Tâm điểm
Hữu Bình

Những hoài nghi và niềm tin với HLV Troussier

Cuối cùng thì những hoài nghi về tương lai của HLV Troussier sau VCK Asian Cup đã có câu trả lời rõ ràng: Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn hoàn toàn đặt niềm tin vào hành trình đổi mới đội tuyển bóng đá quốc gia mà ông và các cộng sự đang thực hiện. Asian Cup chỉ là một trong những bước đi tiến tới cái đích ở phía trước mà thôi…

Từ niềm tin của VFF

Trước khi bước vào cuộc gặp mặt báo chí mừng Xuân Giáp Thìn, ông Dương Nghiệp Khôi - Tổng thư ký VFF, Trưởng đoàn của đội tuyển quốc gia tham dự VCK Asian Cup vừa qua đã dành khá nhiều thời gian tâm sự với tôi.

Ông bộc bạch về những áp lực của cá nhân (trong cả 2 vai trò Tổng thư ký lẫn Trưởng đoàn, cũng chính là người đại diện Liên đoàn ký hợp đồng với HLV Troussier), rồi chia sẻ với cả những áp lực khủng khiếp từ công luận mà người cộng sự mang biệt danh "phù thủy trắng" đã phải hứng chịu trong những ngày qua. Nhưng chính vì rất "gần" HLV Troussier, nên ông thấu hiểu những gì vị chiến lược gia người Pháp này đang làm với đội tuyển. "Đấy là cả một sự thay đổi to lớn, và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ủng hộ, vì chúng ta muốn có một đội tuyển mạnh mẽ, tươi mới hơn trong tương lai, để hướng tới những mục tiêu cao hơn", ông Khôi nhấn mạnh.

Không chỉ ông Dương Nghiệp Khôi, trong những ngày qua, vị lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là Chủ tịch Trần Quốc Tuấn - đang công tác tại Qatar trong vai trò Chủ tịch Ủy ban thi đấu của Liên đoàn Bóng đá châu Á - cũng thường xuyên gặp gỡ, động viên "thầy Trou" (cách gọi vui mà giới báo chí đã đặt cho ông).

Những hoài nghi và niềm tin với HLV Troussier - 1

Huấn luyện viên Troussier (Ảnh: AFC).

Trên thực tế, dù đội tuyển thua cả 3 trận tại Asian Cup, nhưng chúng ta đã có một trận chơi "được" trước Nhật Bản,  hiệp 2 khá tốt trước Indonesia và một trận đấu khởi sắc khi đối đầu Iraq (chỉ không may mắn với những lỗi lầm cá nhân của các cầu thủ trẻ, bị mất người từ sớm, rồi bị thua ngược ở phút bù giờ).

Mọi người đều thấy rõ "chất thép" và sức sáng tạo khi vắng một số trụ cột, những tồn tại cần khắc phục từ thói quen chơi bóng thiếu chuyên nghiệp của một số cầu thủ, sự thiếu kinh nghiệm trong cách thức chơi bóng (đặc biệt trong bối cảnh công nghệ VAR sẽ không bỏ sót bất cứ tình huống nào trên sân), nền tảng thể lực của đội còn hạn chế... Chúng ta đã thấy thì hẳn nhiên HLV Troussier và ban huấn luyện cũng như các tuyển thủ hẳn càng thấy rõ hơn những điều ấy để tìm cách khắc phục.

Nhưng "gạn đục khơi trong", ngay từ các trận thua đã qua, có thấy những tín hiệu tích cực từ những gương mặt trẻ trung như Đình Bắc, Minh Trọng, Tuấn Tài, Thái Sơn, Văn Khang, Thanh Bình, Văn Tùng, Văn Trường… Họ đều đã và đang tiến bộ qua từng trận đấu. Về tinh thần thi đấu,  họ không hề tỏ ra sợ hãi khi đối đầu với các đội bóng mạnh hơn. Như Đình Bắc còn thường xuyên tìm cách đi bóng "xâu kim" qua các cầu thủ Nhật Bản hoặc Iraq, hay Thái Sơn và Văn Khang thường rất bình tĩnh xử lý trong không gian hẹp trước 2-3 cầu thủ to cao của đối phương.

Họ "nhiệt"  trong các pha tranh bóng đến nỗi quên cả đã phải nhận một thẻ vàng, như Văn Khang, để rồi phải rời sân sớm. Tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi tâm sự: "Khang như chú ngựa non cần được thuần hóa thêm nữa, một thời gian nữa sẽ thành tuấn mã".

Nói chuyện thêm nữa với vị lãnh đạo của Liên đoàn Bóng đã Việt Nam, tôi cảm nhận được niềm tin đang đặt vào "thầy Trou" lớn thế nào. Họ đã chuẩn bị sẵn tinh thần để hứng chịu những chỉ trích từ công luận đối với thành tích trước mắt của đội tuyển. Điều này rất giống với những gì lãnh đạo PSSI - Liên đoàn bóng đá Indonesia - đã làm trong 3 năm qua, với một sự kiên nhẫn to lớn đối với HLV Shin Tae-yong.

Hồi năm 2019, khi ông Shin đến, người hâm mộ Indonesia từng khấp khởi hy vọng sẽ được chứng kiến ngay những thành công tại các giải bóng đá khu vực. Nhưng không, với một đội hình trẻ hóa gần như toàn diện, Indonesia khi đó thua liểng xiểng.

Tới đầu năm 2022, khi HLV Shin và đội tuyển "xứ Vạn đảo" có trận thứ 5 liên tiếp không thắng nổi Việt Nam thì đã bùng phát cả một làn sóng phản đối, ngay cả báo chí nước này cũng không tiếc lời chỉ trích PSSI cũng như ông Shin. Nhờ niềm tin của Liên đoàn, cộng thêm sự trợ giúp mời gọi một số "Indo kiều", tạo điều kiện nhập tịch thêm một số "ngoại binh" từ châu Âu, chúng ta đã thấy đội tuyển Indonesia rất khác tại Asian Cup kỳ này.

Tới những điều kiện CẦN trong thời gian tới

Niềm tin mà VFF dành cho HLV Troussier là vô cùng quan trọng, nhưng sẽ hoàn toàn không đủ nếu chỉ có vậy mà thôi. Trong cuộc gặp gỡ mừng Xuân mới vừa rồi, các nhà báo thể thao cũng đã bày tỏ sự ủng hộ, đồng lòng với Liên đoàn và ông thầy người Pháp. Trước mắt, chúng ta cần kiên nhẫn hướng tới 4 trận còn lại của giai đoạn 2 Vòng loại World Cup 2026 (vào tháng Ba và tháng Sáu) tới, nơi đội tuyển Việt Nam sẽ gặp lại các đối thủ như Iraq, Indonesia và Philippines. Nếu vượt qua giai đoạn 2 (xếp trong 2 vị trí nhất - nhì bảng) sẽ tới giai đoạn 3, vòng quyết định với toàn những đối thủ sừng sỏ nhất châu lục (thi đấu từ tháng 11).

Chúng ta vẫn còn thời gian để chờ đợi sự tiến bộ, khởi sắc của đội tuyển trong thời gian tới, nếu những điểm yếu đã bộc lộ tại Asian Cup vừa qua được khắc phục. Đội tuyển sắp tới sẽ có thêm sự phục vụ của một số cầu thủ giàu kinh nghiệm. Các tài năng trẻ sẽ có thêm thời gian hoàn thiện cả kỹ năng lẫn tư duy chơi bóng cũng như hòa mình vào đấu pháp và lối chơi của "thầy Trou".

Về phía VFF, như bộc bạch của Tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi, chắc chắn sẽ yêu cầu đội ngũ trọng tài nghiêm khắc hơn đối với các lỗi thái độ chơi bóng tại các giải quốc gia, qua đó buộc các cầu thủ sẽ phải từ bỏ những thói quen xấu. Việc ứng dụng VAR tại V.League cũng sẽ buộc các đội bóng cần có sự điều chỉnh trong thái độ, cách thức thi đấu của cầu thủ. Về lâu dài, Liên đoàn sẽ phối hợp với các câu lạc bộ để thay đổi cả cách thức đào tạo, huấn luyện cầu thủ trẻ, sao cho bớt đi tư duy chơi bóng "khôn lỏi" (luôn tìm cách lách luật) bấy lâu nay…

Từ góc nhìn truyền thông, phía VFF cũng cần làm chiếc cầu nối, có những góp ý để HLV Troussier khéo léo hơn một chút trong cách ứng xử với công luận. Nếu như thầy Park là điển hình cho phong cách làm việc áp dụng đặc trưng văn hóa phương Đông (nhiều phần cảm tính), luôn đề cao yếu tố "mong muốn của người hâm mộ" thì thầy Trou lại mang nhiều phong cách phương Tây (đề cao lý tính), ít khi giải thích cặn kẽ về những mục đích, ý định mà mình đang làm, dẫn tới thiếu sự ủng hộ từ công luận.

Thu hẹp bớt khoảng cách này, sự kiên nhẫn của VFF dành cho HLV Troussier cũng sẽ có thêm sự ủng hộ và bớt đi những dư luận nặng nề không đáng có.

Trong bóng đá đỉnh cao luôn có những chu kỳ phát triển, sau một thời gian "suy" sẽ đến lúc "thịnh". Thịnh rồi có thể sẽ lại suy khi đội tuyển hay CLB rơi vào khoảng trống kế thừa giữa 2 thế hệ cầu thủ. Các CLB lừng danh như Manchester United, Arsenal ở Anh hay nhiều đội tuyển hàng đầu thế giới cũng vậy thôi… Vậy nên, thay vì nghi kỵ hay chỉ trích, có lẽ chúng ta cùng nên dành thêm sự kiên nhẫn với đội tuyển dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier, hy vọng vào những điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai không xa!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!