Tâm điểm
Nguyễn Bích Lâm

Động lực tăng trưởng năm 2024

Hoạt động kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định; bất ổn địa chính trị, thời tiết cực đoan gây hệ lụy nghiêm trọng đến an ninh năng lượng, lương thực, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất; tiêu dùng suy giảm.

Dự báo năm 2024 tăng trưởng của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, là đối tác thương mại lớn, quan trọng của nước ta suy giảm so với năm 2023.

Một số tổ chức tài chính, thương mại quốc tế đánh giá chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu công nghệ cao đứng thứ tư thế giới.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, năm 2024 tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào "cỗ xe tứ mã" đó là: Đổi mới, đảm bảo tính đồng bộ về thể chế và môi trường pháp lý cho phát triển kinh tế; thúc đẩy tiêu dùng của thị trường trong nước; thực hiện nhanh, hiệu quả vốn đầu tư công, tạo lan tỏa tới đầu tư ngoài nhà nước; thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Cùng với bốn động lực kéo cỗ xe kinh tế Việt Nam về phía trước, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế; phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh; tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của một số ngành, lĩnh vực mới…

Động lực tăng trưởng năm 2024 - 1

Hình ảnh cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chiều dài trên 80km với tổng vốn đầu tư của dự án trên 14.000 tỷ đồng (Ảnh: BTC).

Với mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Quốc hội đã thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tốc độ tăng GDP từ 6,0% - 6,5%.

Để GDP năm 2024 tăng 6% - 6,5%, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 3% - 3,2%, thấp hơn 0,63 - 0,8 điểm phần trăm so với năm 2023; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,2%- 6,9% cao hơn 2,46 - 3,16 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,7% - 7,1% cao hơn 0,28 điểm phần trăm.

Đây là các mức tăng không dễ đạt được khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tăng rất cao trong năm 2023. Tổng cầu tiêu dùng trong nước còn yếu khó thúc đẩy khu vực dịch vụ tăng cao. Tăng trưởng từ đầu tư công chỉ bù đắp được một phần cho các khu vực khác của nền kinh tế.

Đôi nét về lạm phát năm 2024

Bức tranh lạm phát năm 2024 đan xen các yếu tố gia tăng và kiềm chế lạm phát. Các yếu tố gây áp lực gia tăng lạm phát bao gồm: giá nguyên vật liệu dùng cho sản xuất đang ở mức cao; giá điện biến động theo chiều hướng tăng khi gia tăng nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng; giá gạo tăng theo giá xuất khẩu khi sản lượng lương thực ở một số quốc gia suy giảm do biến đổi khí hậu; giá các mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục có thể tăng sau nhiều năm kìm giữ; tác động của tăng lương và giá các mặt hàng tiêu dùng gia tăng theo yếu tố mùa vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sẽ làm gia tăng tổng cầu, gây áp lực lạm phát của nền kinh tế.

Với bất ổn địa chính trị, xung đột leo thang ở Trung đông gây rủi ro làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ; OPEC + tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm khoảng 2,2 triệu thùng/ngày, ngay từ đầu năm 2024 là những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng vào năm 2024 với dự đoán giá dầu sẽ giao dịch trong khoảng từ 70 - 100 USD/thùng, tương đương giá dầu tăng tới 19% so với năm trước, gia tăng áp lực lạm phát đối với kinh tế nước ta.

Tuy vậy, Cơ quan Năng lượng quốc tế dự báo, nhu cầu dầu năm 2024 sẽ tăng chậm lại khi kết thúc giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch, cùng với sự phát triển của các loại xe điện và một số yếu tố khác.

Ở chiều ngược lại, các yếu tố kiềm chế lạm phát bao gồm: sự chủ động và nguồn cung dồi dào về lương thực, thực phẩm - nhóm hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn trong chi tiêu dùng của người dân; lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực "nhập khẩu" lạm phát; Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.

Năm 2024, kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất vào cuối quý I khiến USD giảm giá, tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đôla Mỹ giảm do vậy giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay, lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại và lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước đã hạ thấp, cùng với đó Chính phủ chỉ đạo tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lạm phát.

Với các yếu tố kiềm chế lạm phát, Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%- 4,5% đã được Quốc hội thông qua hoàn toàn khả thi.

Động lực tăng trưởng năm 2024

Để thực hiện thành công toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, thiết nghĩ, Chính phủ và các địa phương sẽ cần thực hiện nhiều nhóm giải pháp đồng bộ.

Trong đó, theo tôi, việc đầu tiên là Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương khẩn trương đánh giá những tồn tại, bất cập, thách thức đang cản trở các nhóm động lực tăng trưởng hiện nay, đặc biệt đối với nhóm thể chế và môi trường pháp lý, từ đó đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy tối đa sức mạnh, tính hiệu quả của từng nhóm động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ và các địa phương cần xây dựng kịch bản tăng trưởng chi tiết dựa trên năng lực cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; khơi thông các nguồn lực, gắn tinh thần trách nhiệm và chịu trách nhiệm của thủ trưởng các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương; thực thi nghiêm chế tài đối với cán bộ công chức vô trách nhiệm.

Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu công nghệ cao đứng thứ tư thế giới và phải mất 15 năm để trở thành cường quốc xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao. Dệt may không còn là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu mà được thay thế bởi sản phẩm công nghệ cao. Chính phủ cần xác định cụ thể phải làm gì; tập trung đầu tư, phát triển ngành nào trong lĩnh vực công nghệ cao; liệu chăng Việt Nam có thể rút ngắn thời gian để biến tiềm năng thành hiện thực, trở thành cường quốc trong xuất khẩu công nghệ cao.

Với phương châm bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả, với năng lực và kinh nghiệm trong điều hành của Chính phủ cùng sự đồng hành kịp thời, hiệu quả của Quốc hội, tin tưởng rằng kinh tế Việt Nam sẽ hóa giải những khó khăn, bất cập, đạt được các mục tiêu đã đề ra cho năm 2024.

Tác giả: TS. Nguyễn Bích Lâm nguyên là Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Hiện tại, ông thường xuyên có những ý kiến đóng góp cho công tác điều hành trên góc độ một chuyên gia về lĩnh vực thống kê.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!