Tâm điểm
Đặng Hùng Võ

"Cơn ác mộng" thiếu nước sạch của nhiều cư dân Thủ đô

Trong các nghiên cứu về sự sống trong vũ trụ, bao giờ người ta cũng bắt đầu bằng tìm kiếm các dấu hiệu của "nước" có tồn tại hay không? Điều này nói lên rằng "nước" là khởi nguồn của "sự sống". Trung bình, cơ thể con người chứa khoảng 60 - 70% là nước. Ai cũng biết rằng nhịn thở lâu nhất chỉ được mươi phút, sau đó là nhịn khát cũng được vài ngày, rồi mới đến nhịn ăn có thể được vài tuần. Điều này cho thấy, nước là yếu tố quan trọng thứ 2 sau khí thở để sống.

Hà Nội và TPHCM được đánh giá là hai siêu đô thị với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và có sức hút vô cùng lớn đối với cư dân các nơi. Thị trường bất động sản ở hai siêu đô thị này cũng phát triển rất mạnh để đáp ứng nhu cầu nhà ở của mọi người.

Trong giai đoạn đầu sau Đổi Mới, lãnh đạo của Hà Nội vẫn dùng tư duy bao cấp để hạn chế tình trạng tăng dân số. Cơ quan quản lý đặt ra quy định "phải có nhà mới được đăng ký hộ khẩu, và phải có hộ khẩu mới được mua nhà". Khi Luật Đất đai 2003 bắt đầu có hiệu lực thi hành, tôi đã phát biểu với lãnh đạo Hà Nội rằng "Hà Nội đang vi hiến và vi phạm pháp luật đất đai vì Hiến pháp đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, và Luật Đất đai cho phép công dân mua nhà không cần hộ khẩu". Về sau, Hà Nội đã bãi bỏ chính sách này và TPHCM cũng bãi bỏ tương tự.

Cơn ác mộng thiếu nước sạch của nhiều cư dân Thủ đô - 1

Lúc 23h ngày 15/10, nhiều hộ dân sống tại chung cư HH03 (tòa D,E,F lô B 2.1, KĐT Thanh Hà, phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) bị mất hoàn toàn nguồn nước sạch sinh hoạt. Cuộc sống của người dân tại đây bị đảo lộn hoàn toàn, nhà nhà vội vã đi tìm nguồn nước sạch ở các tòa nhà, khu dân cư để xin về sử dụng (Ảnh: Thành Đông).

Nhưng cũng từ đó, dân số Hà Nội tăng lên chóng mặt mà hạ tầng phát triển không kịp. Không khí thì ô nhiễm, nước sạch cấp không đủ. Đường ống dẫn nước sông Đà bị vỡ liên tục, nhiều nơi nguồn nước của nhà máy nước sạch bị ô nhiễm nên phải dừng cấp nước. Tình trạng thiếu nước sạch cục bộ xảy ra ở nhiều nơi, trở thành "cơn ác mộng" với người dân.

Mấy ngày nay, nhiều khu dân cư ở các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và các huyện Thanh Oai, Hoài Đức... đang mất nước sinh hoạt. Trên 15.000 cư dân thuộc khu đô thị Thanh Hà (huyện Thanh Oai) với 26 tòa chung cư phải xếp hàng chờ lấy nước sạch từ xe chở nước, do đường dẫn nước sạch bị ô nhiễm. Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm cũng bị thiếu nước cả chục ngày liền, người dân phải hàng ngày xách xô đi xin nước, dùng nước cũng phải tính từng giọt.

Người dân cho biết nước đã mất cả tuần lễ rồi mà không biết bao giờ có. Ở nhiều khu dân cư thuộc quận Hoàng Mai và huyện Hoài Đức cũng bị thiếu nước trầm trọng. Tôi cũng đã sống 10 năm trên đường Giải Phóng thuộc quận Hoàng Mai, đã trải nghiệm cảnh thiếu nước làm cho cuộc sống  ở đây trở nên bất an. 

Theo các nhà quản lý, nước sạch hiện nay chỉ đủ cấp cho khu vực đô thị và khoảng 80% nhu cầu của khu vực nông thôn ở Hà Nội. Trong thực tế đối với những nơi cấp nước sạch mà bị ô nhiễm thì cũng coi như không cấp nước. 

Từ tình trạng nói trên, có thể thấy chúng ta chỉ quen quản lý theo kiểu bao cấp. Khi cắt bỏ tư duy bao cấp nhằm tôn trọng quyền tự do lựa chọn nơi cư trú thì vấp phải ngay thách thức của dân số tăng cao mà hạ tầng đô thị không phát triển kịp. Vậy là nước sạch luôn luôn bị thiếu, có thể coi là "cơn ác mộng" thiếu nước luôn đe dọa hàng ngày.

Về giải pháp có thể nhìn thấy ngay, Hà Nội cần đẩy nhanh các dự án cấp nước sạch, rà soát những dự án chậm tiến độ để đốc thúc và hỗ trợ chủ đầu tư sớm hoàn thiện (ví dụ dự án nhà máy nước mặt sông Hồng với công suất 300.000 m3 mỗi ngày đêm đã chậm gần 3 năm); khắc phục những bất cập của mạng lưới cung cấp nước sạch, nhất là mạng lưới cấp nước cho khu vực cuối nguồn và ngoại thành… Một siêu đô thị với hơn 8 triệu dân, bao quanh là các con sông lớn, mà thiếu nguồn cung cấp nước sạch, mạng lưới cấp nước nhiều chỗ để xảy ra hiện tượng rò rỉ, vỡ đường ống, nước chảy yếu… là điều không thể chấp nhận được.  

Bài toán về giá nước cũng cần được đặt ra để làm sao vừa có mức giá phù hợp, vừa thu hút được nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Nhân đây, cũng cần thấy rằng ở các quốc gia đô thị hóa hiệu quả trên thế giới, người ta đưa ra chính sách phát triển hạ tầng, tiện ích công cộng dựa vào đóng góp của cư dân thông qua các hình thức thuế, phí. Nguyên tắc chung là chính quyền của dân có trách nhiệm giúp dân lo liệu tốt nhất cuộc sống, đảm bảo về môi trường, điện nước sinh hoạt. Qua đó từng người dân sẽ suy xét sức lao động, thu nhập của mình xem sinh sống ở đâu là phù hợp nhất.

Tình trạng "khủng hoảng" nước sạch tại nhiều nơi ở Hà Nội là một thách thức đáng lo ngại. Cần thấy rằng nước sạch là một dịch vụ công thiết yếu liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, nghĩa là vừa có trách nhiệm chính quyền nhìn từ góc độ "dịch vụ công", vừa cần có sự đóng góp, chung tay của toàn bộ cộng đồng cư dân nhìn từ góc độ "dịch vụ". Người dân ở nơi khác có thể hỗ trợ vài xe nước cho địa bàn gặp khủng hoảng nhưng không thể bỏ tiền ra lo giúp về lâu dài được.

Sự lo liệu chung tay của toàn bộ cộng đồng cư dân nơi gặp "khủng hoảng" nước sạch nói trên chỉ có thể có hiệu quả cao, khi chính quyền đô thị giúp được cộng đồng cư dân giải pháp chung tay nào là phù hợp nhất. Chính quyền phải tạo ra được phương thức chung tay đóng góp, cách chi tiêu tiết kiệm nhất để nâng cấp hạ tầng, và cơ chế minh bạch nguồn thu và kinh phí đã chi tiêu. Tất cả khó khăn đều có thể vượt qua được khi cộng đồng biết lo lắng chung tay dưới sự lo liệu thông minh của một chính quyền của dân và vì dân.

Biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên luôn rình rập, làm cho phát triển xanh gặp nhiều rủi ro lớn hơn, làm cho vấn đề cấp nước sạch ngày càng gặp nhiều thách thức hơn. Đối với các nước đang phát triển thì người ta coi tỷ lệ đô thị hóa là một trong những chỉ số đánh giá mức độ phát triển. Tất nhiên, chất lượng đô thị hóa là yếu tố tiếp theo cần đề cập. Khi chất lượng cuộc sống tại đô thị này không tốt thì các cư dân sẽ phải tự quyết định di chuyển tới những nơi khác đảm bảo chất lượng cuộc sống cao hơn. 

Chất lượng cuộc sống cao hay thấp được đánh giá bằng mức độ phát triển của hạ tầng (kinh tế, kỹ thuật, môi trường và văn hóa) và tiện ích công cộng. Cụ thể hơn, tối thiểu phải đảm bảo khí thở sạch, nước sạch và thực phẩm sạch; sau đó mới tính đến các chuyện khác như giao thông, giáo dục, y tế; rồi tiếp nữa mới tới văn hóa, thể thao và nhiều thứ khác nữa.

Vì vậy mà hai định hướng lớn nhất trên thế giới cho đô thị hóa là "phát triển xanh" và "phát triển thông minh". Nước là yếu tố cơ bản nhất để tạo ra "phát triển xanh". Hà Nội sẽ chưa hoàn toàn "xanh, sạch, đẹp" chừng nào còn thiếu nước sạch sinh hoạt.

 Tác giả: GS.TSKH Đặng Hùng Võ nguyên là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cùng vào năm đó. Ông có nhiều đóng góp cho ngành quản lý đất đai Việt Nam, là người đặt nền móng cho việc xây dựng Luật Đất đai năm 2003.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!