Tâm điểm
Lưu Đình Long

Thanh toán không tiền mặt ở nông thôn

Tôi vừa đi Thái Lan một tuần. Tại đây, tôi được một người bạn ở Thái dẫn đi công việc và tham quan ở một số nơi từ Bangkok đến tỉnh Korat với chiếc ví không quá 3.000 bath (gần 2 triệu đồng). Bạn bảo, với các dịch vụ ở Thái, người dân có thể trả tiền mặt hoặc quét QrCode (mã phản hồi nhanh) để thanh toán qua thẻ.

"Tớ thường để rất ít tiền mặt trong người, chủ yếu chi tiêu các khoản nhỏ, như mua vé xe buýt hoặc vài món ăn vặt với giá trị thấp", bạn kể. Đa số các giao dịch bạn đều thanh toán thông qua chiếc điện thoại thông minh. Người bán hàng ở Thái Lan ngay cả khi đã lớn tuổi cũng biết cách kiểm tra tài khoản, thích nghi với phương thức này.

Ở Việt Nam, tôi cũng dần thấy cách thanh toán qua thẻ, hoặc bằng app ngân hàng, ví tiền điện tử thông qua quét mã QrCode trở nên phổ biến. Nhưng, rất tiếc nó chỉ diễn ra ở một số thành phố lớn. Tôi để ý trước đây một số cửa hàng ở TPHCM trả tiền thừa cho khách bằng… kẹo, nhất là với khoản tiền thối mệnh giá nhỏ, gây bất bình, bởi người nhận có khi không có nhu cầu ăn kẹo. Khi thanh toán qua thẻ phổ biến thì dĩ nhiên khách hàng không còn bận tâm về chuyện này.

Thanh toán không tiền mặt ở nông thôn - 1

Thanh toán thẻ có nhiều lợi ích (Ảnh minh họa: TT)

Dù thanh toán thẻ có nhiều lợi ích, song tâm lý một bộ phận người dân vẫn thích cầm tiền "vật lý" hơn là nhìn con số trên màn hình điện thoại. Ở nhiều vùng nông thôn, người dân vẫn thanh toán bằng tiền mặt gần như 100%. Thanh toán qua thẻ hay app ngân hàng rất đỗi xa lạ.

Lâu nay tôi muốn gửi tiền cho người nhà phải thông qua một người bạn hàng xóm để họ ra cây ATM ở trung tâm huyện (cách đó 5km) rút tiền. Thật bất tiện, nhất là khi gặp việc ma chay cưới hỏi thường xuyên và khoản tiền không quá lớn. Nếu như có thể thanh toán qua thẻ hoặc qua app ngân hàng thì người nhà của tôi sẽ không cần quy trình rút tiền theo cách ấy.

"Đề án phát triển thanh toán không tiền mặt giai đoạn 2021-2025" của Chính phủ đã đi được nửa chặng đường. Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt trong nền kinh tế năm 2022 tăng 85,6% về số lượng giao dịch và 31,4% về giá trị so với năm 2021.

Tuy nhiên, mục tiêu hơn 80% người dân trên 15 tuổi có tài khoản ngân hàng và giá trị thanh toán không tiền mặt gấp 25% GDP có thể sẽ khó đạt, nếu chúng ta không đẩy mạnh việc "phủ sóng" thanh toán qua thẻ, qua app ngân hàng hoặc quét QrCode ở các vùng nông thôn.

Về hạ tầng thì tôi cho rằng không phải rào cản lớn, mà điều quan trọng hơn là hình thành thói quen của người dân.

Chúng ta đều biết thanh toán không tiền mặt là xu thế tất yếu của thế giới hiện đại. Hiện người dân hầu như ai cũng sở hữu điện thoại thông minh, đây chính là một trong những nền tảng quan trọng để phát triển thanh toán không tiền mặt, không những thuận tiện trong mua bán mà còn loại trừ được nỗi lo tiền giả hoặc không có tiền thối lại, cũng không sợ rớt, mất, bị cướp khi cầm tiền.

Thiết nghĩ cần có thêm hướng dẫn cụ thể và nêu cao lợi ích của thanh toán không tiền mặt với người dân, làm sao để bà bán rau ở chợ quê đến nhân viên siêu thị ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM cũng đều hoan hỉ khi dùng thẻ.

Các bạn trẻ thành thạo công nghệ nên chú ý giới thiệu, hướng dẫn cho bố mẹ, ông bà cùng sử dụng công cụ thanh toán qua app, qua thẻ. Điều này là khả thi, bởi phụ huynh vẫn luôn tin con cháu mình hơn. Như má tôi, khi mới mua điện thoại thông minh, tôi phải thuyết phục, hướng dẫn chơi Facebook, dùng Zalo để "gặp" con mỗi ngày bằng cuộc gọi video vậy. Khi thấy tiện, lợi và phù hợp, các cụ sẽ dần thích ứng, làm theo.

Khi người dân sử dụng công nghệ nhiều thì một điều cần lưu ý là bảo mật thông tin, bảo mật các công cụ hỗ trợ thanh toán cũng cần được đề cao hơn, để không xảy ra những phiền toái cho người dùng, nhất là bị mất tiền do hacker, hoặc thiếu hiểu biết.

Và tất nhiên, có những trường hợp vẫn không thể tránh được việc thanh toán bằng tiền mặt và xem nó là hình thức truyền thống tồn tại song song, nhất là khi điện thoại hết pin, trong thẻ đã cạn tiền…

Có thể nói, chủ trương thanh toán không tiền mặt nếu đi vào cuộc sống, không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn, không phải ở người trẻ mà cả người lớn tuổi… chắc chắn mang lại giá trị lớn, tích cực. Đặc biệt, khi thanh toán không tiền mặt thành hình thức chính sẽ giảm thiểu chi phí in tiền, lưu hành, bảo quản; nhà nước qua đó quản lý, giám sát được thu nhập cá nhân, minh bạch đóng thuế; góp phần phòng, chống tham nhũng…

Sự đồng thuận với những cái mới nào cũng cần một thời gian. Những khởi động hôm nay sẽ cho ra những thay đổi trong tương lai, nhất là khi đó là xu hướng của thời đại.

Mong rằng "Đề án phát triển thanh toán không tiền mặt giai đoạn 2021-2025" của Chính phủ nửa đoạn đường còn lại sẽ có những bước phát triển nhảy vọt, không chỉ số lượng mà còn cả chất lượng của đời sống được thực hiện qua những lần quét QrCode để mua một món hàng, ngay cả đó là một bó rau, cân quả.

Tác giả: Ông Lưu Đình Long là nhà báo, cư sĩ, từng làm công tác tòa soạn tại báo Giác Ngộ; tác giả của các đầu sách: Lắng nghe hơi thở, Tâm kinh mình thuyết cho mình, Như mây thong dong, Như gió an lành, Bình an mà sống, Sống tích cực, thương chân thành.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!