Tâm điểm
Đặng Hùng Võ

Định danh số nhà: Mũi tên trúng nhiều đích!

Ở Việt Nam hiện nay quá trình đô thị hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ. Đương nhiên, đây là quy luật mang tính tất yếu của quá trình phát triển, vì tỷ lệ đô thị hóa được coi là chỉ số phát triển. Tại các nước quanh ta, các quốc gia công nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc đã có tỷ lệ đô thị hóa đã đạt trên 80%; Trung Quốc, một nước có số dân khổng lồ, đạt tỷ lệ 50%; Thái Lan cũng là 50%... Còn nước ta, với rất nhiều cố gắng mới chỉ đạt tỷ lệ chưa đến 40%.

Tỷ lệ đô thị hóa mới chỉ nói lên số lượng, cái người ta quan tâm nhiều hơn là chất lượng đô thị hóa. Hiện nay, chỉ số "phát triển xanh" và "phát triển thông minh" là hai chỉ số cơ bản để cho biết về chất lượng. Ở nước ta có bàn tới hai chỉ số về chất lượng này khá nhiều, nhưng cũng chỉ là bàn như để xác định xu hướng cần quan tâm.

Trên thực tế, các dạng đô thị "nhà không số, phố không tên" còn ngổn ngang tại nhiều nơi; rồi ngay trên một phố có tên nhưng số nhà "hỗn loạn" tùy ý thích của mỗi chủ nhà cũng rất phổ biến. Nhiều lúc, đi tìm tới một địa chỉ có ghi chi tiết cũng rất mất thời gian, và tốn cả tiền xăng xe nữa. Tìm ra căn nhà cần đến đôi khi tạo cảm giác như vừa "phát minh" ra một điều mới lạ…

Định danh số nhà: Mũi tên trúng nhiều đích! - 1

Biển số nhà 6 xuyệt tại đường Huỳnh Tấn Phát, thị trấn Nhà Bè, TPHCM, đã được rút gọn, tuy nhiên vẫn chưa thay đổi bảng (Ảnh: Hoàng Hướng).

Nói như trên để thấy xác định địa chỉ một ngôi nhà ở tại các đô thị nước ta là việc không đảm bảo chuẩn mực. Nói cách khác, đô thị hóa ở nước ta đang có dáng dấp của tư duy "phát triển khu dân cư nông thôn", tức là chất lượng đô thị hóa không cao, chưa nói tới yếu tố "xanh" và "thông minh" mà các quốc gia khác đang theo đuổi.

Quản lý đô thị và kinh doanh bất động sản (BĐS) thuộc phận sự của Bộ Xây dựng, còn quản lý đăng ký pháp lý của BĐS thì thuộc phận sự của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hai lĩnh vực này phải phối hợp tốt với nhau thì mới làm cho chất lượng phát triển tốt hơn. Nhưng như đã nói ở trên, nhiều lúc tìm đến một căn nhà nào đó chưa quen thuộc, chúng ta có cảm giác như sắp bước vào thực thi một "nhiệm vụ bất khả thi".   

Cái khó hơn là cảnh "tranh tối tranh sáng" trong xác định ai là chủ sử dụng đất, ai là chủ sở hữu căn nhà trên đất, và được công khai ở mức độ nào. Xác định ai có quyền cũng đã được minh định trong pháp luật, nhưng công khai như thế nào vẫn còn là một khái niệm quá "mập mờ". Một nhóm cho rằng "pháp luật phải bảo vệ quyền riêng tư về tài sản"; còn nhóm khác lại muốn có chủ trương "công khai tài sản mới chống được tham nhũng".

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về yêu cầu "giải trình nguồn gốc tài chính đối với mọi BĐS". Ý kiến thì rất sôi nổi, nhưng vấn đề đã đặt ra lại "vẫn như cũ".

Như vậy, câu chuyện quản lý nói trên lại được đặt ra thêm yếu tố "con người có chủ quyền đối với BĐS". Quản lý con người, tức là quản lý cư dân, thuộc trách nhiệm của Bộ Công an. Tất nhiên, con người phải có chỗ ở nên mới gọi là cư dân. Lúc này thấy rõ rằng chúng ta có một danh sách các BĐS và một danh sách cư dân, vậy "2 danh sách này ghép với nhau như thế nào và công khai đến đâu" đang được đặt ra.

Công khai được vấn đề này là tạo ra bước tiến dài trong quản lý đô thị, đầu tư phát triển BĐS (nơi ở của cư dân) và minh bạch hóa thị trường bất động sản, góp phần phòng, chống tham nhũng. Có thể lại sẽ có nhóm không muốn công khai, trong đó có những người nhiều BĐS và giàu lên nhờ BĐS; còn nhóm có nhà ở chật hẹp hoặc không có thì lại rất muốn thật minh bạch để tạo cơ hội dễ dàng tìm nơi ở thỏa đáng.

Gần đây, có tin Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 Bộ Công an) cùng với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam sẽ triển khai Đề án 06 về hoạt động định danh số nhà, tức là gắn tên chủ nhà (định danh - xác định tên) vào địa chỉ nhà (mọi nhà đều phải có địa chỉ). Mục tiêu trước hết là tạo ra mạng lưới định danh bất động sản gắn với mỗi công dân, thuận tiện trong tìm nhà theo địa chỉ, giao hàng, đảm bảo chất lượng phát triển của đô thị; mục tiêu tiếp theo rất cơ bản là minh bạch tài sản BĐS và làm cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Nhiệm vụ quản lý này đóng vai "một mũi tên bắn trúng nhiều đích".

Thông tin về Đề án 06 được sự quan tâm của mọi cư dân và của cả giới truyền thông. Có một phóng viên nước ngoài hỏi tôi rằng "Vì sao Đề án có ý nghĩa rất lớn trong minh bạch thị trường BĐS mà không giao cho Bộ Xây dựng hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường?". Tôi trả lời rằng "Đây là một Đề án rất quan trọng, vừa có tác động nâng cao chất lượng đô thị hóa, vừa làm cho thị trường BĐS lành mạnh và hiệu quả hơn, nghĩa là có thể góp phần nâng cao khả năng phòng, chống tham nhũng trong đầu tư trên đất. Sơ đồ chính của Đề án là ghép nối danh sách cư dân với danh sách BĐS. Về nguyên tắc, Chính phủ có thể giao cho Bộ có chức năng quản lý cư dân hay bộ có chức năng quản lý BĐS đều được. Việc lựa chọn Bộ Công an làm cơ quan chủ trì thực hiện là hoàn toàn đúng vì Bộ Công an có dữ liệu về dân cư và vai trò nòng cốt theo luật định mà các Bộ khác không làm được".

Hy vọng Đề án này được triển khai thuận lợi, kiên trì các mục tiêu đã đặt ra, đi được tới các đích cuối cùng: nâng cao chất lượng đô thị hóa, thị trường BĐS phát triển vừa lành mạnh và vừa hiệu quả, và gạt bỏ tham nhũng trong quản lý đất đai và BĐS.

 Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!