Tâm điểm
Đặng Hùng Võ

Những vấn đề trong "giai đoạn nước rút" sửa đổi Luật Đất đai

Ngày 22/11, Quốc hội đã biểu quyết nhất trí lùi thông qua dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Theo thông tin từ phiên họp cùng ngày, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung, chính sách lớn cần tiếp tục nghiên cứu để thiết kế phương án chính sách tối ưu; việc rà soát, hoàn thiện toàn diện dự thảo Luật cần thêm thời gian để bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Do đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, vì vậy, sau khi thống nhất với Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo các đại biểu cho phép điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ kỳ họp này sang kỳ họp gần nhất của Quốc hội.

Những vấn đề trong giai đoạn nước rút sửa đổi Luật Đất đai - 1

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: Hữu Nghị)

Như đã biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã qua thảo luận tại 3 kỳ họp Quốc hội, lấy ý kiến toàn dân với 12 triệu lượt ý kiến, kể cả ý kiến của các học sinh trung học, và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 6 này. Đây là những con số rất đáng quan tâm, một mặt nói lên rằng đất đai là vấn đề lớn liên quan đến đầu tư phát triển kinh tế, tạo bền vững xã hội, và nâng cao đời sống người dân. Mặt khác, cũng nói lên pháp luật đất đai vừa qua còn rất nhiều bất cập, mà điều bất cập cụ thể nhất là những ách tắc pháp luật đang gây "nghẽn mạch" phát triển của thị trường bất động sản hiện nay.

Nhìn lại lịch sử, mỗi khi có chủ trương sửa đổi Luật Đất đai, Trung ương Đảng đều ban hành Nghị quyết định hướng chính sách rất cụ thể. Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 12/3/2003 đặt mục tiêu xây dựng pháp luật đất đai phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từ đó Luật Đất đai 2003 đã thể chế hóa Nghị quyết này của Đảng.

Mười năm sau, Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 đặt mục tiêu đổi mới pháp luật đất đai để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Đến năm 2022, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 đặt mục tiêu tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Như vậy, mục tiêu của Luật Đất đai (sửa đổi) đã rõ ràng, được định hướng tại Nghị quyết 18. Nhiệm vụ cụ thể của các cơ quan là luật hóa được chính xác, đầy đủ, hợp lý Nghị quyết này của Đảng.

Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau về dự thảo Luật, cụ thể như vẫn còn nhiều nội dung có hai phương án, nên các đơn vị liên quan sẽ cần tiếp thu góp ý, phân tích rõ về tính khả thi của điều luật và tác động của nó lên kinh tế, xã hội, môi trường, và lợi ích của những quan hệ đất đai để đưa ra một phương án và bảo vệ được phương án của mình.

Nếu vẫn để nhiều phương án cho các đại biểu Quốc hội lựa chọn, thì cũng chỉ như tổng hợp lại các ý kiến khác nhau trong thảo luận của Quốc hội để trả lại cho Quốc hội quyết định.

Nhìn lại mục tiêu của xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là góp phần quan trọng trong việc đưa nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao, tức là phải xác định vai trò của đất đai như thế nào đối với các dự án đầu tư phát triển kinh tế, tạo bền vững xã hội, bền vững môi trường trong giai đoạn 25 năm tới. Cách tiếp cận đất đai phải khác hẳn Luật Đất đai 2003 khi bắt đầu vận hành thị trường quyền sử dụng đất để công nghiệp hóa, và cũng khác hẳn với Luật Đất đai 2013 khi đẩy mạnh công nghiệp hóa. Đến lúc này, mục tiêu là hoàn thành công nghiệp hóa để chuyển sang giai đoạn kinh tế số, quản lý số, xã hội số,...

Bên cạnh các ý kiến xoay quanh câu chuyện một điều luật vẫn còn nhiều phương án, tôi cho rằng chúng ta phải quan tâm tới pháp luật đất đai ở tầng cao hơn, vĩ mô hơn. Trong đó có bốn vấn đề mà Nghị quyết 18 đã nêu lên, bao gồm: (1) làm rõ nội hàm của cơ chế "Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng"; (2) "Có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường"; (3) "quy định pháp luật đối với quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích"; và (4) "chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai".

Theo tôi, cả bốn vấn đề này đều cần được giải quyết thỏa đáng để đẩy nhanh quá trình hoàn thành giai đoạn công nghiệp hóa, nâng GDP trên đầu người lên mức cao. Nghị quyết 18 đã có chủ trương "Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất", nghĩa là chúng ta phải hạn chế đến mức thấp nhất, thậm chí là xóa bỏ "chất bao cấp" về quyền sử dụng đất trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, vấn đề kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực đất đai cần có giải pháp hữu hiệu khi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đang có song hành hai chức năng: Vừa ban hành các quyết định về đất đai và vừa kiểm tra, thanh tra việc ban hành các quyết định này. Rủi ro tham nhũng là rất lớn khi một cơ quan nhà nước vừa thay mặt toàn dân thực hiện quyền sở hữu đất đai và vừa kiểm soát việc thực hiện quyền lực này!   

Kể ra thì còn nhiều vấn đề khác nữa cần rất quan tâm, như: Thu giá trị đất đai tăng thêm không do đầu tư của chủ sử dụng đất tạo ra, hay thu giá trị từ sử dụng khoảng không trên thửa đất và từ sử dụng không gian ngầm dưới thửa đất, hay sử dụng đất mặt nước ra sao để giảm phát thải và bảo vệ hệ sinh thái sông nước,...

Mọi người dân đều mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành sẽ bảo vệ được giá trị đất đai thuộc công sản của Nhà nước, giá trị đất đai thuộc quyền sử dụng của dân, cũng như giá trị đất đai của các dự án đầu tư, trên nguyên tắc chia sẻ hợp lý lợi ích từ giá trị đất đai và từ giá trị đất đai tăng thêm do đầu tư phát triển tạo ra. Nếu sự chia sẻ này lệch lạc thì nhiều vấn đề bức xúc sẽ phát sinh, và lại phải tính tới việc phải sửa đổi luật. Pháp luật đất đai đang tồn tại những nội dung gây ách tắc cho phát triển, nếu những ách tắc vẫn chưa được giải tỏa thì quá trình phát triển lại phải đợi chờ.

Kinh nghiệm quốc tế chúng ta cũng có đủ cả, nhất là các báo cáo chi tiết của Ngân hàng Thế giới đã được giới thiệu. Từ những thông lệ tốt của các nền công nghiệp mới Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore,... chúng ta cần xem lại từ thiết kế khung chính sách, khung pháp luật, cấu trúc của luật, cho tới các quy định pháp luật cụ thể, cách diễn đạt văn luật,... để luật hóa hiệu quả nhất Nghị quyết 18-NQ/TW của Đảng.

Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!