Tâm điểm
Phạm Thế Anh

Giải pháp nào để hỗ trợ tăng trưởng?

Mặc dù kinh tế 9 tháng qua đã cho thấy một số tín hiệu phục hồi, song quan điểm của tôi là vẫn cần phải giữ thái độ thận trọng. Ngay trong số liệu cũng thể hiện tốt - xấu đan xen.

Rõ ràng sự cải thiện của xuất khẩu hàng hóa cho phép chúng ta lạc quan. Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9 ước tính đã tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, tôi cho đây là tín hiệu đáng mừng nhất. Các tháng trước vẫn duy trì trạng thái giảm, song mức giảm chậm lại.

Quan trọng hơn là cần nhìn vào kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu chính của ta. Những nền kinh tế này nếu vẫn còn gặp khó khăn thì xuất khẩu sẽ chưa thể tăng mạnh bền vững trở lại được.

Đợt hồi phục này có thể do yếu tố mùa vụ, hoạt động nhập hàng chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm và cao điểm rơi vào tháng 8, tháng 9 và có thể sang tháng 10. Cho nên tín hiệu hồi phục sẽ không thể chỉ nhìn vào sự khởi sắc của xuất khẩu của một vài tháng qua mà cần theo dõi thêm.

Giải pháp nào để hỗ trợ tăng trưởng? - 1

Tốc độ tăng GDP 9 tháng so với cùng kỳ (%) trong giai đoạn 2011-2023 (Nguồn: TCTK).

Như vậy, dù đã có cải thiện hơn so với 2 quý đầu năm nhưng cơ sở cho sự hồi phục này chưa thực sự chắc chắn.

Các yếu tố có thể tác động tới chính sách tiền tệ

Điểm tích cực hiện nay là lạm phát cơ bản (chỉ số đo mức lạm phát loại trừ một số mặt hàng dễ thay đổi giá như lương thực, năng lượng) đang trên đà giảm, dù chậm. Giá cả của một số nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu như may mặc, mũ nón giày dép, thiết bị gia đình… tăng chậm phản ánh sức mua còn yếu.

Dẫu vậy, hai yếu tố có thể khiến dư địa tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng bị thu hẹp. Thứ nhất, kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới nói chung có xu hướng giữ nguyên lãi suất từ nay đến cuối năm. Trong năm nay, kịch bản tốt là không nâng lãi suất thêm nữa. Dù vậy, môi trường lãi suất trên thế giới nhìn chung vẫn đang ở mức cao và sẽ duy trì sang năm 2024.

Thứ hai, chúng ta phải cảnh giác với lạm phát tổng thể (chỉ số phổ biến trong đo lường lạm phát, bao gồm các mặt hàng giá cả biến động nhất thời như lương thực, thực phẩm, năng lượng…), nhất là sau khi tăng giá điện, nước, điều chỉnh học phí, đặc biệt là giá xăng dầu nhập khẩu tăng liên tục và thời tiết xấu cũng làm mặt hàng lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng giá.

Định hướng hiện nay cả về mặt tài khóa lẫn tiền tệ vẫn là hỗ trợ tăng trưởng, tuy nhiên chính sách tiền tệ không thể dễ dãi, dù chưa phải đảo chiều ngay nhưng cũng sẽ cảnh giác hơn với lạm phát. Bởi, từ lạm phát giá nhiên liệu, lương thực có thể sẽ lan tỏa sang các nhóm hàng khác.

Do vậy, tôi nghĩ rằng tốt nhất là chúng ta giữ được mức lãi suất huy động như hiện nay (đã về vùng đáy) và cố gắng tập trung hạ lãi suất cho vay. Đồng thời, các ngân hàng cũng cần dỡ bỏ các ràng buộc không cần thiết, những hạn mức chưa phù hợp, đồng thời phải kiểm soát được rủi ro tín dụng, đảm bảo nợ xấu không trở thành vấn đề lớn của nền kinh tế.

Đến nay, tăng trưởng tín dụng vẫn thấp một mặt vì lãi suất cho vay chưa hạ như mong muốn, chưa tương xứng với mức giảm của lãi suất huy động, nhưng quan trọng hơn là sự hấp thụ của nền kinh tế đang yếu.

Cầu tín dụng của nền kinh tế không chỉ bị tác động bởi lãi suất mà còn phụ thuộc vào triển vọng đầu ra của doanh nghiệp. Khi mà xuất khẩu còn khó khăn, sức tiêu thụ hàng hóa trong nước còn yếu thì doanh nghiệp cũng không mạnh dạn vay mượn. Điểm qua sức mua từ tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu đều cho thấy còn nhiều vấn đề, do vậy, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp trong khu vực sản xuất sẽ chưa thể tăng mạnh.

Thời điểm này, nhu cầu vay mượn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh lượng trái phiếu đáo hạn lớn, doanh nghiệp cần đảo nợ, cần vốn để phát triển các dự án, cần được tháo gỡ khó khăn. Nhưng đây lại là khu vực chứa đựng nhiều rủi ro và các ngân hàng đều rất e ngại.

Cần mở rộng tài khóa

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ thuần túy dựa vào chính sách tiền tệ mà còn cần sự phát huy nhiều hơn vai trò của chính sách tài khóa.

Cơ sở để đẩy mạnh hơn chính sách tài khóa đó là những năm qua thu ngân sách Nhà nước tốt, nợ công đang giảm tương đối.

Các chỉ tiêu tài khóa liên quan như nợ công/GDP, nợ chính phủ/GDP đều đang ở mức thấp so với ngưỡng kiểm soát. Ví dụ nợ công/GDP năm nay ước tính chỉ 40-41% (một phần do điều chỉnh phương pháp tính GDP làm tỉ lệ này giảm xuống), còn rất thấp so với ngưỡng kiểm soát 60%; nợ Chính phủ cũng khoảng 37-38% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp trên thu ngân sách năm nay dự kiến khoảng 20-21% (dưới ngưỡng 25%); nợ công chủ yếu là nợ trái phiếu Chính phủ trong nước với lãi suất tương đối thấp (chỉ 3-4%/năm) và kỳ hạn dài.

Với những điều kiện này và trong thời kỳ khó khăn như hiện nay, chúng ta nên thực hiện chính sách tài khóa nghịch chu kỳ, nghĩa là phải mở rộng tài khóa, đẩy mạnh giảm thuế, tăng chi tiêu công, đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế.

Hà Nội_Vũ Tuấn Anh.jpg

Một góc TP. Hà Nội nhìn từ trên cao (Ảnh: Vũ Tuấn Anh).

Từ đầu năm đến nay có thể thấy một số biện pháp đã được tiến hành như hỗ trợ VAT 2% để kích thích tiêu dùng (nhưng quy mô gói này khá nhỏ, không đáng kể), miễn giảm tiền thuê đất trực tiếp chỉ mới được đưa ra tương tự thời kỳ Covid. Một số chính sách khác như hỗ trợ phí trước bạ ô tô 50% không tác động nhiều đến tăng trưởng do mặt hàng ô tô cơ bản chỉ là mua linh kiện về lắp ráp, gia công. Các chính sách hỗ trợ thuế, phí cần hướng đến các doanh nghiệp trong nước.

Về nguồn tài trợ, Chính phủ nên cân nhắc đến biện pháp vay nợ nước ngoài. Trong nhiều năm qua Chính phủ chỉ chủ yếu vay nợ trong nước thông qua phát hành trái phiếu (mỗi năm khoảng 500.000 tỷ đồng theo kế hoạch của Bộ Tài chính, tương đương 1/4 chi tiêu ngân sách) để tài trợ cho thâm hụt ngân sách và đảo nợ. Tuy nhiên, điều này lại làm giảm cung ứng vốn cho khu vực tư nhân. Vốn trên thị trường là hữu hạn, nếu đổ nhiều quá vào trái phiếu Chính phủ thì lượng vốn dành cho khu vực tư nhân ít đi, đẩy lãi suất lên cao.

Mặc dù vay nợ trong nước có ưu điểm so với vay nợ nước ngoài (lãi suất thấp, tránh được rủi ro tỉ giá) nhưng không nên chỉ dựa vào đó mà bỏ qua vay nợ nước ngoài. Chính phủ nên kết hợp vừa phát hành trái phiếu trong nước vừa vay nợ nước ngoài nếu có được những nguồn vay ưu đãi có kỳ hạn dài.

Tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản

Tóm lại, trong 3 tháng cuối năm, các chính sách được khuyến nghị là: Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các bất cập về pháp lý để các dự án được giải ngân nhanh hơn.

Liên quan đến thị trường bất động sản, chúng ta nên tập trung tháo gỡ quyết liệt khó khăn cho một số phân khúc cụ thể.

Trên thị trường hiện nay đang xảy ra tình trạng dư thừa tại phân khúc cao cấp, nghỉ dưỡng, các bất động sản không đáp ứng nhu cầu thực. Phân khúc này chủ yếu dành cho giới đầu cơ. Trong khi đó, nhu cầu của người dân tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại bình dân, trung cấp và nhà ở xã hội nhưng nguồn cung khu vực này lại rất hạn hẹp.

Cho dù Chính phủ đang kêu gọi các gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội nhưng vấn đề là thiếu vắng dự án. Người dân muốn mua nhưng thiếu dự án, ngân hàng muốn cho vay nhưng có ít dự án để giải ngân, do vậy cần tập trung giải quyết nguồn cung cho phân khúc nhà ở thương mại trung cấp và nhà ở xã hội.

Nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề này thì giá bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực càng tăng. Bất chấp kinh tế khó khăn nhưng phân khúc nhà ở trung cấp và nhà ở xã hội vẫn đang tăng trên thị trường và tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân, làm cho khả năng tiếp cận nhà ở của người dân càng trở nên xa vời.

Hơn nữa, khi tháo gỡ được khó khăn cho phân khúc này thì đây là động lực rất lớn cho tăng trưởng, thúc đẩy tín dụng của hệ thống ngân hàng thông qua các gói vay mua nhà. Tác động cũng không chỉ gói gọn trong lĩnh vực bất động sản mà còn lan tỏa sang các ngành nghề liên quan như thiết bị điện, đồ dùng gia đình, nội thất… từ đó, giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn.

Đến thời điểm này có thể thấy mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% năm nay là rất khó khăn. Thời gian tới, để đạt được mức tăng trưởng cao hơn có lẽ chúng ta cần phải kiên nhẫn chờ đợi sự hồi phục của kinh tế thế giới khi mà độ mở của kinh tế Việt Nam đã rất lớn, từ xuất nhập khẩu cho đến đầu tư (trực tiếp lẫn gián tiếp) từ nước ngoài.

Một khi thế giới còn khó khăn thì chúng ta rất khó để kỳ vọng vào một sự đột phá mạnh mẽ. Nếu vì áp lực tăng trưởng mà kích thích tiền tệ bằng mọi giá thì sẽ dễ dẫn đến bong bóng tài sản và lạm phát trong tương lai, đẩy những người dân có thu nhập trung bình và thấp trở nên khó khăn hơn.

Do vậy, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng phải đặt trong tương quan với bối cảnh chung. Chỉ khi kinh tế thế giới hồi phục, hoạt động xuất khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam tốt hơn, cộng thêm xu hướng chuyển dịch sản xuất… thì chúng ta mới có thể kỳ vọng quay trở lại đà tăng trưởng cao.

Tác giả: PGS.TS Phạm Thế Anh nhận bằng Tiến sỹ Kinh tế tại Đại học Manchester vào năm 2007; hiện là Trưởng Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Ông có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tài chính và từng giữ các vị trí: Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô; Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách công và Quản lý thuộc Trường Đại Học Kinh tế Quốc dân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!