Tâm điểm
Quan Thế Dân

Một giường ba bệnh nhân và chuyện y tế cơ sở

Nhiều năm nay chúng ta loay hoay với tình trạng quá tải bệnh viện ở tuyến tỉnh và tuyến Trung ương, cảnh 2, 3 bệnh nhân và thậm chí nhiều hơn nằm chung giường đã trở thành quen thuộc. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, một trong số đó nằm ở năng lực của y tế cơ sở và thói quen của người dân, cứ có bệnh là đi thẳng ra thành phố chữa trị.

Hệ thống y tế của Việt Nam chia làm 3 tuyến: Trung ương, tỉnh và cơ sở. Tuyến cơ sở gồm y tế từ huyện trở xuống, như bệnh viện huyện, trung tâm y tế dự phòng huyện, các trạm y tế xã... Phải nói rõ như vậy vì nhiều người vẫn hiểu nhầm, cứ nghĩ y tế cũng phân cấp giống như hệ thống hành chính có 4 cấp, Trung ương, tỉnh, huyện và xã.

Tầm quan trọng của y tế cơ sở (YTCS) với chăm sóc sức khỏe toàn dân chúng ta đã nói đến từ lâu. Ai cũng công nhận rằng YTCS rất quan trọng vì gần dân, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng phục vụ. Hơn nữa, YTCS còn gắn với y tế dự phòng, có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống y tế.

Một giường ba bệnh nhân và chuyện y tế cơ sở - 1

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân ở một đơn vị y tế cơ sở tỉnh Đắk Lắk, tháng 12/2018 (Ảnh: H.Hải)

Dường như cứ nghĩ YTCS là y tế xã, cho nên một thời gian dài trước đây mô hình y tế của huyện không được chú trọng, bệnh viện huyện và mấy trung tâm y tế huyện hết tách ra rồi nhập vào. Đến năm 1998, chúng ta hợp nhất tất cả các tổ chức y tế trên địa bàn huyện như bệnh viện huyện, y tế dự phòng, trung tâm chăm sóc bà mẹ, trẻ em… thành trung tâm y tế huyện.

Sau một thời gian thấy khó quản lý nên đến năm 2005 lại tách ra thành 3 bộ phận: Phòng y tế thuộc ủy ban huyện, quản lý các trạm y tế xã; bệnh viện huyện và trung tâm y tế dự phòng thì thuộc Sở y tế. Tách ra một thời gian vẫn thấy không ổn, chồng chéo hoạt động, nên đến năm 2016 lại quy định sáp nhập tất cả thành một trung tâm y tế huyện như năm 1998.

Qua nhiều giai đoạn, dù còn rất khó khăn và không ổn định về tổ chức, nhưng phải công nhận hệ thống YTCS đến nay đã đạt được nhiều thành tích vững chắc. Các dịch bệnh lưu hành trước kia như lao, tả, lỵ, mắt hột, bại liệt, viêm não đã được loại bỏ. Các đợt dịch theo mùa bị khống chế. YTCS cũng góp phần rất lớn trong phòng, chống đại dịch Covid 19. Có thể nói YTCS đã góp phần vào kết quả chung là làm cho tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 73,4 tuổi, ngang mức trung bình của thế giới.

Nhưng tất cả những kết quả đã đạt được vẫn còn dưới mức mong đợi của xã hội. Người dân còn kỳ vọng cao hơn nữa vào YTCS. Để đáp ứng điều này, ai cũng thấy là cần đầu tư mạnh hơn, nhưng phải có chính sách "đúng và trúng" kèm theo hành động thực tế.

Giai đoạn gần đây Bộ Y tế có chương trình 10 năm (2011 - 2020) củng cố y tế tuyến cơ sở với bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đến năm 2020 tổng kết chương trình, số xã trên toàn quốc đạt điểm chuẩn hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia là 94%. Như vậy phải nói là chương trình trên đã hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên nhiệm vụ của ngành y vẫn còn rất nặng nề, vì thực ra bộ tiêu chí quốc gia dành cho y tế xã vẫn còn rất thấp so với đòi hỏi chăm sóc sức khỏe của người dân hiện nay.

Điểm qua một số tiêu chí chính của trạm y tế xã như: Nhân lực từ 5 đến 10 người; có bác sĩ làm việc tại xã 3 ngày/tuần; có máy điện tim, máy siêu âm đen trắng, máy thử đường máu… thì ta thấy công việc của trạm y tế xã vẫn chủ yếu là thực hiện các "phong trào" như cũ, có thể về nề nếp hành chính sẽ chuẩn chỉ hơn song thực chất việc điều trị không cải thiện là bao. Nhiệm vụ của nhân viên trạm y tế xã vẫn suốt ngày bị cuốn vào các "phong trào" bất tận. Còn người dân hầu như khi có bệnh là tự đi thẳng lên huyện hoặc tỉnh, nhất là từ khi bảo hiểm y tế thông tuyến đến tận tỉnh.

Về mặt chính sách thì YTCS và y tế dự phòng luôn được đề cao song trên thực tế không được như vậy. Không khó để chúng ta nhìn thấy nguồn lực y tế vẫn dành phần lớn cho điều trị và cũng chủ yếu tập trung cho tuyến Trung ương.

Tại sao như vậy? Chung quy vẫn chỉ tại nguồn lực còn hạn chế, hay nói nôm na là tại cái nghèo. Nguồn lực hạn chế nên chúng ta luôn loay hoay giữa các nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, giữa tính thành tích và tính bền vững, giữa tư duy nhiệm kỳ và tư duy cho hàng chục năm.

Với một nguồn lực ít ỏi trong tay, thì rất tự nhiên, người làm công tác y tế muốn chi tiêu ngay cho công việc trước mắt là điều trị, kết quả thấy ngay. Còn nếu tiêu cho y tế dự phòng, kết quả sẽ đến rất chậm và cũng không rõ ràng. Cũng tương tự như vậy, nếu tập trung đầu tư cho vài bệnh viện lớn ở Trung ương thì hình ảnh sẽ thấy rõ, còn cũng từng ấy tiền mà dàn trải cho 10.000 xã trong toàn quốc thì mỗi xã một ít, phải nói là như muối bỏ bể, không nhìn thấy đâu cả.

Điều đáng mừng là gần đây Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của YTCS trong tình hình mới.

Là người đã trải hơn 40 năm trong ngành y, đã chứng kiến và tham gia rất nhiều phong trào của ngành y, từ phong trào 5 dứt điểm của YTCS của những năm 1980 đến nhiều phong trào khác sau này, tôi xin đóng góp 3 điểm sau:

Thứ nhất, xác định chính xác được địa bàn đầu tư: YTCS bao gồm cả y tế huyện và y tế xã. Vậy nên đầu tư cho y tế nào. Nhiều phong trào trước đây xác định YTCS tức là xã và tập trung đầu tư cho trạm y tế xã. Kết quả là nguồn lực dàn trải, tác động không rõ ràng. Vì vậy, cùng với việc phấn đấu thực hiện các mục tiêu của Chỉ thị 25, cụ thể như đến năm 2030, mỗi trạm y tế có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn…, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm trước đây để tập trung đầu tư cho y tế huyện (cấp huyện có 700 địa chỉ đầu tư, còn cấp xã là 10.000). Các bệnh viện huyện với đầy đủ các phương tiện, khoảng cách đến người dân dưới 20km, sẽ là nơi gần dân nhất, giúp ích thiết thực cho dân nhất.

Thứ hai, xác định nguồn lực từ đâu. Trong quá trình triển khai Chỉ thị 25, các cấp chính quyền sẽ bố trí nguồn tài chính dành cho YTCS. Nhưng một vấn đề chúng ta cần chú ý là tình trạng tài chính của YTCS hiện nay dựa chủ yếu vào bảo hiểm y tế (BHYT), trong khi đó cơ cấu chi trả của BHYT vẫn "ưu ái" cho bệnh viện tuyến trên. YTCS bị khống chế cả về dịch vụ kỹ thuật lẫn trần thanh toán. Nên để có tài chính cho YTCS thì phải thật mạnh mẽ thay đổi cách chi trả của BHYT bên cạnh nguồn đầu tư trực tiếp từ ngân sách.

Thứ ba, xác định cụ thể lời giải cho bài toán nhân lực y tế. Để có được bác sĩ giỏi ở huyện mà dùng biện pháp hành chính như phân công, luân chuyển bác sĩ theo nghĩa vụ hoặc đào tạo cử tuyển người của địa phương đã thực hiện suốt thời gian dài trước kia, thì kết quả là có song khá hạn chế.

Chúng ta phải xác định cụ thể phụ cấp lương là bao nhiêu, dứt khoát lương bác sĩ về huyện phải cao hơn nhiều lần lương bác sĩ ở lại thành phố lớn thì mới đủ hấp dẫn. Tiếp theo, con đường nâng cao chuyên môn các bác sĩ ở tuyến YTCS cụ thể như thế nào? Một lộ trình học tập rõ ràng như sau bao nhiêu năm thì được đi học, khi đi học được hỗ trợ cụ thể bao nhiêu. Nếu có một mức lương đủ hấp dẫn, cũng như một lộ trình thăng tiến rõ ràng, thì chắc chắn sẽ thu hút được nhân lực trình độ cao cho YTCS.

Chủ trương, chính sách đi vào đời sống không chỉ cần có nguồn lực mà cần quyết tâm hành động và cần cả rút kinh nghiệm từ những bài học của quá khứ. Mong rằng những năm tới đây chất lượng YTCS sẽ dần được cải thiện, theo đó bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương sẽ được giảm tải, không còn cảnh nhiều bệnh nhân chen chúc trên một giường.

Tác giảTiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!