Tâm điểm
Nguyễn Văn Hải

Kêu cứu vì "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch"

Nếu một ngày đẹp trời, bạn được mời đến một công ty du lịch để "nhận quà" là chuyến du lịch miễn phí đẳng cấp 5 sao, hãy cảnh giác, đó có thể là một cái bẫy đang giăng ra. Món quà chỉ là mồi nhử, bán hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ mới là mục đích thật sự của không ít công ty du lịch kinh doanh mô hình này.

Mô hình sở hữu kỳ nghỉ du lịch, hay gọi là timeshare, có thể hiểu là mô hình du lịch cung cấp quyền lưu trú, nghỉ dưỡng cho người mua tại khu nghỉ dưỡng cao cấp nào đó trong một khoảng thời gian xác định hàng năm với số năm nhất định. Ví dụ trong 2 tuần của tháng bảy hàng năm, kéo dài trong 10 năm hoặc lên đến 30, 40 năm.

Xuất hiện đầu tiên trong ngành du lịch Pháp vào năm 1960, mô hình này sau đó nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu và châu Mỹ, trở thành xu hướng du lịch mới được nhiều du khách lựa chọn.

Thời gian đầu du nhập vào Việt Nam, mô hình này được quan tâm vì có nhiều ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường. 

Các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí. Khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.

Tuy nhiên, gần đây mô hình sở hữu kỳ nghỉ bị biến tướng ở nhiều nơi, thậm chí bị lợi dụng để hoạt động lừa đảo. 

Kêu cứu vì Sở hữu kỳ nghỉ du lịch - 1

Mô hình sở hữu kỳ nghỉ du lịch phổ biến ở các nước châu Âu, song khi du nhập vào Việt Nam thì bị nhiều công ty lợi dụng để trục lợi khách hàng (Ảnh minh họa)

Hàng trăm đơn thư kêu cứu kèm bằng chứng đã được bạn đọc gửi đến báo Dân trí để tố nhiều công ty du lịch có dấu hiệu "treo đầu dê bán thịt chó". 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các công ty thường sử dụng chiêu thức mời người dân đến "nhận quà" là những chuyến du lịch miễn phí, nhưng thực chất để chào mời họ mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Ngay khi tư vấn thành công, đại diện công ty đưa hợp đồng cho khách hàng và thúc giục ký trong khoảng thời gian sớm nhất. 

Đặc điểm của các hợp đồng là rất dày, người dân thường không đọc kỹ hoặc không hiểu rõ điều khoản nhưng với sự thuyết phục của nhân viên công ty, khách mời mệt mỏi mất tập trung và đặt bút ký. Ngoài ra, hợp đồng thường "cài" nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích của bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi với khách hàng.

Chi phí một hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Nhiều người vì tin lời của nhân viên tư vấn rằng có thể đầu tư nhiều kỳ nghỉ để cho thuê với lợi nhuận cao nên không có tiền cũng cố vay mượn để mua nhiều hợp đồng. Kết quả, không cho thuê được như lời hứa của tư vấn viên, trong khi các khoản nợ đến hạn phải trả hàng tháng khiến không ít người bị trầm cảm vì phải chạy đôn chạy đáo xoay tiền trả nợ.

Nhiều gia đình "tan cửa nát nhà" vì bao nhiêu tiền đổ hết vào các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ nhưng không thể cho thuê hoặc bán lại dù chấp nhận chịu lỗ.

Ngoài ra, hàng loạt trường hợp lâm vào cảnh "dở khóc dở cười" bởi bỏ ra một khoản tiền lớn trả trước cho hàng chục năm đi nghỉ (một tuần vào mùa hè hàng năm), đã nghỉ phép và bố trí thời gian để cả gia đình cùng thực hiện chuyến du lịch song đến hẹn thì không liên lạc được với công ty hoặc phía công ty báo lại là "chưa bố trí được phòng". 

Có những người đến điểm nghỉ dưỡng thì… ngã ngửa vì dịch vụ khác xa quảng cáo lúc đầu. Họ bị đối xử như "kẻ hành khất" khi gia đình 7 người chỉ được phát 4 phần kem đánh răng, khăn tắm và một tuần chỉ được dọn phòng một lần.

Nhiều người đã mua tuần nghỉ, có hợp đồng rõ ràng song khi đến nghỉ muộn thì bị công ty du lịch tự động bố trí phòng cho khách bên ngoài thuê, khiến gia đình họ phải vật vã "kêu gào" mới đòi lại được phòng nghỉ.

Quá trình tìm hiểu thực tế chương trình sở hữu kỳ nghỉ, bên cạnh các nạn nhân lâm vào hoàn cảnh như kể trên, chúng tôi cũng gặp một số bạn đọc "rút lui" kịp thời, không ký hợp đồng với công ty du lịch vì nhận ra yếu tố bất thường của chương trình.

Một bạn đọc từng được mời đến công ty du lịch dự hội thảo, đã đóng 15 triệu đồng tiền cọc và hẹn hôm sau đến ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ sẽ đóng nốt vài trăm triệu đồng còn lại. Nhưng khi về nhà tìm hiểu kỹ và phân tích bài toán tài chính, anh này chấp nhận bỏ 15 triệu đồng tiền cọc, quyết định không ký hợp đồng vì thấy rằng nếu ký sẽ "thiệt đơn thiệt kép".

Anh phân tích, với khoảng 500 triệu đồng (gói kỳ nghỉ một tuần mỗi năm, kéo dài hơn 30 năm) nếu gửi tiết kiệm 7%/năm sẽ được khoảng 35 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, nếu ký hợp đồng anh còn phải đóng phí thường niên hàng năm cho công ty du lịch khoảng 10 triệu đồng, nghĩa là nếu không mua hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ thì trong một năm anh sẽ "bỏ túi" được 45 triệu đồng, đủ để đi du lịch trong nước và hoàn toàn chủ động về thời gian, địa điểm.

Còn nếu ký hợp đồng, khách hàng mất tiền mua gói (500 triệu đồng) song không được sở hữu bất kỳ tài sản nào ở khu nghỉ dưỡng, hàng năm lại phải đóng phí duy trì và tiền phí này gần đây tăng cao, lên đến hàng chục triệu đồng. Trong khi đó, chỉ cần người mua không đóng phí 3 năm thì sẽ mất sạch toàn bộ số tiền đã nộp theo hợp đồng.

Chia sẻ với tôi bài toán tài chính nêu trên, bạn đọc này nói "rất may tôi đã không ký hợp đồng, vừa giữ được tiền, vừa không rước bực bội vào mình".

Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động mua bán "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch", mới đây Bộ Công an đã khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp; kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an về các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động này để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đề nghị cơ quan chức năng có liên quan, tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh "Sở hữu kỳ nghỉ du lịch" đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Thiết nghĩ, để mô hình kinh doanh nói trên phát triển lành mạnh ở Việt Nam, các bộ ngành liên quan cần sớm vào cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện các công ty kinh doanh mô hình này và xử phạt nghiêm bất cứ đơn vị nào nếu phát hiện sai phạm, đồng thời chuyển cơ quan điều tra nếu thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Về phía người dân, hãy là những người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ thông thái, tránh bị "mê hoặc" bởi những lời chào mời hấp dẫn song đằng sau đó thực chất là trò lừa đảo.

Tác giả: Nhà báo Nguyễn Văn Hải, tốt nghiệp khoa báo chí Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Anh gắn bó với nghề báo hơn 10 năm, chuyên thực hiện các bài điều tra, phóng sự về những vấn đề nóng của xã hội.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!