Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Tết chung cư

"Khi nào nhà chú về quê?... Nhà em 28 về, mùng 4 lại ra. Thế còn nhà anh?". Đó là những câu hỏi đáp rất quen thuộc, lặp đi lặp lại trong những ngày cuối năm tại khu chung cư, nơi tôi đang ở. Hàng năm, cứ sau ngày hai ba tháng chạp, các gia đình hàng xóm của tôi lại bắt đầu chuẩn bị cho chuyến về quê để đoàn tụ gia đình và đón Tết cổ truyền cùng với người thân.

Do khoảng cách về quê rất gần cho nên tôi có thể đi lại nhiều lần, và thường trở thành một trong những cư dân cuối cùng rời chung cư để về quê đón giao thừa cùng người thân. Vì thế, từ những ngày 29 tháng Chạp cho đến khoảng ngày mồng 3, mồng 4 tháng Giêng, tôi được chứng kiến cả tòa nhà trở nên vắng vẻ khác thường. Nhìn sang những tòa chung cư bên cạnh, tôi cũng thấy tình trạng tương tự, khi chỉ có đèn hành lang trên các tầng vẫn sáng nhưng bên trong các căn hộ thì lại không thấy ánh sáng, chứng tỏ gia chủ có thể đã khóa cửa để về quê hoặc đi đón Tết đâu đó.

Tết chung cư - 1

Căn hộ tại chung cư Park Hill Premium - Times City, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Xuất hiện tại các đô thị ở nước ta trong khoảng hai thập kỷ gần đây, chung cư hiện đại đang ngày càng trở thành mô hình nhà ở phổ biến, đặc biệt với những người trẻ. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, chung cư là nơi cư trú được ưa thích bởi những người không được sinh ra và lớn lên tại địa phương. Chính vì rất nhiều người di cư sinh sống tại các chung cư cho nên cứ mỗi dịp Lễ, Tết thì nhiều cư dân lại tranh thủ về thăm người thân ở quê, khiến cho cả tòa nhà yên tĩnh hẳn.

Cũng vì thế, không gian chung cư là nơi diễn ra nhiều sự biến đổi xã hội, trước hết ảnh hưởng đến những thói quen hành vi cá nhân. Cứ bước ra khỏi căn hộ của mình, mỗi cá nhân sẽ tiếp xúc ngay với các không gian công cộng như: hành lang, cầu thang máy, sân chơi, nhà để xe…Tuy nhiên, không phải ai cũng đã ý thức đầy đủ về không gian công cộng và những quy tắc chung cho nên những va chạm, xích mích, tranh cãi là điều khó tránh khỏi.

Đây cũng là những dấu hiệu dễ thấy nhất về biến đổi xã hội ở cấp độ cá nhân nhưng không phải ai cũng có thể thích ứng được ngay.

Mô hình nhà ở chung cư cũng đặt ra nhu cầu điều chỉnh về cách thức tương tác và quan hệ xã hội. Do đến từ nhiều vùng khác nhau, phần lớn cư dân chung cư không có những mối liên hệ cá nhân cũng như những ràng buộc tình cảm thân thuộc. Mỗi cá nhân lại làm việc trong những lĩnh vực khác nhau, cơ quan khác nhau cho nên các tương tác xã hội rất hạn chế, thường thì nhà nào biết nhà đó. Thực tế này khiến cho các mối quan hệ liên cá nhân tại không gian chung cư khá lỏng lẻo, chủ yếu chỉ xuất hiện theo tình huống và nhu cầu gắn với cá nhân hoặc nhóm cụ thể.

Cách thức quản lý cộng đồng cũng trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi tại các khu chung cư. Mỗi tòa chung cư có thể là nơi cư trú của hàng ngàn, thậm chí nhiều ngàn người, với nhiều vấn đề mang tính tập thể có thể xảy ra hàng ngày. Thế nhưng, các Ban quản lý, Ban quản trị chung cư lại không phải là một cấp chính quyền cơ sở. Việc giải quyết các vấn đề chung tại chung cư được thực hiện theo cơ chế dân chủ trực tiếp, bảo đảm cho mỗi người dân đều có thể có tiếng nói đối với việc giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình, tự quản trị cuộc sống của mình.

Thế nhưng, cũng chính cơ chế dân chủ trực tiếp trong bối cảnh thói quen văn hóa, nhận thức và năng lực cá nhân rất đa dạng, các điều kiện thể chế chưa hoàn thiện… lại cũng có thể tạo ra những tranh cãi, bất đồng. Điển hình cho những thất bại của mô hình quản trị dân chủ tại các chung cư là những tranh luận kéo dài liên quan đến các vấn đề chung, hoặc xung đột triền miên giữa cư dân với các Ban quản lý, Ban quản trị. Tình trạng nêu trên không chỉ có thể ảnh hưởng đến giá trị của căn hộ trên thị trường, mà sâu xa hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của cư dân chung cư.

Trong bối cảnh xã hội đang chuyển đổi nhanh ở nước ta hiện nay, những vấn đề nêu trên có thể xuất hiện tại bất kỳ khu chung cư nào. Tuy nhiên, sự phức tạp xã hội có thể xảy ra nhiều hơn tại những khu chung cư có mức giá trung bình trở xuống, nơi thành phần cư dân đa dạng hơn, nhiều khác biệt hơn so với những cư dân tại các chung cư thuộc phân khúc cao cấp, nơi có sự tương đồng ở mức cao hơn về mức sống, lối sống, cũng như trình độ nhận thức, và ý thức chấp hành các quy tắc chung. Những sự khác biệt xã hội này là vấn đề không thể coi nhẹ với những người đang muốn trở thành cư dân chung cư.

Bất chấp các vấn đề đang tồn tại, chung cư vẫn là mô hình nhà ở điển hình cho xã hội công nghiệp, hiện đại. Tiến trình phát triển kinh tế và gia tăng thương mại sẽ thúc đẩy xu hướng tích tụ dân cư, các quần thể chung cư sẽ dần thay thế mô hình làng, xã truyền thống. Có thể nói, "chung cư hóa nhà ở" là xu hướng không thể đảo ngược tại các trung tâm đô thị và công nghiệp. Thực tế này trước hết đặt ra cho mỗi cá nhân nhu cầu định hình một lối sống mới để có thể nhanh chóng thích ứng với không gian sống mới nếu họ có ý định gia nhập cộng đồng chung cư nào đó.

Then chốt nhất, mỗi người cần ý thức rõ ràng về sự khác biệt và ranh giới giữa lợi ích cá nhân và lợi ích công cộng, không gian riêng tư và không gian chung. Trên cơ sở đó, bất cứ khi nào bước ra khỏi không gian của riêng mình thì mỗi cá nhân phải luôn ý thức tôn trọng nghiêm túc các quy định, được Ban quản trị chung cư cũng như chính quyền địa phương ban hành để bảo vệ các quyền của người khác cũng như lợi ích chung. Việc tuân thủ nghiêm túc các quy định chung là điều kiện then chốt để giảm thiểu nguy cơ rối loạn xã hội, từng bước đưa cuộc sống tại chung cư vào trật tự và ổn định bền vững.

Cận Tết cổ truyền năm nay, khu chung cư nơi tôi đang ở lại tổ chức bữa cơm tất niên, nhằm quy tụ mọi thành viên trong tòa nhà. Và cũng như mọi năm, không phải ai cũng thích tham gia hoặc có thể thu xếp thời gian để tham gia sự kiện tập thể như vậy. Là nhà nghiên cứu, tôi hiểu rằng những sự kiện "ăn uống tập thể" mang đậm tính truyền thống như vậy sẽ khó mà duy trì được lâu trước xu hướng ngày càng "cá nhân hóa về lối sống" của cư dân chung cư.

Nói cách khác, những đặc điểm xã hội của cư dân chung cư đặt ra nhu cầu về cách tiếp cận mới trong việc kiến tạo và duy trì sự gắn kết cộng đồng. Đó là sự gắn kết dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt, kết nối những người khác nhau nhưng cần nhau, chứ không phải gắn kết dựa vào sự chia sẻ những điểm giống nhau về thói quen, cảm xúc, tâm lý, hay niềm tin như trong các cộng đồng xã hội truyền thống.

Lên xe để về quê, tôi ngoái nhìn lại khu nhà tôi đang ở và nhiều tòa chung cư gần đó. Không như các gia đình tại những địa bàn cư trú đã có lịch sử lâu dài, ngày 30 Tết nhưng cộng đồng chung cư không đượm mùi hương thơm, cũng không có được cái không khí râm ran, chộn rộn trong những ngày Tết. Thiếu vắng con người, những tòa chung cư có mức giá khác nhau, ngày thường được quan tâm khác nhau, bỗng trở nên bình đẳng trong hình hài là những khối bê tông vô tri, vô giác.

Chung cư trong những ngày Tết cũng gợi ra vai trò không thể thay thế của những sự ràng buộc giữa con người với con người. Để có một cuộc sống chất lượng, chúng ta không chỉ cần những tòa nhà to, đẹp, tiện nghi, mà trên tất cả là những cảm xúc, những niềm tin… tạo nên ý nghĩa cho cuộc sống trong một bối cảnh mới.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!