Tâm điểm
Trần Trọng An

Gục ngã trên đường chạy

Chạy bộ rất tốt cho sức khỏe. Điều này không thể phủ nhận. Phong trào chạy bộ đang phát triển rất mạnh. Đây cũng là chuyện đáng mừng. Bởi, ngày càng có nhiều người lựa chọn vận động để có một cuộc sống khỏe mạnh, tích cực hơn mỗi ngày. Bản thân tôi cũng tham gia chạy bộ và đạp xe, mới đây tôi đã có chuyến đạp xe từ Việt Nam qua các nước Lào, Campuchia, Thái Lan.

Tuy nhiên, cách thức tổ chức các giải chạy hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải suy ngẫm.

Gục ngã trên đường chạy - 1

Giải chạy bộ Tay Ho Half Marathon 2024 có số lượng VĐV tham dự đông kỷ lục (Ảnh: THHM).

Các trường hợp ngất xỉu, ngừng tim... xuất hiện rất nhiều trong các giải chạy gần đây. Nhiều vận động viên (VĐV) đã may mắn được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch, nhưng cũng có trường hợp đáng tiếc. Như trường hợp tại giải chạy bộ Tay Ho Half Marathon 2024, nam VĐV bất ngờ gục ngã ngay trên đường chạy, cách vạch đích khoảng 100m do ngừng tim.

Chỉ trong 2 năm qua, đã có ít nhất 2 trường hợp tử vong khi tham gia giải chạy. Trong đó có 1 VĐV ngất xỉu tại Marathon Quy Nhơn 2022 và không qua khỏi sau đó, một VĐV khác gặp tình trạng tương tự tại Vietnam Ultra Marathon Hòa Bình 2024.

Chấn thương, thậm chí tử vong là những rủi ro tiềm tàng trong các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Vì thế, khi tổ chức bất kỳ một giải đấu, giải phong trào thể thao nào cũng phải tính đến việc đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng cho người tham gia.

Quan sát các giải chạy phổ biến hiện nay dễ thấy, hầu như ai cũng có thể tham gia. Một số giải chạy mang tính thương mại, chỉ cần bỏ ít tiền mua BIB (số báo danh VĐV) chạy bộ, chứ không hề có sàng lọc VĐV.

Người ta nói nhiều về mục tiêu tốt đẹp của giải chạy, mà quên mất điều quan trọng, các VĐV đều không chuyên, thậm chí nhiều người không rèn luyện hàng ngày cũng có thể tham gia chạy.

Với những VĐV chuyên nghiệp hoặc giàu kinh nghiệm, họ biết cách giữ sức, giữ an toàn và biết dừng lại khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe.

Còn những người không chuyên, rất dễ bị cuốn theo người khác trong giải chạy, nỗ lực quá mức, tới lúc kiệt sức, nên việc ngất xỉu, ngừng tim, thậm chí tử vong xảy ra là điều dễ hiểu.

Dù VĐV đã ký cam kết đủ sức khỏe, loại trừ trách nhiệm, nhưng những người tổ chức giải chạy không thể nói mình vô can khi để xảy ra sự cố, tai nạn trong một sự kiện do mình tổ chức. Tuy nhiên, xử lý trách nhiệm này đến đâu, hiện vẫn đang là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Ở một khía cạnh khác, đa phần các giải chạy hiện nay đều mang tính thương mại. Nói trắng ra, đó là hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao.

Điều này tốt ở chỗ, chỉ khi có lợi nhuận cao thì mới khuyến khích được nhiều cá nhân, tổ chức tham gia. Từ đó khuyến khích, cổ vũ phong trào thể dục, thể thao quần chúng.

Nhưng, đã là hoạt động kinh doanh thì không có lý do gì để tổ chức ở khu vực đông dân cư, đặc biệt là khu trung tâm thành phố lớn, dẫn tới cấm đường, ảnh hưởng tới việc kinh doanh của người khác, ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của nhiều người. Chưa kể, có giải chạy còn tổ chức vào ban đêm hoặc sáng sớm, gây ảnh hưởng tới giấc ngủ của người dân trong khu vực.

Chạy bộ rất tốt, nhưng tổ chức giải chạy để xảy ra chấn thương, đột quỵ, tử vong rõ ràng là chuyện bất ổn. Kinh doanh giải chạy cần được khuyến khích, nhưng việc kinh doanh của nhóm này xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều nhóm khác thì cũng cần nên xem xét để thay đổi.

Tác giả: Ông Trần Trọng An có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực báo chí, từng công tác tại nhiều tòa soạn và hiện là Phó Tổng biên tập tạp chí Gia Đình Mới.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!