Tâm điểm
Vân Thiêng

Quy hoạch Trung ương khóa mới: Bước khởi đầu quan trọng!

Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra vào cuối tuần qua và đạt được những kết quả quan trọng; trong số đó có nội dung về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026 - 2031.

Đây được xác định là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Tại Hội nghị, Ban chấp hành Trung ương cũng xác định rõ, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời đưa ra khỏi quy hoạch; đồng thời, tiếp tục xem xét, phân tích kỹ lưỡng chất lượng, cơ cấu, thành phần trên các lĩnh vực công tác để kịp thời phát hiện, kiến nghị, giới thiệu bổ sung quy hoạch, báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.

Quy hoạch Trung ương khóa mới: Bước khởi đầu quan trọng! - 1

Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, diễn ra từ ngày 2/10 đến ngày 8/10 tại Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đã đi qua hơn nửa chặng đường với những kết quả quan trọng trong việc lãnh đạo toàn diện sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đưa đất nước tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta thấy rằng bên cạnh những thành tựu rất quan trọng, rất đáng tự hào thì đất nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, yếu kém. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước…

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các cấp có thẩm quyền đã kỷ luật hơn 1.000 tổ chức đảng và gần 52.000 đảng viên (tăng gấp hai lần về số tổ chức đảng và hơn 1,5 lần về số đảng viên bị kỷ luật so với nửa đầu nhiệm kỳ XII); có 91 cán bộ diện Trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ XII.

Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) vừa qua cũng đã kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Đảng đoàn, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ở đây, thống kê của cơ quan chức năng cho thấy số tổ chức đảng, đảng viên bị thi hành kỷ luật tăng cao, nhưng chủ yếu là các sai phạm xảy ra đã lâu (theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương có tới 80% liên quan các vụ việc tồn đọng đã lâu, có vụ việc từ trước năm 2005). Thực tiễn này thể hiện sự kiên quyết, kiên trì trong đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, việc một số Ủy viên Trung ương đương nhiệm bị kỷ luật, thôi chức, thậm chí có những trường hợp bị truy tố trước pháp luật… cũng để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc cho công tác quy hoạch và chuẩn bị nhân sự Đại hội nhiệm kỳ mới.

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), đồng thời với việc đánh giá cao nỗ lực của Bộ Chính trị và Ban Chỉ đạo trong việc trình Hội nghị dự kiến quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khóa mới với sự kế thừa, bổ sung, phát triển đúng đắn, phù hợp về cách làm và bài học kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, đặc biệt là nhiệm kỳ khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng, đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ khóa XIV với tinh thần phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ.

Công tác tổ chức cán bộ nói chung, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nói riêng là công việc rất hệ trọng của Đảng, thường được chuẩn bị công phu, theo đúng quy trình. Trong đó, quy hoạch Ban chấp hành Trung ương là bước quan trọng đầu tiên, có tính chất quyết định đến chất lượng của quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức vụ lãnh đạo chủ chốt của đất nước.

Ban chấp hành Trung ương đã yêu cầu ngay sau Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, các ban đảng Trung ương và các cơ quan chức năng, Bộ Chính trị sớm xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031 làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "cán bộ nào, phong trào ấy". Cách nói ngắn gọn, súc tích này vận dụng vào trường hợp cụ thể của công tác chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược cho Đảng thì đó là nhân sự nào, đường lối đó; nhân sự nào, chủ trương đó: nhân sự nào, quan điểm đó; nhân sự nào, phong trào đó.

Tin tưởng và kỳ vọng rằng công tác quy hoạch "chắc chắn, chặt chẽ", được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và tuyệt đối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sẽ "đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ". Qua đó để đất nước có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Thiết nghĩ rằng sự "rơi rụng" của một số cá nhân là cán bộ có chức vụ, quyền hạn trong nửa đầu nhiệm kỳ XIII vừa qua là quy luật sàng lọc của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Cá nhân nào không đủ bản lĩnh vượt qua, ắt sẽ bị đào thải. Và đó chính là "thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt".

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!