Tâm điểm
Quan Thế Dân

Thương nhớ Hồ Gươm

Hà Nội là thành phố lạ lùng, người sinh ra ở đây thì yêu thành phố là điều dễ hiểu, người chỉ sống ở đây một thời gian khi xa là nhớ, mà ngay cả người chưa từng đến Hà Nội bao giờ cũng nhớ thương Hà Nội. Sao thế nhỉ, khi mà chúng ta ai cũng thể kể cả ngày không hết những bất cập về cuộc sống đô thị Hà Nội, nào là tắc đường kẹt xe, khói bụi, ô nhiễm, nhà cửa chật chội… Cái gì làm nên sức hấp dẫn đến thế của Hà Nội?

Ai cũng công nhận, sức hấp dẫn lớn nhất của Hà Nội đến từ lịch sử của thành phố. Đô thị này đã hình thành trên những gò đất cao ven sông Hồng từ 2000 năm trước. Rồi cách đây 1013 năm, Lý Thái Tổ đã chọn mảnh đất này làm nơi đóng đô của triều đại độc lập tự chủ đầu tiên của nước nhà. Trải qua cả nghìn năm phát triển bao nhiêu thế hệ người sống trên mảnh đất này đã chung tay xây dựng thành phố ngày càng đẹp lên.

Thương nhớ Hồ Gươm - 1

Thời Pháp thuộc, ở phía đông Hồ Gươm là các cơ quan hành chính đầu não của chính quyền: Tòa Đốc Lý; phủ Thống sứ Bắc Kỳ; bưu điện; ngân hàng... kết hợp với vườn hoa tạo thành tổng thể trọn vẹn theo quy hoạch kiểu Pháp (Ảnh tư liệu)

Bản đồ đầu tiên của mảnh đất này là bản đồ Đông Kinh vẽ thời Hồng Đức do vua Lê Thánh Tông cho đo vẽ, thường gọi là bản đồ Hồng Đức. Trên bản đồ ta thấy tòa thành gồm Hoàng Thành ở giữa và La Thành bao bọc xung quanh, sông Tô Lịch, sông Hồng và nhiều hồ lớn làm hào lũy bảo vệ tự nhiên. Chỉ thế thôi. Không hề thấy bản đồ dân cư.

Trong con mắt của những nhà cai trị xưa kia chỉ thành lũy vua quan ở mới là quan trọng, mới cần vẽ họa đồ lưu giữ, còn nhà dân ở tranh tre nứa lá, nay ở mai dời, không quan trọng. May mà còn những ghi chép để lại, giúp chúng ta những hình dung của Thăng Long Đông Đô thời xưa như thế nào.

Theo miêu tả của những người đến Thăng Long Đông Đô xưa kia, thành thị này gồm hai phần riêng biệt, phần "thành" là thành cao hào sâu chỗ vua ở. Xung quanh rải rác phủ đệ của các quan. Phần "thị" là Kẻ Chợ, bám ven sông Hồng buôn bán sầm uất.

Từ cuối thời Lê địa giới hành chính của Thăng Long đã ổn định gồm hai huyện Thọ Xương, Quảng Đức (sau đổi là Vĩnh Thuận), mỗi huyện chia làm 18 phường, thành nên khu vực thị tứ 36 phố phường, mỗi phường là một làng nghề. Nhà cửa chủ yếu là tranh tre, cất thành dãy, thành từng ô phố. Khoảng sau lưng những dãy nhà là những ao nước tù đọng.

Ngày 1 tháng 10 năm 1888, vua Đồng Khánh ký chỉ dụ cắt toàn bộ huyện Thọ Xương và một phần huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Hà Nội làm nhượng địa cho Pháp để Pháp thành lập thành phố Hà Nội. Người Pháp chọn Hà Nội là thủ đô của Liên bang Đông Dương, cử nhiều kiến trúc sư tài ba tâm huyết quy hoạch và xây dựng nên một Hà Nội là thành phố châu Âu xinh xắn, hài hòa với môi trường và kiến trúc Á đông bản địa. Thành phố Hà Nội xinh đẹp mà cổ kính ấy hầu như còn giữ nguyên cho đến tận những năm 80 của thế kỷ 20.

Có một giai đoạn trong chúng ta tồn tại quan điểm ấu trĩ rằng đình chùa là mê tín dị đoan, cung điện, biệt thự là tàn dư của phong kiến, thực dân … nên nhẹ thì bỏ mặc không giữ gìn, nặng hơn là phá phách. Nay nhận thức lại, coi đó là di sản quý giá, do bàn tay của chính những người thợ Việt tài hoa xây dựng, cần bảo tồn, thì ôi thôi, những di sản này bị mất mát đi khá nhiều.

Cả một khu 36 phố phường tuổi đời hàng trăm năm, vậy mà chỉ từ cuối những năm 1980 đến nay đã không còn giữ lại được bao nhiêu "hồn cốt phố cổ". Vẫn những con đường cũ ấy nhưng nhà cổ đã bị thay bằng những ngôi nhà phố huyện bê tông mái bằng, các khách sạn mini… Để lại bao xót xa cho những người yêu quý di sản xưa.

Số phận Hồ Gươm cũng trải qua bao thăng trầm như Hà Nội xưa. Trong quá khứ Hồ Gươm khá hoang vu, rộng lớn, thông với sông Hồng, thủy quân đi từ ngoài sông Hồng vào hồ để tập trận, từ đó mới có sự tích trả kiếm cho rùa thần. Khi người Pháp quy hoạch thành phố Hà Nội, đã quyết định xây khu phố Tây mới ở phía nam Hồ, Hồ Gươm trở thành trung tâm của thành phố. Từ ngoài đê sông Hồng vào là khu phố cổ, đến Hồ Gươm xanh mát rồi chuyển tiếp đến khu phố Tây ở bên kia Hồ. Xây dựng một thành phố mới mà vẫn bảo tồn nguyên vẹn khu phố cổ, có Hồ Gươm làm một trung tâm chuyển tiếp cảnh quan thật nên thơ.

Đó là một bài học thật đáng giá cho những nhà quy hoạch thời nay, khi nhìn lại những "thành tích xây dựng" vô cùng lộn xộn của Hà Nội từ cuối thế kỷ 20 đến nay.

Ngày nay, nhìn gần thì cảnh quan Hồ Gươm sạch đẹp hơn nhiều. Các con đường được lát đá, bờ hồ được kè bê tông, các tiểu cảnh được chăm chút, luôn có hoa tươi cỏ xanh. Nhưng trong lòng người yêu Hà Nội có nhiều tiếc nuối lắm. Không phải họ là người hoài cổ hoặc là người khó tính, mà thật sự đã xảy ra những mất mát khó bù đắp.

Mất mát đầu tiên là mất đi những cụ rùa trong Hồ. Các cụ rùa từ bao năm nay vẫn thò mũi lên thở trên sóng nước mặt Hồ, ngày đẹp trời vẫn bò lên mặt cỏ tháp Rùa phơi nắng. Các cụ là những di sản sống, làm cho truyền thuyết rùa thần đòi gươm như vẫn hiện hữu. Thế mà chỉ trong mấy chục năm gần đây rùa đã sạch bóng. Tôi vốn là dân phố cổ nên biết có thời Hồ Gươm là nơi nuôi thả cá, rùa bị săn đuổi để lấy thịt, bị cho là vật phá hoại vì ăn cá của công ty thủy sản. Đến khi tỉnh ngộ ra rùa là linh hồn của Hồ Gươm, ra sức yêu chiều chăm sóc cụ rùa cuối cùng thì cụ cũng chỉ còn ở lại ít năm rồi ra đi vĩnh viễn vào năm 2016.

Mất mát thứ hai là những mất mát về di sản kiến trúc. Người Pháp quy hoạch Hồ Gươm là trung tâm của thành phố Hà Nội, xung quanh hồ xây dựng những công trình biểu tượng của một thành phố: Tòa thị chính, bưu điện trung tâm, Phủ thống sứ, nhà hát, ngân hàng, khách sạn, tòa báo, trung tâm thương mại. Tất cả những công trình trên được thiết kế và xây dựng một cách trân trọng, đầy cảm hứng từ tinh hoa văn minh Pháp - Việt.

Thương nhớ Hồ Gươm - 2

Hồ Gươm ngày này (Ảnh: Hữu Nghị)

Tất cả những công trình trên đều hài hòa với cảnh quan thiên nhiên nhiệt đới xung quanh, làm nên ký ức đô thị về Hà Nội. Tiếc thay di sản đó không được đánh giá đúng nên thời gian qua có những mất mát không thể khắc phục. Tòa nhà bưu điện trung tâm bị phá đi thay bằng bưu điện mới cao tầng thô cứng. Tòa thị chính với hàng cột phong cách tân cổ điển bị phá đi xây thay vào tòa nhà ốp đá xẻ, rồi nhà "hàm cá mập"... Gần đây nhất là khối nhà khách sạn cao tầng ngay sát đường ven Hồ, chắn tầm nhìn từ Tháp Rùa sang, khép kín một vòng bê tông quanh Hồ Gươm.

Những công trình xây mới quanh Hồ thực chất không xấu, nếu như được xây ở một nơi khác. Nhưng để đặt công trình đó vào Hồ Gươm thì người ta phải phá đi các công trình kiến trúc đã có từ thời Pháp. Trong khi đó, các công trình mới đặt vào thay thế lại khác về phong cách kiến trúc, nên phá hỏng luôn cảnh quan kiến trúc của Hồ Gươm trước đây.

Các công trình kiến trúc quanh hồ ta quen gọi là kiến trúc kiểu Pháp, được các nhà nghiên cứu nói cụ thể là phong cách Art Nouveau, thuộc trường phái kiến trúc nổi bật cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, duyên dáng, mang hơi thở của cổ điển châu Âu nhưng vẫn tươi mới, có hòa trộn với nét kiến trúc Á Đông. Ta hiện nay còn chiêm ngưỡng những nét tuyệt tác kiến trúc ấy ở Nhà hát lớn, Phủ thống sứ (nay là nhà khách Chính phủ trên phố Ngô Quyền), tòa báo Hà Nội mới và ở một số biệt thự nữa. 

Trên đây tôi chỉ kể ra những day dứt lớn của cá nhân và có lẽ cũng là của những người yêu Hà Nội khi nghĩ về Hồ Gươm, nghĩ về Hà Nội.  Những chuyện đã qua khó còn có cơ hội sửa chữa. Điều đáng mừng là đến nay thì nhận thức về di sản kiến trúc và tinh thần về Hà Nội nói chung và Hồ Gươm nói riêng nhìn chung đã đạt được đồng thuận tương đối cao giữa nhà nghiên cứu, người dân và chính quyền.

Còn những ồn ào gần đây về lộn xộn tuyến phố đi bộ quanh Hồ Gươm thì chỉ là những vấn đề có thể dễ dàng điều chỉnh. Nên chăng không gian quanh Hồ từ Tháp Bút đến Tháp Hòa Phong là khu vực không được tổ chức các hoạt động như triển lãm, hội chợ thương mại, để giữ lại tầm nhìn ra Tháp Rùa cho người đến thăm. Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật đường phố, ăn uống, vệ sinh cần tổ chức theo hướng văn minh phù hợp.

Theo tôi, chúng ta không nên cực đoan cấm đoán tất cả hoạt động kinh doanh, dịch vụ, vì như vậy sẽ làm mất đi cái không khí hội hè của phố đi bộ. Các hoạt động dịch vụ cho tập trung ở khu vực gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, để tiếp nối sang khu phố cổ thì phù hợp hơn.

Mong rằng mỗi người yêu Hà Nội đều chung tay để giữ gìn Hồ Gươm cho tất cả chúng ta.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!