Tâm điểm
Vân Thiêng

Lại là tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn!

Những tranh luận sau cái chết của 3 mẹ con trong vụ tai nạn giao thông hôm 18/2 trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn chưa kịp lắng xuống, thì cũng trên tuyến đường này, tối 10/3 lại xảy ra vụ tai nạn cướp đi sinh mạng đôi vợ chồng trẻ từ Nghệ An vào Bình Phước mưu sinh.

Tin tức về vụ tai nạn được báo chí, mạng xã hội liên tục cập nhật; hầu hết ý kiến của độc giả đều bày tỏ sự bàng hoàng trước những mất mát về tính mạng của người dân khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Về nguyên nhận vụ tai nạn tối 10/3, theo xác minh ban đầu, tài xế xe khách khi điều khiển xe trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã để đuôi xe của mình va vào đuôi xe tải cùng chiều. Xe tải này bị nổ lốp và phải dừng đỗ giữa đường. Như vậy, tài xế xe khách không chú ý quan sát dẫn đến tai nạn; còn người lái xe tải cũng có phần sai khi đỗ xe mà không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm theo quy định.

Lại là tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn! - 1

Hiện trường vụ tai nạn 2 người chết trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn tối 10/3 (Ảnh: Vi Thảo)

Nguyên nhân như vậy là tương đối rõ ràng. Dù trong bất cứ trường hợp nào, vấn đề chính là ý thức tham gia giao thông của tài xế. Ở đây tôi xin bàn đến một vấn đề khác khi các vụ tai nạn nghiêm trọng liên tục xảy ra trên đoạn cao tốc trên.

Có thể khẳng định từ khi đưa vào khai thác (31/12/2022), đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn dài 98,3km đã kết nối với cao tốc La Sơn - Túy Loan dài 77,5km, tạo thành tuyến cao tốc dài 178,6 km nối liền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế với TP Đà Nẵng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và liên vùng, giảm mật độ xe lưu thông trên Quốc lộ 1A vốn đang quá tải.

Nhiều ô tô, nhất là ô tô tải, xe container chạy tuyến Bắc - Nam đã chọn cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan. Không chỉ thuận tiện mà việc tuyến đường chưa thu phí cũng khiến lượng phương tiện đi trên cao tốc này tăng nhanh sau một năm khai thác. Như một quy luật, số vụ tai nạn giao thông trên đường này cũng tăng theo.  

Ngoài nguyên nhân chủ quan của lái xe khi không chấp hành các quy định về an toàn, phóng nhanh vượt ẩu thì những bất cập của con đường cũng đã được nhận diện.   

Dù gọi là đường cao tốc nhưng chỉ có một làn đường cho mỗi bên và không có dải phân cách cứng. Tuyến đường đi qua chủ yếu là núi đồi nên nhiều đèo dốc, cua tay áo che khuất tầm nhìn; đêm và sáng sớm thường có nhiều sương mù trong khi không có đèn đường, thiếu trạm dừng nghỉ…

Mặc dù hệ thống biển báo, chỉ dẫn trên đoạn cao tốc này tương đối đầy đủ nhưng nếu lái xe thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ, thiếu kiềm chế thì rất dễ gây tai nạn. Nhất là ở những đoạn cho phép vượt xe có dải phân cách cứng, đường có 2 làn mỗi bên, nhưng lại bị thắt cổ chai "2 làn nhập 1" trong tích tắc, khiến nhiều lái xe không kịp xử lý.

Thống kê cho thấy, cả năm 2023, đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3 người và 20 người bị thương. Trong khi đó, nửa đường còn lại, đoạn Cam Lộ - La Sơn, chỉ trong vòng từ 15/12/2023 đến 10/3, đã xảy ra 11 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6 người và 16 người bị thương. Những con số này cho thấy, địa hình phức tạp của đoạn đường từ Cam Lộ - La Sơn trên địa bàn hai tỉnh Quảng trị và Thừa Thiên - Huế là nguyên nhân gián tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn.     

Không phải đến vụ tai nạn ngày 18/2 vừa rồi làm chết 3 người thì những bất cập về kết cấu hạ tầng của tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan mới được ngành chức năng, các chuyên gia mổ xẻ. Vấn đề ấy đã được chính quyền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng cảnh báo và kiến nghị khắc phục từ lâu.

Trên diễn đàn Quốc hội và những lần làm việc với lãnh đạo Trung ương, Bộ Giao thông Vận tải, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, cho biết tỉnh này đã nhiều lần kiến nghị về việc cấp thiết phải mở rộng thêm 2 làn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Vì cũng như nhiều chuyên gia, ông cho rằng: "Đường Cam Lộ - La Sơn như hiện nay không thể gọi là cao tốc. Cam Lộ - La Sơn lại thắt nút cổ chai, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ nên rất dễ gây ra tai nạn".

Cũng không phải ngành Giao thông không thấy những bất cập này. Từ cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ 2 lên 4 làn xe. Tiếc là sau 4 năm, việc này vẫn đang chờ trình các cấp có thẩm quyền về danh mục chuẩn bị đầu tư để bố trí vốn.

Vào tháng 10/2023, qua khảo sát, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải khắc phục ngay những bất hợp lý về việc xây dựng và tổ chức giao thông trên 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn, trong đó có cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Có thể nói, những bất cập, nguy hiểm khi đầu tư các tuyến cao tốc chưa đạt chuẩn đã được nhìn thấy trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do như nguồn lực có hạn, nhu cầu giao thông chưa cao… nên cơ chế "phân kỳ đầu tư" đã được áp dụng.  

Khoác lên mình hai chữ "cao tốc", phải chăng một số tuyến đường khiến cánh tài xế "ảo tưởng" có thể nhấn ga với tốc độ cao mà không rón rén như đi trên quốc lộ1A với vô số những khu dân cư đông đúc.

Thế nhưng thực tế đã không phải vậy. Tuy không phải lo tránh người và phương tiện cắt ngang như ở quốc lộ 1A, nhưng từ trải nghiệm của bản thân trên những đoạn đường "cao tốc" 2 làn, bị giới hạn tốc độ từ 60 - 80km như Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan, tôi cảm nhận rõ ràng sự căng thẳng của người lái xe khi phải đối diện với sự thay đổi liên tục của hệ thống biển báo, tín hiệu trên đường.

Trong khi bản thân mình phải lẽo đẽo theo sau những chiếc xe container, xe đầu kéo … phía trước, thì càng ức chế hơn khi chứng kiến tình trạng một số lái xe khách, xe tải vượt ẩu. Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do nguyên nhân chủ quan của lái xe khi không đủ bình tĩnh, nôn nóng vượt lên trong điều kiện không an toàn.       

Những thay đổi mang tính căn cơ về các tuyến cao tốc sẽ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai, vì việc lập dự án mở rộng đường và triển khai cần rất nhiều thời gian. Thiết nghĩ, việc cần thiết lúc này là phải nhanh chóng khắc phục những bất cập về lòng đường, làn đường; về những điểm "thắt cổ chai" bất hợp lý.

Cơ quan quản lý cần nâng cấp, gia cố hệ thống đường gom; bổ sung các kết cấu hộ lan, hốc cứu hộ, cứu nạn, biển báo chỉ dẫn rõ ràng dễ hiểu; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát cũng như lắp đặt thêm camera giám sát và xử lý nghiêm các tài xế vượt ẩu, chạy quá tốc độ.

Thực tế cho thấy, khi lực lượng chức năng tổ chức tuần tra liên tục, tình hình vi phạm của lái xe trên tuyến cao tốc này, chủ yếu các lỗi lấn làn, vượt không đúng quy định đã giảm hẳn.

Theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nhiều tuyến cao tốc đang rục rịch mở rộng dù mới khai thác chưa lâu. Điều này cho thấy những ý kiến khác nhau của các chuyên gia, nhà quản lý về cái lợi - cái hại của "phân kỳ đầu tư" cần được nghiên cứu, đánh giá một cách nghiêm túc theo hướng đầu tư đồng bộ, có những giải pháp cần thiết để hạn chế và không để xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc. Chẳng phải chúng ta vẫn hay nói với nhau: Tính mạng con người là quan trọng nhất!

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!