Tâm điểm
Hiệu Minh

Nhà cửa, phố phường lộn xộn: Vì sao?

Người Việt chúng ta mỗi lần đi nước ngoài trở về, nhất là các nước Âu Mỹ, nếu hỏi ấn tượng nhất điều gì thì một trong số đó chắc chắn là nhà cửa, phố phường, hay nói tóm lại là kiến trúc. Tôi cũng vậy, trước đây khi còn phải đi công tác nhiều nơi, mỗi khi máy bay giảm độ cao để hạ cánh xuống Paris, Washington DC hay London, qua cửa sổ nhìn cánh đồng lúa mỳ hay vườn cây trái được quy hoạch hàng lối cẩn thận và các khu dân cư ở phía dưới là tôi đã có thể tưởng tượng kiến trúc nơi ấy đẹp ra sao.

Để rồi khi trên máy bay về Hà Nội, từ trên cao nhìn xuống cánh đồng lúa ngoại thành, mảnh to mảnh bé, miếng méo miếng vuông, ngang dọc không theo một thứ tự nào, quả thực mỗi người trong chúng ta đều có thể hình dung nền "văn minh lúa nước" đã ăn sâu vào kiến trúc thủ đô thời hiện đại như thế nào.

Cái đẹp không phải là vàng son, hoa văn cầu kỳ hay cao chót vót mà chính là sự hài hòa của cả khu phố. Chỗ nào được cộng đồng quy định chặt chẽ về chiều cao các tầng, độ rộng vỉa hè, nhà không cần đẹp nhưng hài hòa với nhau thì chắc chắn chỗ đó giá đất, giá nhà sẽ cao hơn nhiều so với khu đất mỗi nhà để riêng từng cái thì đẹp nhưng đứng cạnh nhau vô tổ chức kiểu "các cô người mẫu mặc bikini đứng lẫn với người đẹp mặc áo bà ba".

Nhà cửa, phố phường lộn xộn: Vì sao? - 1

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: Hữu Nghị)

Về phương diện xây dựng thì phương Tây không "dân chủ" như Việt Nam ta. Nếu là khu nhà liền kề (townhouse) họ có hợp đồng về nhà cửa và có quyền áp đặt, các hộ phải ký vào bản hợp tác cộng đồng. Về nội thất tùy ý gia chủ muốn làm gì cũng được. Nhưng bên ngoài, họ quy định rất chi tiết, mái lợp loại gì, kiểu cách cửa ra vào và độ cao ra sao, trồng cây gì trước cửa cũng phải hỏi ý kiến vì họ biết, một ngôi nhà nhếch nhác thì bất động sản cả khu bị mất giá theo.

Có lần tôi thấy cửa ra vào căn nhà của mình bị han rỉ lại thích sơn trắng, nên mua về sơn rất vừa ý. Ba ngày sau khu phố gửi một cái thư và báo, ông bà đã sơn sai màu cửa. Theo thiết kế của khu nhà liền kề này thì màu sơn cửa của ông bà là mã XYZ có thể mua ở Home Depot. Ông bà có thời hạn 30 ngày để sửa lại màu sơn, nếu không, ban quản lý sẽ thuê người sơn lại và gửi hóa đơn cho gia đình.

Tất nhiên đó là chuyện ở bên Tây, còn khi tôi ở Hà Nội thì gần như nhà cửa muốn xây như thế nào cũng được, màu sơn tùy ý gia chủ. Hơn 20 năm trước, tôi xây nhà trên mảnh đất 100m2 gần hồ Tây và có nhờ kiến trúc sư (KTS) đến giúp thiết kế, giám sát thi công. Cứ vài ngày, KTS lại chạy qua xem tình hình công trình như thế nào. Cuối cùng, ngôi nhà hai tầng rưỡi hoàn chỉnh hơn cả sự mong đợi của chủ nhà, trừ một vài chi tiết buồn cười đều do đám thợ xây và tôi "sáng tạo" thêm.

Nhà xây xong, KTS mới thừa nhận với tôi là mười năm trong nghề lần đầu tiên anh gặp một chủ nhà "biết hợp tác". Có lẽ nhờ biết nghe lời KTS, khi tôi dẫn bạn bè đến thăm nhà, ai cũng khen và nói, có bàn tay tỷ lệ của KTS, cảm nhận ngay được sự hợp lý và thông thoáng.

Khi liên hoan nhà mới, uống vài ly rượu, KTS xả bầu tâm sự với tôi: Nhà văn có đứa con tinh thần là tiểu thuyết, nếu không hay độc giả vứt vào sọt rác; dân công nghệ thông tin làm ra những sản phẩm phần mềm, không ai dùng chỉ cần xóa trên đĩa cứng sẽ hết mọi dấu vết. Nhưng KTS thiết kế công trình thì khác hẳn. Cầu đã xây xong, nhà đã có người ở thì không dễ gì phá đi một sớm một chiều mà sẽ tồn tại với năm tháng.

Công trình đẹp như Nhà hát Lớn, những biệt thự Pháp còn lại ở Hà Nội thì đi qua ai cũng ngoái nhìn. Còn với những ngôi nhà kỳ dị củ hành, cao ốc kiểu "dao bầu chọc tiết ông trời" trên phố, sẽ có người tự hỏi "những KTS ấy có học hành đến nơi đến chốn không đây?".

Lắng nghe chia sẻ, tôi hiểu rằng hầu hết KTS là những nghệ sỹ với tâm hồn yêu nghệ thuật, nếu không họ đã không vào ngành kiến trúc. Họ biết sản phẩm của mình ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội như thế nào. Đôi lúc đi qua những mảnh đất đẹp nhưng trên đó là ngôi nhà "tân cổ giao duyên", các KTS rất đau xót vì biết rằng thế nào sau này cũng bị phá đi, phí hoài bao tiền của và công sức.

Chủ nhà "trọc phú" thường bắt KTS chạy theo thị hiếu đôi khi của… thằng bạn vì nó có biệt phủ rộng 10ha, nguyên đất xây dựng tới 1ha. Cái biệt phủ mà thằng bạn không nhớ có bao nhiêu phòng, thì mình không thể kém. Đau đầu vì đồng tiền bát gạo, dù yêu nghề đôi lúc KTS vẫn phải "nhắm mắt đưa chân", xót xa nhìn "đứa con" của mình bị thay đổi méo mó thành một khối kỳ quặc.

Chính vì kiến trúc, quy hoạch không được quản lý bài bản nên ở ta nhiều chủ nhà tự làm cho ngôi nhà cũng như khu vực đất ở của mình mất giá một cách thảm hại vì ý thích hay tư lợi cá nhân, "vài cm đất lấn ra đường hay cố nhô ban công để rồi không bao giờ bước chân ra". Thấy nhà bên lấn chiếm tý vỉa hè, ông hàng xóm thế nào cũng cố ra vài bậc rộng hơn. "Nhà hắn xây cao 4 tầng thì đây cũng ít nhất phải 5 tầng"… Như vậy mới hiểu tại sao, ngay cả trên một số khu đất hoàn toàn mới quang cảnh cũng rất lộn xộn, nhếch nhác, nhà xây thò ra thụt vào, cao thấp, nham nhở, xanh đỏ tím vàng, đường vào ngoằn ngòeo và chật hẹp.

Nói chuyện thêm với KTS, tôi mới hiểu vì sao anh không muốn dẫn tôi đi xem một số ngôi nhà do anh thiết kế. Lý do là có bản vẽ đầy đủ và chi tiết nhưng gia chủ cứ xây nhà theo sáng tạo riêng, làm sai hết ý đồ của KTS vì "có tiền muốn làm gì mặc tôi". Cuối cùng KTS không dám nhận mình là tác giả. Biết bao nghệ sỹ đi qua những ngôi nhà do họ đau đớn "đẻ ra" mà không dám ngước nhìn và thầm gọi chúng là "những đứa con không cha".

Bây giờ sau 20 năm từ thời tôi xây nhà, thế hệ sau đã hiểu kiến trúc nhiều hơn. Tuy nhiên, số người xây bừa bãi vẫn nhiều. Gần đây trong làng tôi ở bỗng mọc lên một cái nhà rộng khoảng 6m nhưng dài 30-40m, cứ thế chồng 8-9 tầng chắc là cho thuê phòng. Hàng xóm có 2 tầng nay cơi nới thêm 2,5 tầng trên diện tích 30m2. Có thể chục năm nữa họ lại phá đi.

Tất nhiên là chuyện nhà cửa, phố phường hài hòa hay lộn xộn không chỉ phụ thuộc vào KTS mà còn rất nhiều yếu tố khác thuộc về văn hóa cộng đồng, hiệu lực quản lý của chính quyền địa phương. Nhưng hôm nay (27/4) nhân ngày KTS, từ trải nghiệm của chính mình, tôi muốn chia sẻ góc nhìn của mình về một phần lý do vì sao nhà cửa, phố phường ở ta nhìn cứ… tức mắt.

Bạn muốn ngôi nhà và khu phố nơi mình sinh sống thực sự là nơi đáng sống, và sau mấy chục năm vẫn lên giá như nhà ở phố cổ Hội An sau vài trăm năm? Hãy cùng KTS chuyên nghiệp xây những ngôi nhà xinh đẹp, hài hòa trong khu phố bạn ở. Điều đó giúp cho chính ngôi nhà của bạn thêm sang trọng, những người sống trong đó lấy làm hãnh diện, giá trị bất động sản được nâng cao, KTS tự hào về tác phẩm của mình và thành phố bớt đi "những đứa con không cha".

Tác giả: Hiệu Minh là bút danh của TS Giang Công Thế, một chuyên gia IT từng công tác nhiều năm tại Ngân hàng Thế giới (WB). Ông được biết đến là blogger về nhiều lĩnh vực và cộng tác thường xuyên với các báo.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!