Tâm điểm
Quan Thế Dân

Lại nói về "lương y… như tháng trước"

Câu chuyện thu nhập của nhân viên y tế thấp đã được nói đến từ lâu, đã có rất nhiều lời bàn. Nhưng hôm rồi nhân Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, đại diện Công đoàn ngành y tiếp tục phản ánh vấn đề này, với đầy đủ dẫn chứng từ các văn bản nhà nước đã ban hành. Có thể nói vắn tắt, bác sĩ phải học 7,5 năm mới hành nghề được nhưng lương khởi điểm giống như cử nhân học 4 năm là bậc một: 4,2 triệu đồng/tháng; phụ cấp trực 25.000 đồng/đêm. Như vậy thu nhập "cứng" của bác sĩ mới ra trường khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Nếu cơ sở y tế mà không có thêm thu nhập gì ngoài lương thì 5 triệu đồng ấy với bác sĩ là quá thấp, làm sao mà đủ sống. Chưa kể đến khối điều dưỡng kỹ thuật viên còn thấp hơn nữa.

Nhưng không hiểu sao mấy tiếng kêu ngành y lương thấp ấy "có gì đó sai sai", dư luận nhiều người không đồng tình. Vì thực tế xã hội lại có nhiều dẫn chứng ngược lại. Ví dụ nói ngành y lương thấp nhưng sao các cha mẹ vẫn hướng con em mình đổ xô vào học y, khiến cho điểm chuẩn ngành y luôn gần như cao nhất, rồi một loạt trường đại học tư thục cũng đua nhau mở khoa y để tranh thủ đáp ứng nhu cầu cao của xã hội.

Lại nói về lương y… như tháng trước - 1

Một ca trực cấp cứu lúc nửa đêm tại bệnh viện công lập ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Nói ngành y lương thấp thế thì sao rất nhiều nhân viên y mới ra trường lại chạy vạy để được vào làm trong bệnh viện công?

Nghịch lý trên cho thấy một sự thật là ngành y lương chỉ thấp trên giấy tờ, thấp theo quy định lạc hậu, còn thu nhập thực tế của nhân viên ngành y không hề thấp, thậm chí còn thuộc nhóm có thu nhập khá của xã hội, vì thế mới tạo sức hút như vậy trên thị trường lao động. Hoặc nói chi tiết hơn là thu nhập trong ngành y có sự phân hóa, nhiều người thu nhập thấp thực sự theo đúng thang bảng lương của nhà nước, nhưng cũng có một bộ phận nhân viên y tế khác thu nhập cao.

Nhưng khi nói về nhân viên y tế, dường như mọi người… quên mất đội ngũ nhân viên y tế tư nhân, vì thấy chỉ nói về y tế công. Trong thực tế thu nhập của nhân viên y tế tư nhân không thấp. Nhiều bệnh viện tư giờ đang trả cho bác sĩ mới ra trường lương từ 12 đến 15 triệu đồng/tháng. Bác sĩ nội trú, thạc sĩ lương khoảng 25 - 30 triệu đồng/tháng. Tiến sĩ 40 - 60 triệu đồng/tháng. Mức lương này thuộc loại khá trong xã hội. Lương của điều dưỡng, kỹ thuật viên cũng cao hơn khối công lập. Lương vậy mà nhiều khi còn không tuyển được người.

Nhìn rộng ra trên thế giới, lương của nhân viên y tế luôn thuộc hàng top trong xã hội. Theo nhiều thống kê, top 10 ngành nghề có lương cao nhất trên thế giới thì 9/10 là bác sĩ ở các chuyên khoa khác nhau, chỉ còn một nghề duy nhất so được với thu nhập của bác sĩ là CEO - giám đốc điều hành công ty.

Còn theo xếp hạng các ngành nghề lương cao nhất năm 2022 được U.S News & World Report đưa ra, dựa trên dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, 10 ngành nghề lương cao nhất đều liên quan đến y học, chăm sóc sức khỏe.

Như vậy nói thu nhập của nhân viên y tế thấp là chưa hoàn toàn chính xác. Mà phải nói chính xác là thang bảng lương của nhà nước trả cho nhân viên y tế thấp. Việc trả lương thấp này không khuyến khích được người lao động, và còn là tiền đề tạo ra nhiều bất cập trong ngành.

Nhân viên y tế vì lương thấp, vì mất nhiều chi phí học tập và xin việc, nên không loại trừ một số ít tận dụng vị trí của mình trong bệnh viện công để làm kinh tế, tận thu của người bệnh. Lương thấp là nguồn gốc gây ra tham nhũng vặt trong bệnh viện, làm tăng thêm nỗi khổ cho người dân khi đi khám chữa bệnh. Từ những tham nhũng vặt này lớn dần lên thành những tham nhũng lớn trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, xây dựng cơ bản, hay quay lại "ăn chặn" chính đồng nghiệp của mình như chúng ta đã chứng kiến trên các phương tiện truyền thông thời gian qua.

Những người khác còn chút liêm sỉ thì ngoài giờ chính thức làm việc trong bệnh viện công, phải tranh thủ giờ nghỉ để làm thêm bên ngoài cho các cơ sở y tế tư nhân, dẫn đến bào mòn sức khỏe. Thời gian mải mê "chạy show" để kiếm tiền này ít nhiều dẫn đến lơ là công việc chính trong bệnh viện, cuối cùng bệnh nhân cũng vẫn là người bị trả giá. Nhưng dù sao còn kiếm tiền được bằng chuyên môn là còn may mắn. Nhiều nhân viên y tế ở tuyến cơ sở hoặc y tế dự phòng không thể làm thêm bằng nghề của mình, nên có cuộc sống rất khó khăn.

Để thay đổi và thực hiện công bằng xã hội trong thu nhập của nhân viên y tế, cần thay đổi tận gốc cơ chế trả lương. Đầu tiên chúng ta phải thấy tại sao bệnh viện tư không hề bị hạn chế mức lương cho nhân viên y tế, trong khi đó bệnh viện công lại phải bó buộc vào cái thang bảng lương đã lạc hậu? Chúng ta đang kêu gọi các bệnh viện tự chủ, vậy thì hãy để các bệnh viện tự chủ trong việc trả lương cho nhân viên của mình. Qua đó, một cách rất tự nhiên, bệnh viện sẽ thu hút được người giỏi, và người được hưởng lương cao cũng phải biết cách nỗ lực làm việc để giữ được vị trí ấy.

Nguồn lực ở đâu để các bệnh viện trả lương cao cho nhân viên. Xin thưa rằng, nguồn tiền ấy xưa nay vẫn có nhưng không được công khai minh bạch, nên chỉ chạy vào túi riêng của một số cá nhân. Triển khai thu đúng, thu đủ các chi phí y tế, triệt tiêu các hoa hồng mờ ám, minh bạch các nguồn thu, sử dụng các nguồn lực đó vào cải thiện quỹ lương cho bệnh viện. Các bệnh viện lớn tự chủ tài chính, tiến tới cổ phần hóa một số các bệnh viện lớn, ngân sách nhà nước chỉ tập trung vào hỗ trợ cho nhân viên y tế công tác tại y tế cơ sở và y tế dự phòng.

Khi các chính sách quản lý ngành y phù hợp với cuộc sống, thì tự nhiên lương nhân viên y tế sẽ được cải thiện và từng bước nâng cao.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!