọn đúng người, đội tuyển sẽ có một ít thành công ở cấp độ khu vực, thường chỉ trong khu vực Đông Nam Á còn ra đến châu lục và thế giới thì hụt hơi.

Về lâu dài, cách làm khó hơn là cải tổ nền bóng đá, từ liên đoàn cho đến cách vận hành giải bóng đá vô địch quốc gia, cách hoạt động của các câu lạc bộ.v.v.. Kinh nghiệm từ giải vô địch quốc gia Nhật Bản (J-League), giải bóng đá chuyên nghiệp Hàn Quốc (K League) hay Ngoại hạng Anh… cho thấy nếu chỉ loay hoay với cách làm ngắn hạn thường không dẫn đến thay đổi đáng kể nào.

Ngày nay chúng ta đã quen với Ngoại hạng Anh là đế chế công nghiệp giải trí hàng đầu thế giới. Nhưng cách đây vài thập niên, ngoại hạng Anh bị xếp sau nhiều giải vô địch quốc gia khác ở châu Âu về mọi mặt, và người Anh thấy rằng nếu không cách mạng giải đấu thì chẳng những các câu lạc bộ của họ thua kém mà chất lượng đội tuyển quốc gia cũng khó cải thiện. Sự ra đời của Premier League được xem như là một phát kiến lớn nhằm đưa bóng đá Anh lên một tầm vóc mới.

Có thể kể ra các yếu tố quyết định sự thành công của Ngoại hạng Anh như chất lượng cầu thủ cao, HLV hàng đầu, cạnh tranh khốc liệt, sự ủng hộ của người hâm mộ, quản lý tài chính và thương mại một cách chuyên nghiệp và khôn ngoan, cơ sở vật chất hiện đại, sự đa dạng văn hóa…

Nhưng tất cả các yếu tố trên mới là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ đã được các chuyên gia đúc kết chính là yếu tố quản lý và tổ chức giải đấu: Sự chuyên nghiệp trong quản lý và tổ chức các trận đấu, cũng như sự minh bạch và công bằng trong các quyết định, đã giúp nâng cao uy tín và sự phát triển bền vững của giải đấu.

Tất nhiên khi nêu ra trường hợp Ngoại hạng Anh, nhiều người sẽ nói rằng tôi so sánh khập khiễng, vì khoảng cách với trình độ phát triển của bóng đá Việt Nam là rất xa. Xin thưa rằng khoảng cách về trình độ cầu thủ, về doanh thu thương mại, về tính toàn cầu là đúng, nhưng các vấn đề khác về cách thức quản lý và tổ chức giải đấu thì dù là nền bóng đá nào cũng có những vấn đề cơ bản như nhau.

Đơn cử các sân vận động ở Anh thường xuyên chật kín người hâm mộ, tạo ra không khí sôi động và đầy cảm hứng cho cầu thủ. Chẳng phải các sân vận động của chúng ta ở Nghệ An, ở Hà Nội, ở TPHCM… trước đây cũng từng sôi động như vậy hay sao. Vì sao sau nhiều năm tổ chức giải chuyên nghiệp, các sân bóng lại vắng khán giả hơn trước? Đây là câu hỏi chúng ta cần nghiêm túc đặt ra.

Tóm lại, tôi cho rằng sự thất bại của chúng ta ở vòng loại World Cup 2026 không thể đổ hết vào ghế HLV. Chỉ bằng cách bắt tay vào một quá trình cải tổ toàn diện nền bóng đá với tầm nhìn dài hạn từ bây giờ, tiếp tục nuôi dưỡng thế hệ cầu thủ trẻ cùng với đó là chuyển hướng vận hành các câu lạc bộ thành những doanh nghiệp thực sự, hiện đại hóa cách thức hoạt động của Liên đoàn, cuối cùng mới đến câu chuyện HLV phù hợp thì mới có thể trông đợi lá cờ Tổ quốc tung bay ở một World Cup gần nhất có thể.

Tác giả: Ông Nguyễn Cảnh Bình là Chủ tịch HĐQT Alpha Books và Omega. Ông cũng là Giám đốc Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, đồng thời là người sáng lập Chương trình Đào tạo Lãnh đạo Trẻ ABG.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!